FPT Retail chính thức chào sân Mạng di động ảo nhà FPT, gia nhập cuộc chơi mới cùng “ông lớn” Masan, VNPay…

Tại Việt Nam, những doanh nghiệp đang có tập khách hàng lớn cũng sớm nhìn thấy cơ hội xây dựng mạng di động ảo của riêng mình.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) vừa công bố thông tin chính thức cung cấp mạng di động FPT - MVNO (Mobile Virtual Network Operator). Cụ thể, từ hôm nay 11/1/2024, mạng di động FPT – MVNO sẽ ra mắt trên phạm vi toàn quốc với đầu số 0775. Trong đợt ra mắt này, FRT cũng cung cấp gói cước đặc biệt FLEX với giá cước 88.000 đồng/tháng, kèm 5GB tốc độ cao mỗi ngày, 150 phút gọi FPT và MobiFone (cuộc gọi dưới 10 phút), 30 phút gọi các mạng khác….

Thời gian triển khai hệ thống kỹ thuật cho một nhà mạng MVNO mới thông thường sẽ mất từ 12 đến 15 tháng, riêng FPT Retail được biết chỉ mất 6 tháng để hoàn tất quá trình đầu tư hệ thống phần cứng cũng như phần mềm.

Giữa bối cảnh thị trường bán lẻ đầy khó khăn và biến động, việc triển khai mạng di động ảo (MVNO) theo FPT Retail cũng là động thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng và phát huy được những lợi thế nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn. Cụ thể, với hệ thống hiện hữu hơn 800 cửa hàng FPT Shop, mỗi năm FRT bán ra trên 1,5 triệu smartphone, thiết bị IoT các loại và là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm ngàn khách hàng. Do đó, việc triển khai dịch vụ viễn thông sẽ góp phần tăng thêm tiện ích cho khách hàng, là một kênh duy trì kết nối giữa FPT Retail và khách hàng, tăng tỷ lệ khách hàng quay lại.

Ông Hoàng Trung Kiên, Tổng Giám đốc FPT Retail cho biết thêm: “ Chúng tôi cũng sẽ tích hợp các dịch vụ, tiện ích, nội dung trong hệ sinh thái FPT , các đối tác để khách hàng sử dụng thuận lợi các dịch vụ và khai thác hiệu quả các gói cước đã lựa chọn. Lợi thế công nghệ từ Tập đoàn, dịch vụ di động FPT cũng sẽ được ứng dụng những công nghệ tiên tiến như Cloud computing, Chat BOT, AI...” .

FPT Retail kỳ vọng dịch vụ viễn thông do đơn vị triển khai sẽ là một mảnh ghép giúp hoàn thiện hệ sinh thái số của tập đoàn FPT, hướng tới ứng dụng các công nghệ mới như 5G, IoT….

Mạng di động ảo: Miếng bánh hấp dẫn các ông lớn Masan, FPT Retail, VNPay

Về MVNO (Mobile Virtual Network Operator), mạng di động ảo là một mô hình mới tại Việt Nam. Khác với các nhà mạng truyền thống bởi mạng di động ảo không sở hữu hạ tầng viễn thông của riêng mình. Thay vào đó, MVNO cung cấp dịch vụ điện thoại di động bằng cách mua lưu lượng từ các nhà mạng có sẵn, sau đó bán lẻ cho người dùng.

Mô hình mạng di động ảo tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên cho phép triển khai dịch vụ nhanh chóng trên toàn quốc. Mặc dù phụ thuộc vào hạ tầng của nhà mạng chủ quản, nhưng các nhà mạng di động ảo thường tập trung vào thiết kế sản phẩm phù hợp với các nhóm người dùng.

Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 5 mạng di động ảo là Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, Digilife và FPT Retail. Trong đó, mạng di động ảo của Đông Dương Telecom và Mobicast sử dụng hạ tầng của VinaPhone, còn mạng ASIM, Digilife và FPT Retail sử dụng hạ tầng của MobiFone. Duy nhất Viettel chưa có bất cứ một nhà mạng ảo nào có thể hợp tác, cho dù Viettel được cho là có hạ tầng mạnh nhất hiện nay.

Riêng FPT Retail, Công ty cho biết chính thức được cấp phép để cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc vào ngày 30/5/2023. Theo giấy phép số 135/GP-CVT, FPT Retail được phép cung cấp các dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất, bao gồm: Dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced được cung cấp cho thuê bao viễn thông giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp; Dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông tiêu chuẩn GSM được cung cấp cho thuê bao viễn thông khi thực hiện tính năng CS Fallback hoặc trong trường hợp mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced không khả dụng. Khác với các nhà mạng truyền thống, mạng di động FPT - MVNO không sở hữu hạ tầng mạng vô tuyến mà sẽ hợp tác sử dụng hạ tầng của nhà mạng MobiFone để cung cấp các dịch vụ viễn thông tới khách hàng nhằm mang tới trải nghiệm tối ưu và vượt trội.

Về tiềm năng của MVNO, nếu thời điểm năm 2010 khi mạng di động ảo mới manh nha xuất hiện ở thị trường Việt Nam, lãnh đạo một mạng di động lớn từng chia sẻ rằng gần như không còn đất cho mạng di động ảo; thì hiện nay nhiều doanh nghiệp lại nhìn thấy cơ hội mới cho dịch vụ mạng di động ảo.

Cần nhấn mạnh, đây đã là thị trường lớn trên thế giới. Thống kê vào cuối năm 2022 cho thấy, có đến 1.986 mạng di động ảo đang hoạt động trên toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi số lượng của các nhà khai thác mạng viễn thông truyền thống. Doanh thu của thị trường này trên thế giới năm 2022 cũng đạt con số lý tưởng 78,15 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt qua mốc 124,81 tỷ USD vào năm 2028. Nhiều ngân hàng, ông lớn bán lẻ như Walmart cũng nhảy vào thị trường MVNO để cung cấp dịch vụ viễn thông cho khách hàng của họ. Ở Anh, 20% thị phần của thị trường di động thuộc về các nhà mạng ảo.

Còn tại Việt Nam, những doanh nghiệp đang có tập khách hàng lớn cũng sớm nhìn thấy cơ hội xây dựng hệ sinh thái riêng của mình. Đơn cử, tháng 4/2019, CTCP Viễn thông Đông Dương Telecom ra đời dịch vụ viễn thông Itelecom, trở thành nhà mạng ảo đầu tiên với đầu số 087. Hơn 1 năm sau, vào tháng 6/2020, Công ty Mobicast khai trương mạng di động ảo thứ hai ở Việt Nam với thương hiệu Reddi, đầu số 055 nhưng sau đó đã “bán mình” cho tập đoàn Masan. Công ty Viễn thông ASIM cũng đã cung cấp mạng ảo thương hiệu Local (mylocal.vn) với thử nghiệm dựa trên đầu số của MobiFone…. Và hôm nay đến lượt FPT Retail thuộc tập đoàn FPT.

PV

Nhịp sống thị trường


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật