Khởi nghiệp với thứ thực phẩm của người Nhật, “bầm dập” hơn 10 lần định từ bỏ, cô gái trả giá bằng tiền tỷ trước khi thành công

Khởi nghiệp không dễ dàng, trải qua vô số thất bại, “bầm dập” với tảo xoắn nhưng cô gái trẻ vẫn kiên trì theo đuổi để có được thành công.

Đinh Nguyễn Hoàng Thư trải lòng về 2 năm bầm dập với hơn 10 lần định từ bỏ.

Đinh Nguyễn Hoàng Thư tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh và công nghệ thực phẩm. Khi đang làm trưởng phòng kinh doanh cho một công ty với mức thu nhập khá ổn, chị bỏ việc định về kinh doanh bánh, nối nghiệp gia đình theo ý muốn của ba mẹ.

Chị Đinh Nguyễn Hoàng Thư (bên phải) Giám đốc Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời Việt (ảnh NVCCC).

Tuy nhiên, trong thời gian chị nghỉ việc, ông ngoại mắc bệnh nặng. Chị lên mạng tìm kiếm thông tin tảo xoắn của Nhật Bản cho ông dùng bồi bổ sức khoẻ. Từ lúc dùng thấy sức khoẻ ông cải thiện hơn. Chị Thư bị tảo xoắn thu hút bởi hiệu quả mà nó mang lại và nảy ra ý nghĩ tại sao không thử nhân giống loại tảo này tại Việt Nam.

'Tôi tìm tòi đọc sách, lên mạng nghiên cứu tìm hiểu cách nuôi trồng tảo xoắn và đã thử nghiệm thành công nuôi tảo trong bể kính sục khí', chị Thư chia sẻ.

Tuy nhiên, khi chị có ý định khởi nghiệp với tảo xoắn, gia đình phản đối kịch liệt bởi ba mẹ muốn con gái nối nghề truyền thống của gia đình.

“Ba mẹ tôi nói nhà có sẵn máy móc, thiết bị, nhà xưởng, bạn hàng… chỉ cần vào làm là kiếm tiền ngay và luôn, có phải dễ dàng, sướng hơn là việc bắt đầu cái mới, quy trình sản xuất còn chưa có, đầu ra sản phẩm, thị trường…. còn chưa biết, tại sao con lại chọn con đường khó như vậy”, chị Thư chia sẻ.

Mặc dù vậy, chị vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ xây dựng thương hiệu tảo xoắn “made in Đà Nẵng”.

“Lúc đó, có nhiều thứ để tôi có thể kinh doanh và lợi nhuận tốt hơn nhiều so với nuôi trồng tảo nhưng nó giống như cơ duyên. Tôi yêu tảo từ lúc nào không hay, nó cứ thôi thúc mình làm, làm tảo xoắn vừa có lợi ích kinh tế, vừa đem lại sức khoẻ cho mọi người nên tôi quyết tâm theo đuổi bằng được”, chị Thư nói.

Mô hình trồng nuôi tảo của chị Thư ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng

Năm 2016, chị chính thức bắt tay khởi nghiệp, biến sân thượng nhà mình thành nơi nuôi trồng tảo xoắn.

“Lúc đầu nuôi bể kính sục khí tôi thấy khá đơn giản nhưng khi nuôi trồng quy mô lớn thì gặp rất nhiều vấn đề như tảo chết, vón cục, bám thành, đủ thứ trên đời…

Do chưa có kinh nghiệm và hiểu sâu về tảo nên chị Thư gặp vô số thất bại.

Có lúc tảo chết hàng loạt vì bị sốc nhiệt do trời quá nắng hay sau một trận mưa mà không kịp che đậy.

Mà mỗi lần tảo chết là tôi mất cả trăm triệu đồng. Phải mất thời gian hơn 2 năm tôi mới có thành quả. Hơn 2 năm đó tôi trải qua bầm dập, trầy trật rất nhiều và không dưới 10 lần định bỏ cuộc”, chị Thư nhớ lại.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng chị Thư cho biết, tảo có nhiều giá trị dinh dưỡng, được coi là một loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được nhiều nước nuôi trồng. Vì thế mà chị quyết tâm mình sẽ làm thành công. Sau mỗi lần thất bại, chị lại rút ra được kinh nghiệm trong việc chăm sóc, nuôi trồng tảo.

Chị Thư phát triển nhiều dòng sản phẩm từ tảo để mở rộng thị trường

Từ chỗ khách hàng ban đầu là người thân, bạn bè, tảo xoắn của chị Thư được nhiều người biết đến hơn. Người này dùng lại chia sẻ cho người khác nên lượng khách ngày càng mở rộng.

Năm 2019, khi đã hiểu sâu về tảo và có cơ hội gặp chuyên gia nước ngoài, chị Thư đã đổi mới mô hình trồng nuôi tảo xoắn, mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Chị đã thành lập HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt, thuê 1.000m2 đất làm cơ sở nuôi trồng tảo xoắn, áp dụng mô hình OCP (open-close-plus) kết hợp giữa nuôi kín và hở để cho ra sản phẩm chất lượng, năng suất, giá thành tốt.

Theo chị Thư, các mô hình nuôi tảo trong nước hiện nay thường nuôi hở bằng bể bê tông. Ưu điểm của mô hình này là chi phí đầu tư thấp nhưng dễ bị ô nhiễm, bụi bặm, lá cây, côn trùng…

Còn mô hình nuôi kín bằng ống thuỷ acylic thì giúp tảo sạch, tinh khiết nhưng chi phí đầu tư cao khiến giá thành đội lên lớn. Chính vì thế mà chị kết hợp cả hai, nhằm đáp ứng yêu cầu chi phí đầu tư và vừa đảm bảo chất lượng.

Giới thiệu sản phẩm tảo xoắn mang thương hiệu SpiDana tại các hội chợ, triển lãm

Đồng thời, chị đầu tư máy móc để hiện đại hoá quy trình chế biến tảo tươi. Tảo sau khi thu hoạch sẽ được sấy lạnh đối lưu để đảm bảo giữ nguyên vẹn chất dinh dưỡng. Ngoài ra, chị không ngừng tìm tòi, phát triển thêm nhiều dòng bánh từ tảo để đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường.

Hiện nay, tính trung bình mỗi tháng chị thu hoạch được khoảng 200kg tảo tươi.

Giá tảo tươi chị bán ra là 1 triệu đồng/kg; tảo sấy lạnh 560.000 đồng/hũ 500gam… Trong đó, sản phẩm bán chạy nhất là tảo sấy lạnh, bánh tảo.

HTX của chị đã phát triển 10 sản phẩm với ba dòng chính gồm tảo tươi, tảo nguyên chất sấy lạnh và các loại bánh.

Sản phẩm tảo xoắn mang thương hiệu SpiDana (Spi là tên tảo spirulina; Dana là viết tắt của Đà Nẵng) của chị hiện nay đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước từ Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị… Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, giá hợp lý, thương hiệu tảo xoắn của chị dần có lượng khách hàng ổn định.

Sản phẩm tảo xoắn sấy lạnh của HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu TP Đà Nẵng năm 2019; Sản phẩm OCOP 4 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp thành phố năm 2020; Sản phẩm thương mại đặc trưng Đà Nẵng năm 2021.

Theo Diệu Thùy

 

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật