Doanh nghiệp Việt và xu hướng vươn ra nước ngoài M&A

Trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam thời gian qua, rất nhiều thương hiệu Việt Nam đã lần lượt vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Ngược lại, cũng có những "ông lớn" Việt Nam vươn ra nước ngoài và vững vàng tiến bước.
Doanh nghiệp Việt và xu hướng vươn ra nước ngoài M&A

Thị trường các nước đóng góp nguồn thu đáng kể cho Vinamilk. Ảnh: X.Thảo

Nội mua ngoại

Đầu tuần qua, Công ty CP FPT đã mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet) - một trong những công ty tư vấn công nghệ được Consulting Magazine đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Hiện FPT đã trả 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, giá trị thương vụ có thể ở mức 30 triệu USD, hoặc 45 - 50 triệu USD, tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động của Intellinet. Chỉ mất 7 tháng để FPT tìm hiểu và đàm phán thành công thương vụ này.

Thành lập năm 1993 tại Atlanta, Intellinet có 150 chuyên gia tư vấn và 200 khách hàng lớn, trong đó có nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500. Năm 2017, Intellinet đạt doanh thu 30 triệu USD. Thương vụ này sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành, bảo trì, đặc biệt trong các chương trình chuyển đổi số.

Sự kết hợp giữa thế mạnh của FPT và Intellinet giúp FPT đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Mỹ, ngược lại giúp Intellinet trở thành công ty tư vấn toàn cầu.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, đầu tư vào Intellinet chính là giải pháp để FPT đáp ứng nhu cầu về tư vấn chiến lược và thực thi chuyển đổi số đang tăng trưởng mạnh tại các nước. FPT đã sẵn sàng cung cấp giải pháp chuyển đổi số tổng thể cho các tập đoàn toàn cầu góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Cuối tháng trước, VinFast (công ty con của Vingroup) đã mua nhà máy và hệ thống phân phối tại Việt Nam của tập đoàn xe hơi Mỹ General Motors (GM). Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng theo giới kinh doanh ô tô là không hề nhỏ. Bởi GM Việt Nam thành lập 1993 (tiền thân là Công ty VIDAMCO), có nhà máy lắp ráp tại Hà Nội với công suất 30.000 xe mỗi năm.

Doanh nghiệp này đã xây dựng được hệ thống phân phối với 22 đại lý ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Nhiều năm nay, GM Việt Nam lắp ráp và phân phối 7 dòng xe mang thương hiệu Chevrolet, chiếm 4% thị phần trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.

Đặc biệt, dòng xe Colorado luôn đứng vị trí thứ hai trong phân khúc xe bán tải. Dự kiến, vào cuối năm nay, việc chuyển nhượng các hoạt động của GM Việt Nam, bao gồm nhà máy tại Hà Nội, đại lý ủy quyền và đội ngũ nhân sự sẽ hoàn tất.

Trước đó, vào năm 2016, Vinamilk đã chi 3 triệu USD để sở hữu 30% cổ phần còn lại của Công ty Driftwood Dairy (chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ), biến Driftwood Dairy thành công ty 100% vốn của Vinamilk tại Mỹ.

Cùng thời gian này, Vinamilk đã khánh thành nhà máy sữa Angkor Milk tại Phnom Penh (Campuchia) sau 10 năm thâm nhập và tìm hiểu thị trường. Nhà máy mua lại từ một doanh nghiệp địa phương, có công suất mỗi năm trên 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc. Còn tại New Zealand, Vinamilk nâng cổ phần tại nhà máy sữa Miraka lên 22,81%. Với những thương vụ này, đến nay Vinamilk có 3 nhà máy sữa tại Mỹ, New Zealand và Campuchia.

Những thương vụ mới

Thâu tóm thương hiệu ngoại không phải là lần đầu của FPT. Năm 2014, tập đoàn này đã mua công ty công nghệ thông tin tại Slovakia để phát triển thị trường tại châu Âu. Chỉ sau một năm, thương vụ này đã có lãi. Và mới đây, công ty này đã mang về cho FPT hợp đồng 100 triệu USD liên quan đến chuyển đổi số cho InnogySE.

Mỹ là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của FPT, năm 2017 đã mang về cho FPT 60 triệu USD, tăng 17% so với năm 2016. Tại đây, FPT cung cấp dịch vụ cho 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng - tài chính, viễn thông, ô tô.

Doanh thu từ thị trường này có thể đạt mốc 100 triệu USD trong năm tới. Đại diện của FPT cho biết, sau thương vụ với Intellinet, FPT sẽ tiếp tục M&A tại thị trường Nhật Bản và châu Âu với ngân sách khoảng 50 triệu USD/năm. FPT quyết tâm thực hiện M&A bởi đây là đường tắt để  thực hiện mục tiêu toàn cầu hóa.

Cũng như FPT, các thương vụ M&A ở nước ngoài đã mang về doanh thu đáng kể cho Vinamilk. Năm 2015, Driftwood Dairy đạt 119 triệu USD, đóng góp 6,5% doanh thu hợp nhất của Vinamilk. Nhà máy tại Campuchia từ 35 triệu USD doanh thu năm 2015 đã tăng lên 54 triệu USD trong năm 2017.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Công ty CP Vinamilk cho biết, việc mua bán và sáp nhập trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt là nhắm đến các doanh nghiệp có sản phẩm mới, tốt, công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, Công ty sẽ thận trọng lựa chọn các thương vụ sao cho hiệu quả nhất.

Trong khi đó, thương vụ của VinFast với GM đến cuối năm nay mới xong công đoạn chuyển giao nên chưa thể biết hiệu quả thương mại. Tuy nhiên, với việc sở hữu GM Việt Nam, VinFast đã có ngay hệ thống phân phối cho kế hoạch đưa những chiếc xe đầu tiên đến với người tiêu dùng trong năm 2019.

Xu hướng mua doanh nghiệp ngoại đang tiếp tục tăng khi có nhiều doanh nghiệp cùng tầm nhìn này. Nói như ông Nguyễn Quang Tường - Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, doanh nghiệp không phải lo ngại làn sóng thâu tóm của các nhà đầu tư ngoại.

Bởi, bên cạnh xu hướng sáp nhập, toàn cầu hóa là xu hướng "win - win" - đôi bên cùng thắng. Các tập đoàn nước ngoài có lợi thế về tài chính, về dịch vụ nhưng không thể qua doanh nghiệp Việt Nam về sự am hiểu thị trường, người tiêu dùng. Hơn nữa, khi đã kinh doanh, hầu hết doanh nghiệp đều tính đến hiệu quả kinh tế nên không bất chấp để thôn tính đối tác.

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật