Founder cửa hàng bánh ngọt nửa tỷ đô: Nếu không có thất bại thê thảm, đã chẳng có thành công nổi bật
Kathleen King là nhà sáng lập của một cửa hàng bánh ngọt trị giá tới 500 triệu USD. Từng mất hết tất cả và làm lại mọi thứ từ điểm xuất phát, bà hiểu hơn ai hết rằng nếu không có thất bại thê thảm, đã chẳng có thành công nổi bật.
Kathleen King - nhà sáng lập của Tate’s Bake Shop. Ảnh: Business Insider. |
Hương vị nhà làm
Đó là cách mà Kathleen King, nữ chủ nhân của cửa hàng Tate’s Bake Shop - nơi có món cookie chocolate ngon số 1 nước Mỹ (theo Consumer Reports và Rachel Ray) - mô tả về công ty của mình. Trên Business Insider, Kathleen cho biết, trong tháng 6 vừa qua, Tate’s Bake Shop đã chính thức được bán lại cho Mondolēz International - nhà sản xuất Oreo và Chips Ahoy với giá lên tới 500 triệu USD.
Mặc dù chỉ mới thành lập Tate’s Bake Shop từ năm 2000, song niềm đam mê bánh ngọt và khả năng kinh doanh của Kathleen King đã sớm bộc lộ từ thời thơ ấu, khi còn ở Southampton, New York. Bà bắt đầu tập tành nướng bánh từ năm 11 tuổi và bán cho mọi người đến cửa hàng nông sản do cha bà làm chủ. Nhờ sự hưởng ứng của những người mua bánh, việc kinh doanh của bà diễn ra thuận lợi đến nỗi bà đã dành cả mùa hè để nướng bánh, 10 tiếng/ngày trong suốt cả tuần.
Chia sẻ về quãng thời gian đó Kathleen King cho biết: "Lớn lên ở trang trại, tôi cảm thấy mình giống như một người cu li nhí, song khi nhìn lại, thì khoảng thời gian đó thực sự là thiên đường. Cha mẹ tôi từng nói rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì hay trở thành bất cứ ai mà tôi muốn miễn là tôi cố gắng”.
Chất lượng là điều quan trọng nhất
Với số vốn 5.000 USD mà mình dành dụm được từ tiền bán bánh, vào năm 1980, King đã thuê được cửa tiệm đầu tiên ở tuổi 21 và bắt đầu bán bánh tại các gian hàng ở trang trại dưới thương hiệu Kathleen's Cookies. Ba năm sau, cô đã mua bakeshop đầu tiên của mình – chính là ngôi nhà của Tate bây giờ - với giá 50.000 USD và tiếp tục bán bánh quy tự làm.
Năm 1999, King nhờ anh trai của mình tham gia vào công việc kinh doanh để mở rộng sản xuất, đồng thời cô bắt đầu thiết lập quan hệ với nhiều đối tác với mong muốn phát triển công ty. Nhưng mọi việc sau đó không hề diễn ra như dự định của Kathleen. Cô nói: "Ngay sau khi tôi đặt bút ký hợp đồng, đối tác của tôi dường như cũng biến thành một người khác”.
Các đối tác đã mua lại một nhà máy ở Virginia, nơi họ sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng thấp hơn và không chịu trả một số hóa đơn và do đó các nhà cung cấp bắt đầu đòi nợ.
“Thiếu tiền, họ không thể tái sản xuất. Nhưng khi tôi nói rằng họ phải dừng ngay việc này lại, họ đã không chịu. Bọn họ cho rằng chính niềm tự hào của tôi sẽ cản trở công việc. Nhưng mục tiêu kinh doanh của tôi là chất lượng sản phẩm chứ không phải là tiền".
Sau khi King bắt đầu trả nợ cho các nhà cung cấp bằng tiền mặt mà cô nhận được từ khách hàng mua hàng tại tiệm bánh, các đối tác đã buộc cô tội ăn cắp tài sản. Họ nhanh chóng sa thải cô khỏi chính công ty mà cô sáng lập. Sau đó, King đã kiện các đối tác ra tòa và đi đến thỏa hiệp: Họ từ bỏ quyền đối với thương hiệu Kathleen's Bake Shop còn cô từ bỏ quyền đối với tài sản của mình tại công ty.
