Kinh tế số Việt Nam khởi sắc, vốn tiếp tục chảy vào thanh toán và bán lẻ

Việt Nam là một trong các nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới trước 'cơn bão' Covid-19, với nền kinh tế số được dự báo bùng nổ mạnh mẽ trong trung hạn.

Năm nay, kinh tế số tiếp tục là xu hướng của nền kinh tế vào năm nay, và sẽ tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ lẫn thói quen của người tiêu dùng.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 6,7% trong năm 2021 và 7,3% vào năm 2022; nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, theo một nghiên cứu mới nhất từ Ngân hàng Standard Chartered. Con số tương tự cũng được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra, cho biết Việt Nam sẽ tăng trưởng vững chắc ở mức 6,7% vào năm nay và 7% năm 2022.

"Nền tảng kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ. Việt Nam là một trong các nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới trong giai đoạn dịch bệnh, tuy nhiên chúng tôi vẫn theo dõi sát sao những ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra trong nước", Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan thuộc Standard Chartered, nhận xét.

Còn theo ông Kenneth Atkinson - thành viên HĐQT Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam, khi kinh tế toàn cầu suy thoái vào năm 2020 do đại dịch, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi, đạt mức tăng trưởng ấn tượng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù lưu ý rằng, đợt bùng phát Covid-19 gần đây sẽ ảnh hưởng đến quý tài chính kế tiếp, song ông Atkinson vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế nói chung của Việt Nam trong năm 2021. 


Kinh tế số tiếp tục khởi sắc

Trong bối cảnh này, nền kinh tế số Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung được dự báo khởi sắc, và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn. Năm ngoái, kinh tế số mang lại cho Việt Nam 14 tỷ USD, tăng trưởng 16%. Theo các chuyên gia, kinh tế số tiếp tục là xu hướng của nền kinh tế vào năm nay, và sẽ tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ lẫn thói quen của người tiêu dùng.

Với hơn 60 triệu người dùng Internet trên 100 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là một trong các nước sở hữu tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá tại khu vực ASEAN. Báo cáo e-Conomy SEA 2020 từ Google, Temasek và Bain & Co. cho biết, giá trị nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng lên 52 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần 20% so với năm 2020 và gấp 17 lần so với năm 2015. 

Theo quan sát, từ năm 2016 đến nửa đầu 2020, giới đầu tư đã rót 1,9 tỷ USD vào lĩnh vực trực tuyến của Việt Nam. Và, hàng loạt startup được hậu thuẫn bởi Warburg Pincus, Goldman Sachs, JD.com cùng các công ty trong khu vực, thậm chí cả Amazon, cũng đang nhắm đến tầng lớp trung lưu đang tăng ở Việt Nam. 

"Việt Nam đang trong giai đoạn đầu trở thành một xã hội số hóa với dân số trẻ chuộng công nghệ. Do đó, tất cả công ty đang hào hứng cạnh tranh cung cấp các dịch vụ này", Ralf Matthaes - CEO của Infocus Mekong Research, nhận xét. 

Trong khi đó, Bloomberg cho rằng, người dùng Việt đang được tận hưởng các đặc điểm của một nền kinh tế số hiện đại, lấy khách hàng làm trọng tâm. Ngoài ra, Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 20% GDP, cũng là cơ sở giúp kinh tế số phát triển lớn mạnh. Hiện, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực mua sắm trực tuyến sẽ chiếm 10% doanh số bán lẻ của Việt Nam, với tỷ trọng tại Hà Nội và TP.HCM có thể lên đến 50%. 

Vốn rót vào bán lẻ và thanh toán

Theo báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2020 do Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phát hành, thanh toán và bán lẻ tiếp tục là 2 lĩnh vực nhận được nhiều nhất các khoản đầu tư giá trị lớn trong năm qua. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm nay.

Thanh toán và bán lẻ tiếp tục là 2 lĩnh vực nhận được nhiều nhất các khoản đầu tư giá trị lớn trong năm 2020.

Hiện, một liên minh giữa Alibaba Group và Baring Private Equity Asia sẽ rót 400 triệu USD để đổi lấy 5,5% cổ phần thuộc CrownX - nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce. Theo thỏa thuận công bố ngày 18/5/2021, Masan sẽ hợp tác với đơn vị thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba là Lazada. 

Còn M-Service JSC - startup đứng sau ví điện tử Momo, vào tháng 1/2021 cũng đã huy động được hơn 100 triệu USD từ một nhóm đầu tư, bao gồm Warburg Pincus. Bên cạnh đó, theo thông tin từ Crunchbase, một nhóm nhà đầu tư, trong đó có Sumitomo Corp. và JD.com, đã rót cho Tiki 192,5 triệu USD. 

Dù không sở hữu vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số như bán lẻ và thanh toán, song các ngành khác như HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) cũng tiếp tục thu hút đầu tư. Hơn nữa, lượng vốn đổ vào EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) cũng đang tăng dần, do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp hậu đại dịch.

Theo Euromonitor International, dù thương mại điện tử chỉ mới chiếm tỷ trọng khoảng 3% thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2020 - mức thấp nhất tại Đông Nam Á, song tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này vẫn hết sức hấp dẫn.

Theo ông Matthaes, Covid-19 đã và sẽ tiếp tục thúc đẩy bán lẻ trực tuyến. Năm ngoái, 30% người Việt mua mọi thứ từ thực phẩm đến đồ điện tử qua mạng. Trong khi đó, CEO Warburg Pincus tại Singapore Jeffrey Perlman cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thay đổi nhanh hơn so với các thị trường đã đạt độ chín.  

Được biết, tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt năm qua đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, chủ yếu do sự vắng bóng của các vòng gọi vốn có giá trị đáng kể. Đáng chú ý, dù dòng vốn giảm về giá trị, nhưng số lượng các khoản đầu tư lại ghi nhận mức giảm không đáng kể, ở 17%, với 60 thương vụ vào 6 tháng cuối năm, tương đương cùng kỳ năm trước. Do Ventures cho biết, hơn 50% số thương vụ đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam đến từ các quỹ nội địa - chỉ báo cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ startup giai đoạn đầu.

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật