Hà Nội đề nghị lập 'luồng xanh' chuyển hàng mùa dịch
Yêu cầu này được Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu cuộc họp về cung ứng hàng thiết yếu cho Hà Nội, ngày 19/7. Đây cũng là ngày đầu Hà Nội siết các hoạt động phòng dịch Covid-19.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã lập kịch bản cung ứng hàng cho thành phố theo 3 cấp độ dịch. Các doanh nghiệp cũng tăng dự trữ hàng 3-5 lần. Hàng hoá có thể đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân Thủ đô trong 3 tháng.
Hà Nội đang khống chế dịch tốt giúp cung hàng hóa thuận lợi. Nhưng nếu kịch bản dịch diễn biến phức tạp hơn, bà đề nghị ngành y tế, giao thông có hướng dẫn cụ thể việc xét nghiệm, vận chuyển hàng nhanh chóng, tránh ùn ứ.
Trước thực tế Hà Nội cần chuẩn bị cho mọi tình huống trong bối cảnh diễn biến dịch nhanh, phức tạp, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương tổng hợp danh sách các điểm bán hàng phân phối, cùng Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án "luồng xanh" vận chuyển hàng từ vùng sản xuất tới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giúp hàng hoá tới tay người dân Thủ đô không bị "tắc".
"Luồng xanh" quốc gia và "luồng xanh" nội tỉnh để kết nối với các địa phương lân cận trong vận chuyển hàng hoá được Bộ Giao thông Vận tải công bố cách đây vài ngày. "Luồng xanh" vận tải này được áp dụng trong lưu thông hàng cho TP HCM, các tỉnh phía Nam khi thực hiện giãn cách xã hội.
Các xe trong diện "luồng xanh" được cấp thẻ nhận diện có mã QR, dán trên cửa kính; ưu tiên đi lại khi qua chốt, không phải quay đầu như các phương tiện khác khi đến khu vực giãn cách; và có thể không phải dừng lại để kiểm tra, đơn vị chức năng chỉ kiểm tra xác xuất một số xe có sử dụng đúng thẻ nhận diện hay không.
Trong khi đó, phương án mở luồng xanh của địa phương kết nối với luồng xanh quốc gia được Bộ Giao thông lên kịch bản chi tiết.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế công bố hôm nay (19/7), các lái xe đi vào "luồng xanh" vẫn phải có giấy xét nghiệm Covid - 19 theo yêu cầu phòng chống dịch của các địa phương, nhưng được miễn phí này (phí này trước đây doanh nghiệp chi trả).
Cũng tại cuộc họp, Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở Công Thương rà soát lại hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng bình ổn... và tính toán lượng hàng cần, kết nối với chuỗi, vựa sản xuất của các tỉnh vùng lân cận. Ông lưu ý, sở ngành chức năng không lấy hàng tại một vùng, mà phải đa dạng vùng cung cấp. Có phương án thay thế khi một trong số vùng cung cấp "nghẽn".
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp phân phối, họ đã đều có giải pháp mở rộng kho hàng tại Hà Nội. Chẳng hạn, Vinmart hiện có 4 kho hàng ở các huyện Đông Anh, Thanh Trì và một kho phụ trợ tại Bắc Ninh.
Rút kinh nghiệm bài học cung ứng hàng tại TP HCM, các đầu mối phân phối đề nghị ngành nông nghiệp Thủ đô có giải pháp khuyến khích các huyện ngoại thành chuyển đổi sang trồng các mặt hàng rau xanh, thịt, cá... Họ cũng đề nghị cấp có thẩm quyền đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho nhân viên ngành bán lẻ.
Từ 0h ngày 19/7, Hà Nội yêu cầu người dân ở tại nhà, không tụ tập quá 5 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Sau quyết định này của chính quyền Thủ đô, người dân đổ tới các siêu thị mua đồ từ chiều tối ngày 18/7. Tình trạng này tái diện vào đầu giờ sáng tại các chợ dân sinh, khiến mặt hàng thực phẩm như thịt heo, tại nhiều chợ hết ngay sau một, hai tiếng. Hiện, hàng hoá tại siêu thị, chợ dồi dào.
Anh Minh
Theo: vnexpress.net
TIN CŨ HƠN
- Nóng chuyện giá cả thực phẩm giữa tâm dịch Tp.HCM: Hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market Co.op Food cam kết giữ vững bình ổn giá
- Doanh nghiệp Việt đua nhau tham gia thị trường bán lẻ
- Nỗ lực hạ giá rau củ quả
- Thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam
- Doanh nghiệp Việt đua nhau tham gia thị trường bán lẻ
- Laptop liên tục tăng giá mạnh
- Kinh tế số Việt Nam khởi sắc, vốn tiếp tục chảy vào thanh toán và bán lẻ
- TP HCM: Thực phẩm tươi sống tiêu thụ mạnh
- PNJ: Hoạt động bán lẻ đang tốt hơn kỳ vọng ban đầu, tăng trưởng doanh số của các cửa hàng hiện hữu tiếp tục ở mức cao cho đến hết quý 3/2021
- Báo cáo ngành bán lẻ 2020: Việt Nam lần đầu ghi nhận mức tăng trưởng âm