Thành công và thất bại luôn song hành
Không còn tiền, một lần nữa King phải bắt đầu công việc kinh doanh lại từ đầu. Nhờ chất lượng sản phẩm, uy tín và sự giúp đỡ từ nhiều người, Kathleen King nhanh chóng xây dựng lại được công ty, với tên gọi mới Tate's Bake Shop. Cô đã trả hết nợ vào năm 2003 và trở thành một trong những doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá với doanh thu hàng năm đạt 3 triệu USD.
Là một người từng đi qua thất bại, bị phản bội bởi chính cộng sự của mình, Kathleen King hiểu hơn ai hết những việc nên và không nên làm trong cuộc đời. Khi nói về việc bắt đầu một doanh nghiệp của riêng mình, cô cho biết mọi thứ sẽ khó khăn gấp bốn lần những gì mà bạn có thể tưởng tượng ra. Chỉ có sự kiên trì và chăm chỉ mới có thể giúp bạn tiến về phía trước.
Cô nói: "Tôi dành tất cả mọi thứ tôi có vào Kathleen's Bake Shop và rồi tôi mất nó. Nhưng từ thất bại, tôi có Tate's Bake Shop và thành công hơn trước. Không có thất bại thảm hại thì cũng chẳng có thành công nổi trội. Suy cho cùng thành công và thất bại vốn là hai thứ luôn song hành cùng nhau".
Khi bắt đầu thành lập Tate ở tuổi 40, King tự nhủ rằng khi cô bước sang tuổi 55, cô sẽ nghỉ hưu vì cô đã hy sinh toàn bộ tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp kinh doanh.
"Khi tôi làm kinh doanh, mục tiêu của tôi chỉ là mua một căn hộ, một chiếc xe hơi và dọn ra khỏi trang trại. Sau đó mục tiêu của tôi là trở thành nhà làm bánh cookie số 1. Bây giờ tôi đã đạt được các mục tiêu đạt ra, vì vậy tôi nghĩ đã đến lúc để cho bản thân nghỉ ngơi".
Cô đã sẵn sàng để tận hưởng những điều mà cô đã bỏ lỡ trong tuổi 20 của mình. Cô nói: "Nếu được quay trở lại tuổi 20, một lần nữa, tôi sẽ nói với Kathleen King của những năm tháng đó rằng đừng quá lo lắng vì đến cuối cùng mọi thứ rồi sẽ ổn".
Không có gì quý giá hơn thời gian, vì vậy, sau khi nghỉ hưu King dành phần lớn thời gian đi xe đạp, đi du lịch, cố vấn và giúp đỡ các tổ chức phi lợi nhuận. Và tất nhiên, cô vẫn luôn thưởng thức hương vị yêu thích của mình mỗi khi về nhà - bánh quy chocolate chip của Tate’s Bake Shop.
Theo: doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- 4 chiến lược cốt lõi để phát triển và quảng bá doanh nghiệp từ cựu CEO Apple John Sculley
- Hè mát mẻ, vui vẻ mua sắm cùng Topvalu Fair tại Aeon Việt Nam
- 9 năm “thay da đổi thịt” của Morico trong phân khúc món tráng miệng
- Điện thoại bão hòa, Thế Giới Di Động đã chuyển hơn 80 cửa hàng sang Điện Máy Xanh Mini
- Founder & CEO của Đồng hồ Việt Viwat: “Viwat và Curnon là hai phong cách khác nhau”
- Xây dựng đế chế gia công túi xa xỉ từ khoản vay 30.000 USD
- 4 chiến lược tiếp cận khách hàng thuộc thế hệ Y
- [Những bậc thầy Chuỗi cung ứng] Đẳng cấp của Apple: Tồn kho bằng 0, thu mua “chặn đầu” đối thủ, ép các nhà cung cấp đấu đá lẫn nhau
- Cách siêu thị Aldi tồn tại và phát triển hơn 100 năm qua
- Từ món kem làm tại nhà tới thương hiệu trăm triệu USD