Doanh nhân Hà Bùi: Từ cô công nhân nhặt chỉ đến CEO thời trang Sohee
Trước khi mở showroom cho Sohee tại Vincom Bà Triệu, Hà Nội vào giữa tháng 9/2018, doanh nhân Hà Bùi yêu cầu toàn bộ công việc sửa sang phải hoàn thành trong 2 tuần – điều mà công ty khác thường làm trong 1,5 tháng. Và để chuẩn bị cho lễ khai trương, bộ phận thiết kế sản xuất phải hoàn thành 10 bộ trang phục cho những người nổi tiếng tham dự sự kiện chỉ trong 3 ngày…
Kiểu chỉ đạo quyết liệt, thần tốc trong thực hiện như vậy ngấm vào Hà Bùi từ khi mới khởi nghiệp bởi với cô "tốc độ là nhân tố cực kỳ quan trọng trong ngành thời trang" và "thời gian không thể lấy lại được".
Nhiều người biết đến Hà Bùi là Tổng giám đốc của Sohee – một thương hiệu thời trang công sở cao cấp mang phong cách Hàn Quốc nhưng còn khi bắt đầu với ngành thời trang thì sao?
Tôi chỉ là một cô công nhân nhặt chỉ thôi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông ở Thanh Hoá, tôi vào Sài Gòn để ôn thi đại học nhưng thực ra là trốn nhà vào đó. Lý do là tôi thấy một số bạn bè vào Sài Gòn làm việc khi về quê thì ăn mặc rất đẹp, có tiền dù cũng không hiểu họ làm gì.
Khi vào đó rồi tôi mới biết bạn cũng làm công nhân may thôi và cũng không sung sướng gì. Tôi cũng đi làm công nhân may như họ một thời gian. Ca làm việc bắt đầu lúc 8h30 nhưng tôi và các bạn phải đi bộ từ 6h sáng bởi chỗ làm cách chỗ trọ tới 10km.
Sau đó, tôi đi học kết hợp với đi làm thêm bán hàng thời trang vào buổi tối (từ 6h đến 10h) với mức lương 200.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, nhờ đam mê thời trang và biết cách bán hàng, tôi thường được thưởng khá nhiều nên thu nhập cả tháng được 400.000 đồng, đủ để trang trải cho cuộc sống eo hẹp ở Sài Gòn. Bán hàng tốt, tôi được thăng chức lên quản lý và từ đó mới nhìn ra các cơ hội kinh doanh thời trang sau này.
Làm công nhân may với việc nhặt chỉ và phải đi bộ tới 2 tiếng mỗi ngày vào buổi sáng để đi làm, có lúc nào chị nghĩ tới việc bỏ về Thanh Hoá?
Làm công nhân may thu nhập thấp, sống rất khổ và tôi cũng phải viết thư xin tiền bố mẹ vài lần. Thậm chí, có lần bố phải vay lãi 400.000 đồng để gửi vào Sài Gòn cho tôi. Xin tiền vài lần cũng ngại nên tôi không xin nữa, chấp nhận khổ và tìm cách chứ không quay về.
Cũng có lần thấy khổ quá tôi đã tính đến việc đi làm giúp việc bởi ăn, ở là người ta lo cho mình rồi, lại có thêm một khoản để ra. Thế nhưng, cá tính tôi cũng mạnh, lại hiếu thắng nên quyết định không làm.
Bố tôi ở quê thì lo cho con gái, sợ vào đó không ai quản lý sẽ hư nên còn viết thư cho tôi dặn “đói cho sạch, rách cho thơm”. Bất cứ khi nào nghĩ tới làm công việc gì mà không cần nỗ lực, không phải chịu khổ nhưng sẽ phải xấu hổ sau này, tôi lại nghĩ đến những điều bố viết và không bao giờ làm.
Trải qua rất nhiều việc, tôi nhận thấy rằng mọi thứ đều do cái đầu mình nghĩ như thế nào thôi. Nếu nghĩ là sẽ thành công hoặc làm được thì mình sẽ nỗ lực hết sức, tìm mọi phương cách và rồi cũng sẽ thành công, chỉ là ở mức độ này hoặc mức độ khác. Còn nghĩ sẽ thất bại thì mình sẽ chán, không muốn làm nữa, và buông tay…
Chị bắt đầu tự kinh doanh thế nào khi phải làm thuê ở Sài Gòn với đồng lương chỉ đủ sống?
Khi làm ở Sài Gòn, tôi gặp một chuyện buồn. Tôi bỏ Sài Gòn về Hà Nội làm việc và 2 năm sau thì lập gia đình rồi chuyển về Hải Dương.
Khi đi bán hàng thời trang thuê trở lại tôi thấy rằng nếu mình không thay đổi thì cuộc sống cứ mãi khổ như vậy thôi. Trong thời gian bán hàng thuê tôi cũng tự tìm hiểu được cách nhập hàng, kinh doanh và nhìn thấy cơ hội tốt. Cái tôi thiếu lúc đó là vốn vì tiền lương chỉ đủ sống chứ không có gì để dành. Thế là tôi quyết định nhờ chị gái vay hộ 50 triệu với lãi ngày để mở cửa hàng bán quần áo.
Nhờ gu thời trang tốt và có lẽ cũng nhờ may mắn nữa, cửa hàng quần áo của tôi lúc đó kinh doanh rất suôn sẻ. Tháng đầu tiên tôi đã có lãi tới 30 triệu và trả được món nợ nhờ chị gái vay hộ trong thời gian ngắn. Sau đó, tôi mở thêm vài cửa hàng khác và tiến tới làm đại lý ở Hải Dương cho 2 thương hiệu thời trang công sở cao cấp có trụ sở tại Hà Nội.
Bước ngoặt cho sự nghiệp đến khi 2 thương hiệu thời trang này ép tôi chỉ được chọn một chứ không được làm đồng thời 2 bên. Lúc đó tôi rất tức vì mình đã đầu tư bao nhiêu tiền cho showroom rồi, giờ phải bỏ một cái đi và làm lại thì rất tốn kém mà họ đâu cần ép mình như vậy. Vì thế, tôi chọn một thương hiệu bán chạy hơn để phân phối tiếp và âm thầm chuẩn bị cho thương hiệu thời trang công sở của riêng mình.
Tại sao chị không lập công ty ở luôn Hải Dương mà phải lên Hà Nội?
Tôi lên Hà Nội lập công ty thời trang Sohee bởi chỉ có Hà Nội hoặc TPHCM mới có đủ các điều kiện cho việc thiết kế và sản xuất thời trang công sở cao cấp chứ ở các tỉnh rất khó. Tuy nhiên, việc lập công ty sản xuất ở Hà Nội nhưng vẫn phải đồng thời kinh doanh các cửa hàng bán quần áo, tiếp tục phân phối cho một hãng thời trang công sở khác ở Hải Dương khiến tôi bị quá tải.
Lúc đó, tôi chỉ có một mình và phải phụ trách hết tất cả mọi việc từ tìm nguồn hàng, vật liệu, lên thiết kế, làm KCS, tuyển dụng... Con gái thứ 2 của tôi lúc đó mới 7 tháng tuổi đã phải cai sữa, con gái lớn mới 3 tuổi mà nhà thì không thuê giúp việc. Quán xuyến công việc cả ở Hà Nội và Hải Dương lại phải tự lái xe đi về hàng ngày quả thực không dễ dàng.
Tôi thấy nếu cứ tiếp tục như vậy mình sẽ kiệt sức, không thể kéo dài. Chưa kể việc sản xuất thời trang công sở cao cấp cũng đòi hỏi nhiều vốn mà lúc đó nguồn tiền từ các cửa hàng quần áo và phân phối thời trang công sở không đủ.
Lúc đó, tôi cũng không thể vay lãi ngày như lần đầu mở cửa hàng bán quần áo ở Hải Dương được. Bởi vay lãi ngày vài chục triệu đồng cho kinh doanh quần áo nhập khẩu kiểu mì ăn liền sẽ rất khác với đầu tư lớn và không thể thu lãi ngay được. Còn vay ngân hàng thì không đủ điều kiện vì người thân sợ tôi bị vỡ nợ nên không ký vào các văn bản thế chấp.
Để có tiền trả lương công nhân, tôi bán đôi hoa tai kim cương và chiếc dây chuyền đang đeo. Sau đó, tôi chuyển nhượng được một cửa hàng ở Hải Dương và có tiền để mở showroom, chính thức khai trương thương hiệu thời trang của riêng mình.
Người ta đồn là lúc chuyển hẳn lên Hà Nội để tập trung hơn cho công ty Sohee, chị dọn đi lúc 1h đêm như trốn nợ. Thực ra là thế nào?
Hôm đó chuyển nhượng cửa hàng ở Hải Dương xong lúc 8h tối, tôi và mọi người dọn dẹp đồ đạc rồi đi ngay trong đêm (lúc 1h sáng). Thực ra là tôi muốn đi ngay để hôm sau còn làm việc tiếp ở Hà Nội chứ không trốn nợ ai cả.
Hàng ngày, tôi quá mệt và mất nhiều thời gian với việc sáng phải tự lái xe đi Hà Nội và tối muộn lại tự lái xe về Hải Dương nên muốn lên thủ đô luôn. Lúc đó tôi đã có tiền để khai trương showroom rồi nên muốn làm thật nhanh và không muốn phí phạm thêm bất cứ thời gian đi lại nào nữa.
Cái tên Sohee bắt nguồn từ đâu?
Tôi thích xem phim Hàn Quốc và thấy thời trang Hàn Quốc rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Lấy phong cách Hàn Quốc cho dòng thời trang công sở cao cấp của mình, tôi cũng cần chọn một cái tên có nguồn gốc Hàn Quốc và Sohee được chọn vì nó dễ nhớ, dễ đọc. Các chị em ở tỉnh nhiều người vẫn đọc là Sohe nhưng tôi thấy không sao cả, miễn là khách hàng nhớ được tên thương hiệu của mình dễ dàng theo cách của họ là được.
Showroom đầu tiên của Sohee khai trương ở Thanh Hoá, Hải Dương chứ không phải ở Hà Nội - nơi chị đặt công ty. Vì sao chị lại làm ngược so với các thương hiệu thời trang công sở cao cấp khác?
Tôi đã làm đại lý cho 2 thương hiệu thời trang công sở cao cấp ở Hải Dương nên hiểu thị hiếu người tiêu dùng ở tỉnh. Tôi phát hiện ra là ở tỉnh không có nhiều các showroom thời trang công sở cao cấp. Các chị em lên Hà Nội sắm đồ thì khá bất tiện. Họ phải lái ô tô đến các trung tâm thương mại hoặc showroom của hãng mà không biết đường rất dễ bị công an phạt, chưa kể mất nhiều thời gian đi lại, mệt mỏi.
Trong khi đó, số lượng chị em có điều kiện ở các tỉnh rất nhiều, chịu chi, lại không quá khó tính như ở Hà Nội. Vậy tại sao mình không mở những showroom thời trang công sở thật sang trọng ở mặt tiền phố trung tâm ở các tỉnh để phục vụ họ?
Thực ra, các hãng thời trang công sở khác cũng có đại lý ở tỉnh nhưng đại lý thì sẽ không thể có showroom hoành tráng được vì chi phí quá cao, hoa hồng không đủ cho họ đầu tư, hàng bán cũng không đủ size và thiếu các chương trình ưu đãi, khuyến mại…
Thêm một điểm khác là chi phí đầu tư showroom ở các tỉnh thấp hơn nhiều ở Hà Nội mà sức mua lại lớn hơn do thị trường còn rộng. Vì thế, tôi quyết định đưa Sohee đi tỉnh trước nhưng tự hứa là sẽ trở lại Hà Nội khi mình có đủ lực. Còn việc chọn Thanh Hoá bởi đó là quê hương của tôi và tôi muốn làm ở quê mình trước.
Ngày khai trương showroom đầu tiên diễn ra như thế nào?
Sohee khai trương showroom vào tháng 10/2013 đồng thời ở cả Thanh Hoá và Hải Dương. Ngày 20/10/2013 cũng là ngày Phụ nữ Việt Nam, tôi khai trương Sohee ở Thanh Hoá với chương trình khuyến mại lớn, khách đến mua sạch cả cửa hàng.
Số tiền trong ngày đầu tiên thu về tới hơn 600 triệu đồng – điều tôi không thể mơ tới trước đó. Dù đẩy nhanh sản xuất và đưa hàng khẩn cấp về để phục vụ, Sohee luôn trong tình trạng cháy hàng những ngày sau đó. Kể từ đó, tôi cũng nhanh chóng thoát khỏi nỗi ám ảnh về khó khăn tiền bạc.
Tháng 12/2013, Sohee khai trương liên tiếp 5 showroom nữa ở Hạ Long, Bắc Ninh, Cẩm Phả và 2 cái ở Vincom Bà Triệu. Đến bây giờ thì Sohee đã có 19 showroom ở miền Bắc rồi (3 ở Hà Nội, 16 ở các tỉnh).
Kinh doanh đã nhiều năm, cũng trải qua nhiều thành công cũng như vấp váp, giờ đây chị còn hiếu thắng và luôn muốn làm mọi thứ thật nhanh như hồi còn làm công nhân hay chuẩn bị khai trương Sohee nữa không?
Luôn làm việc quyết liệt và ép tiến độ lớn như vậy có khiến chị gặp phiền phức gì không?
Cũng có một chút. Như việc khai trương showroom ở Vincom Bà Triệu là một ví dụ, có nhân viên không chịu được áp lực nên xin nghỉ và tôi rất buồn. Tôi cũng tự hỏi mình là có cần phải đẩy nhanh tiến độ và quyết liệt làm bằng được trong thời gian ngắn như vậy hay không? Nhưng tôi nhận ra rằng, từ trước đến nay đó là một yếu tố quan trọng giúp mình và Sohee thành công.
Trong ngành thời trang, tốc độ là điều cực kỳ quan trọng. Việc thay đổi theo thị trường với những xu hướng, biến động, cơ hội mới không phải tính theo chu kỳ 6 tháng như trước mà đã rút ngắn xuống 3 tháng, thậm chí theo đơn vị tuần. Nếu mình không đáp ứng được điều đó thì sẽ bị đào thải và cả công ty hàng trăm người (hiện Sohee có 500 nhân viên) sẽ không còn việc gì để làm nên không thể thoải mái làm việc theo tiến độ mình thích được.
Tất nhiên, tôi chưa giải thích cho nhân viên hiểu được điều đó thì phải tìm cách để làm cho họ hiểu, để họ chia sẻ với mình, công ty.
Sohee không còn là một công ty nhỏ như trước nữa mà đã có tới 500 công nhân, 19 showroom trên nhiều tỉnh thành ở phía Bắc nhưng chị vẫn phải kiêm rất nhiều công việc từ quản lý chung đến làm marketing, bán hàng, thiết kế, tuyển dụng… Làm sao chị có đủ thời gian giúp nhân viên của mình hiểu được và tìm hướng đi chiến lược mới cho công ty?
Riêng việc đào tạo nhân viên thì tôi vẫn trực tiếp làm thường xuyên, đặc biệt là với nhân viên bán hàng. Bây giờ kinh doanh khó khăn rồi, nếu mình chỉ bán hàng theo kiểu bản năng như trước thì sẽ không hiệu quả nữa. Mình có sản phẩm tốt nhưng khâu bán hàng không tốt, dịch vụ không tốt thì khách sẽ không mua và cũng không quay lại. Đó là lý do mà kỹ năng bán hàng của nhân viên Sohee phải được nâng lên cao hơn nhiều so với trước đây.
Còn việc ôm đồm nhiều việc thì tôi cũng giảm nhiều rồi. Tôi hiểu là nếu muốn Sohee mở thêm 30-40 showroom mới trong vài năm tới thì phải có thêm nhiều người giỏi giúp mình, còn không thì Sohee không nên phát triển hơn nữa.
Sau gần 5 năm tôi kiêm vị trí trưởng phòng marketing thì giờ Sohee đã có người rồi. Một số công việc khác cũng được phân tải khi tôi tuyển được nhân sự nhưng vị trí Giám đốc điều hành thì đã tìm kiếm cả năm nay nhưng chưa được dù Sohee sẵn sàng trả mức lương từ 5.000-7.000 USD/tháng.
Cuối năm 2018, Sohee sẽ mở thêm 2 showroom nữa và quảng bá thương hiệu mạnh hơn ở thủ đô. Trước đây, mọi người chủ yếu biết đến Sohee là ở các tỉnh thì giờ đây khi trở lại thủ đô, điều tôi rất muốn làm là: khi nhắc đến Sohee, mọi người sẽ hiểu đó là thương hiệu gì.
Tuấn Mark
Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- La Vita sau DD Shark Tank mùa 1: CEO hoa hậu từ chối đầu tư của Shark Phú sau một câu hỏi nhỏ, giờ cửa hàng đạt doanh thu cao nhất 30 triệu đồng/ngày!
- Chuyện những người phụ nữ khởi nghiệp vươn lên thoát nghèo
- Shark Đặng Hồng Anh: Khởi nghiệp “phong trào” thì thất bại chỉ là chuyện sớm hay muộn
- Đồng hành với Shark Tank mùa 2 bằng 100% các khoản cho vay chuyển đổi, Shark Phú kết luận: Trái phiếu chuyển đổi có điều kiện đảm bảo, lãi suất 18% thì không có gì là rủi ro cho nhà đầu tư cả!
- 3 startup công nghệ độc đáo được nhận đầu tư từ VIISA
- Bán phở có phải khởi nghiệp không? Theo quan điểm Shark Hưng, không có yếu tố gì mới mẻ, khác biệt thì chỉ là lập nghiệp thôi!
- Shark Đặng Hồng Anh: Có những Startup một bước đi lên tỷ phú nên nhiều bạn trẻ hiện nay hay soi chiếu vào đó và thực hiện rất hồn nhiên
- Nếu Steve Jobs gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam, có lẽ Apple đã phá sản từ lâu, còn chúng ta vẫn đang xài Nokia "cục gạch"!
- Được Shark Phú cam kết đầu tư, "Rich Kid" chạy xe ôm để trả nợ 5 tỷ trải lòng: "Tôi khởi nghiệp lại để khẳng định tôi không phải kẻ bỏ đi hay lêu lổng”
- "Shark" Lê Đăng Khoa khởi nghiệp thương hiệu hoa thứ tư