Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại tòa án

Thực tiễn tố tụng dân sự cho thấy từ trước đến nay đa số các vụ tranh chấp liên quan đến kinh doanh – thương mại được các bên đưa ra giải quyết tại Tòa án. Điều này xuất phát từ tâm lý chung khi lựa chọn cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp xảy ra.

Bài viết dưới đây hệ thống một số vấn đề khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Khởi kiện

Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Để thực hiện quyền khởi kiện của mình, bên khởi kiện (nguyên đơn) phải chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và nộp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Trong trường hợp nguyên đơn mời luật sư thì công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn bởi luật sư là người có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn, trường hợp ngược lại đòi hỏi nguyên đơn phải nắm vững thủ tục tố tụng và có kinh nghiệm soạn thảo văn bản tốt.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện là chứng thư pháp lý quan trọng để Tòa án xem xét và giải quyết các yêu cầu của nguyên đơn, do đó nó phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng và phải đáp ứng hai yêu cầu sau:
Thứ nhất, về hình thức, đơn khởi kiện phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm viết đơn, tên Tòa án yêu cầu giải quyết và người ký trong đơn kiện phải đúng thẩm quyền.
Thứ hai, về nội dung, đơn khởi kiện phải có đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn tại Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao như: thông tin về nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tóm tắt nội dung vụ kiện, yêu cầu cụ thể của nguyên đơn. Nội dung của đơn kiện phải trình bày đầy đủ, ngắn gọn, rõ ràng, lập luận chặt chẽ và thật logic.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Chính vì vậy, ngay từ khi nộp đơn kiện, nguyên đơn cần phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ, chứng cứ liên quan để chứng minh cho yêu cầu của mình. Tòa án chỉ tự mình thu thập chứng cứ trong một số trường hợp nhất định. Khi nộp đơn kiện, thông thường nguyên đơn nộp các giấy sau: hợp đồng; các phụ lục hợp đồng (nếu có); biên bản thanh lý hợp đồng; biên bản cuộc họp của các bên để tiến hành thương lượng, hòa giải; hóa đơn, chứng từ, giấy biên nhận liên quan đến hàng hóa, dịch vụ hoặc thanh toán; những giấy tờ, tài liệu nhằm xác định địa vị pháp lý của nguyên đơn như quyết định (hoặc giấy phép) thành lập pháp nhân, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, điều lệ hoạt động của pháp nhân; các giấy tờ nhằm xác định tư cách pháp lý của người đại diện cho nguyên đơn như quyết định bổ nhiệm (hoặc biên bản bầu) người đại diện theo pháp luật, giấy ủy quyền, biên bản phân công công tác giữa các chức danh quản lý pháp nhân… Các giấy nêu trên để có giá trị là chứng cứ thì phải là bản gốc hoặc nếu là bản sao thì phải được công chứng, chứng thực theo đúng quy định của pháp luật.

Nộp hồ sơ khởi kiện
Hồ sơ khởi kiện được nộp tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Sau khi xem xét thấy có đủ các điều kiện thụ lý vụ án thì Tòa án sẽ thông báo cho người nộp đơn kiện biết mức tạm ứng án phí phải nộp. Sau khi nộp tạm ứng án phí, người nộp đơn xuất trình cho Tòa án biên lai nộp tạm ứng án phí, Tòa án sẽ thụ lý vụ án và ghi vào sổ thụ lý và như vậy vụ án đã được đưa vào quy trình giải quyết của Tòa án.
Chuẩn bị xét xử
Trong giai đoạn này, hồ sơ sẽ được phân cho Thẩm phán thụ lý nghiên cứu để tiến hành xét xử vụ án và Thẩm phán thụ lý có thể yêu cầu các bên thực hiện các công việc sau: yêu cầu các bên xuất trình thêm các giấy tờ, tài liệu cần thiết liên quan đến vụ việc; triệu tập lên Tòa án để lấy lời khai hoặc để đối chất; triệu tập đến để hòa giải. Nếu các bên tranh chấp hòa giải được với nhau thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Phiên tòa Sơ thẩm
Chuẩn bị tham gia phiên tòa
Để việc tham gia phiên tòa đạt kết quả tốt, nguyên đơn hoặc người đại diện cho nguyên đơn cần phải chuẩn bị kỹ các nội dung sau đây:
- Xác định lại lần cuối cùng các yêu cầu cụ thể của đơn vị mình.
- Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, tài liệu liên quan đến vụ án như hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán… để kịp thời xuất trình cho Tòa án khi được yêu cầu.
- Chuẩn bị đầy đủ các văn bản pháp luật quy định về các vấn đề đang tranh chấp để có thể trích dẫn chính xác, nhanh chóng.
- Nắm vững các tình tiết liên quan đến vụ án để trình bày một cách chính xác và có lợi nhất cho đơn vị mình khi được yêu cầu tại phiên tòa.
- Tìm hiểu kỹ lưỡng những chứng cứ do bị đơn xuất trình. Trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu Tòa án cho xem những chứng cứ đó.
- Kiểm tra lại lần cuối xem có chứng cứ nào có giá trị cho việc giải quyết vụ án chưa được làm rõ, có người làm chứng nào chưa được triệu tập hay không.
- Xem xét khả năng tham gia phiên tòa. Trường hợp cần thiết có thể yêu cầu Tòa án hoãn phiên tòa.
- Chuẩn bị luận cứ để bảo vệ cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tham gia phiên tòa
Phiên tòa sơ thẩm được thực hiện theo trình tự và thủ tục như sau: thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi tại phiên tòa; thủ tục tranh luận; thủ tục nghị án; thủ tục tuyên án.
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án
Khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, các bên phải tự nguyện thi hành. Nếu một bên không tự nguyện thi hành, bên được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành.
Bên được thi hành án làm đơn gửi tới phòng thi hành án dân sự thuộc tỉnh, thành phố đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do Tòa án cấp tỉnh, thành phố tuyên. Trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do Tòa án cấp quận, huyện tuyên thì bên được thi hành án làm đơn đề nghị thi hành án gửi tới đội thi hành án dân sự thuộc quận, huyện.
Bên được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án cư trú (nếu người phải thi hành án là cá nhân) hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự nơi bên phải thi hành án có trụ sở hoặc nơi có tài sản (nếu bên phải thi hành án là pháp nhân). 
 
( Theo: luatminhkhue.vn )

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật