Giá cà phê thế giới tăng khi ICO khai mạc Hội nghị Thường niên lần thứ 121
Tham dự Hội nghị gồm có 44 quốc gia sản xuất cà phê, toàn bộ các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và 6 thị trường tiêu dùng lớn khác như Canada, Nhật, Singapore… kể cả Mỹ.
Bên cạnh những vấn đề hành chính sự vụ nói chung, hội nghị lần này sẽ đề cập những vấn đề chính của ngành nông nghiệp cà phê toàn cầu và những mối đe dọa hiện hữu đối với người trồng cà phê khắp nơi.
Colombia, nhà sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới chỉ xếp sau Brasil và Việt Nam, cũng là nhà sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao hàng đầu thế giới, đã bày tỏ mong muốn tại hội nghị lần này sẽ cùng Brasil, Việt Nam và một số quốc gia sản xuất cà phê lớn khác cùng thể hiện sự quan ngại khi có quá nhiều nước trồng cà phê đã làm cho cà phê mất giá, cùng bàn kế hoạch duy trì sản xuất và giảm cung để đẩy giá lên, cũng như ngăn chặn suy thoái có thể xảy ra khi nông dân sẽ không quan tâm chăm bón vì giá thấp.
Được biết, chính phủ Colombia đã nhiều lần tài trợ cho nông dân cà phê nước mình khi giá giảm xuống mức tối thiểu để giúp họ giảm bán hoặc có tiền mua phân bón thuốc sâu nhằm duy trì ổn định sản xuất cũng như gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, trong đợt giá cà phê suy thoái đầu năm 2018 đến nay, Chính phủ Colombia đã phải "lắc đầu" khi Liên đoàn Nông dân Cà phê đề nghị trợ giá vì ngân sách quốc gia eo hẹp.
Trong thực tế lịch sử, chưa bao giờ ICO bàn về vấn đề tài trợ giá và những đề xuất tương tự trong quá khứ cũng chưa bao giờ thành công tại các cuộc họp tương tự. Bởi đơn giản là ICO không có kinh phí để thực hiện và sự tồn tại của ngay chính ICO cũng là do kinh phí của các quốc gia thành viên đóng góp. Ở hầu hết các quốc gia sản xuất cà phê cũng không có cơ chế để tài trợ cho nông dân tồn trữ cà phê khi giá thấp. Chắc chắn những đề nghị về một chương trình tài trợ giá của Colombia là không khả thi.
Liên đoàn Nông dân Cà phê Colombia báo cáo sản lượng cà phê tháng 3 tăng 1,64% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.037.000 bao ; nhưng lũy kế sản lượng 6 tháng đầu niên vụ 2017/2018 lại giảm 5,95% so với cùng kỳ niên vụ trước, chỉ đạt 7.482.000 bao. Đồng thời, báo cáo xuất khẩu tháng 3 lại giảm 12,87% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.002.000 bao ; dẫn tới lũy kế xuất khẩu 6 tháng đầu niên vụ 2017/2018 giảm 6,86% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống chỉ đạt 6.923.000 bao.
Được biết, cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao của Colombia được ấn định mức giá cộng lên tới 18 cent/lb so với giá chuẩn trên sàn New York.
Theo các nhà quan sát, việc bỏ ngỏ khả năng "gặp gỡ"cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ là mấu chốt để hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ nhì thế giới giảm bớt căng thẳng thương mại đã giúp các nhà đầu tư Mỹ quay lại rót tiền vào các thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, giá cà phê vẫn còn nhiều trì trệ khi Brasil đã khởi đầu thu hoạch vụ Conilon mới trong khi lượng cà phê Robusta Indonesia giao về kho cảng Lampung cũng đang tăng dần với bình quân khoảng 1.000 tấn mỗi ngày.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá cà phê Robusta trên sàn ICE – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 13 USD, lên 1.743 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng tăng 13 USD, lên 1.759 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 9 chỉ tăng 8 USD, lên 1.750 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch giảm xuống dưới mức trung bình cho thấy nhà đầu tư vẫn còn đứng bên ngoài thị trường để chờ đợi, thăm dò xu hướng mới rõ ràng hơn.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE – New York cũng có cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 1,2 cent, lên 118,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 1,15 cent, lên 120,55 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch cũng tăng lên rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 đồng, lên dao động trong khung 36.600 – 37.200 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.639 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 115 – 120 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London .
Đồng thời, một cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Anh ủng hộ ý kiến về một cuộc trưng cầu lần thứ hai về Brexit tuy rằng khả năng này cũng không dễ dàng xảy ra do lịch đàm phán Brexit đã "đâu vào đó"nhưng lại dấy lên một điều gì đó tích cực cho các thị trường ở Châu Âu đang rối "như mớ bong bong" vào lúc này.
Thị trường cà phê nội địa Việt Nam cũng đã có những giao dịch đáng kể khi giá trở lại vượt mức 37 triệu đồng/tấn, chủ yếu do đầu cơ nhỏ lẻ thanh lý để chuyển vốn sang thị trường hạt tiêu.
Theo: Anh Văn-Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Nhiều doanh nghiệp Nga tham dự Hội chợ Vietnam Expo 2018
- Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu điều xuống 2,5%, yêu cầu tạm nhập và tái xuất trong 90 ngày
- Vì sao không truy lý lịch trái cây Trung Quốc?
- Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với 128 sản phẩm Mỹ
- Hàng loạt doanh nghiệp Việt bị đối tác Thái Lan lừa đảo
- Đại gia Nhật nhảy vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam
- Bayer giới thiệu giải pháp hỗ trợ ngành thức ăn thủy sản