Thị trường bán lẻ Việt - “mỏ vàng” 200 tỷ USD mà các thương hiệu quốc tế thèm muốn
Đặc biệt, thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn vượt trội nhờ tiềm năng to lớn, được ví như “mỏ vàng” trị giá 200 tỷ đô la.
Quy mô thị trường bán lẻ Việt vẫn tăng 11 tỷ USD
Năm 2020, khi chuyến tàu kinh tế thế giới ì ạch chạy qua "vũng lầy" Covid-19 thì Việt Nam đã sớm cán đích với GDP tăng 2,91%, nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong ASEAN tăng trưởng dương trong năm 2020. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại mức 6,3% trong năm 2021.
Trong bức tranh chung về sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế thì bán lẻ được xem là một trong những mảng màu tươi sáng nhất. Tổng cục Thống kê cho biết, dù không bằng mức tăng 12,7% của năm 2019, nhưng quy mô của thị trường này đã tăng thêm hơn 11 tỷ USD. Các chuyên gia dự báo, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ trong 2 năm nữa thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD.
Không chỉ tăng trưởng về quy mô, Vietnam Report cũng khẳng định tâm lý thị trường, tâm lý tiêu dùng đã dần ổn định sau một thời gian chống dịch. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD đang đưa khoảng 1 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm, trở thành tiền đề vững chắc cho sự phục hồi sức mua của người tiêu dùng.
Điều này đã được "chứng thực" ngay sau những đợt giãn cách, khi lượng khách hàng tham quan, mua sắm ổn định trong giai đoạn "bình thường mới". Hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam Vincom ghi nhận lượt khách vẫn đạt 80% - 90% trong giai đoạn Tết Nguyên Đán so với năm 2019, con số đáng ấn tượng dù trải qua 3 đợt công kích của dịch Covid-19. "Không giống sản xuất phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng không và du lịch phụ thuộc vào sự mở cửa của các nước, ngành bán lẻ chắc chắn sẽ phục hồi nhanh hơn vì phục vụ cuộc sống thiết yếu hàng ngày và nhu cầu không thay đổi của người dân", TS. Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế lý giải.
Thói quen người tiêu dùng thay đổi, ưu tiên sử dụng sản phẩm – dịch vụ sạch sẽ, an toàn
Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng lối sống của người Việt với thói quen sử dụng thực phẩm tươi, văn hóa chuộng giao lưu và sở thích mua sắm hàng hóa trực tiếp là những đòn bẩy cho thị trường ngay sau khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Sự hiện diện ngày một dày đặc của những thương hiệu quốc tế lớn cũng là một minh chứng rõ rệt cho sức hút của thị trường Việt Nam. Mới đây nhất, hãng thời trang giá trị nhất thế giới - Uniqlo - vừa khai trương cửa hàng thứ 7 tại Việt Nam chỉ sau 14 tháng gia nhập thị trường. Ông Tadashi Yanai, Chủ tịch kiêm CEO của Fast Retailing - công ty mẹ của Uniqlo - cho hay: "Việt Nam có tiềm năng lớn và sẽ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới".
Các cửa hàng Uniqlo luôn được khách hàng ưa thích sau 14 tháng tiến vào thị trường Việt Nam
Ngay cả những thương hiệu xa xỉ và kén khách cũng không bỏ lỡ "chuyến tàu" Việt Nam đang tăng tốc mạnh mẽ. Năm qua, hai thương hiệu cao cấp là Louis Vuitton và Christian Dior mở thêm cửa hàng flagship store tại Hà Nội. "Việc Louis Vuitton và Christian Dior đặt niềm tin vào phân khúc hàng xa xỉ của Việt Nam trong bối cảnh thị trường bán lẻ toàn cầu đầy khó khăn là một dấu hiệu rất tốt cho thấy tiềm năng tăng trưởng và phát triển lâu dài của Việt Nam", ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định.
Không chỉ nhanh chân chiếm lĩnh 2 thị trường tiềm năng bậc nhất là Hà Nội và TP.HCM, các "ông lớn" ngoại quốc hiện đã vươn tới các đô thị loại 1 như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hạ Long,… - những nơi có dư địa thị trường rất lớn và hầu như chưa được khai phá. Trong khi đó, đối thủ của "ông vua thời trang" Uniqlo là H&M cũng tự tin mở thêm 2 cửa hàng tại Hạ Long và Cần Thơ, nâng tổng số cửa hàng H&M tại Việt Nam lên 11, trong khi đã vừa phải đóng cửa 250 cửa hàng trên toàn cầu do COVID-19.
Vincom Mega Mall Ocean Park trở thành điểm đến "all-in-one" mới của người dân thủ đô và các vùng lân cận
Trước làn sóng "đổ bộ" của các thương hiệu quốc tế lớn, nguồn cung của thị trường bất động sản bán lẻ cũng nhanh chóng gia tăng để đáp ứng, đặc biệt với mô hình đại TTTM "tất cả trong một", ở khu vực vùng ven để tiếp cận tập khách hàng mới. Các nhà phân tích dự đoán, tới năm 2030, bán lẻ quy mô lớn sẽ thống trị thị trường Việt Nam, đặc biệt là các trung tâm mua sắm điểm đến "tất cả trong một" như vậy. "Trong cuộc đua giữa của các đại gia vừa nội vừa ngoại, các doanh nghiệp bán lẻ ngoại tuy mạnh về công nghệ và quản trị nhưng mức độ am hiểu người tiêu dùng Việt lại không bằng doanh nghiệp nội", ThS. Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam, nhận định.
Theo: Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Bách hoá Xanh và Vinmart+ trên đường đua 60 tỷ USD
- Bất chấp khó khăn, đại gia KIDO vẫn thu hơn 1.000 tỷ đồng hàng Tết Tân Sửu 2021
- Siêu thị chật kín khách ngày sát Tết
- Quần áo xả hàng tràn vỉa hè, hàng dài người xếp hàng chờ thanh toán
- Siêu thị tăng giờ mở cửa ngày Tết
- Chợ thực phẩm ế khách ngày Tết ông Táo
- Siêu thị lên kế hoạch bán Tết đến 23 giờ đêm, chỉ nghỉ ngày Mùng 1
- Chợ ế, tiểu thương tìm đường bán hàng qua mạng
- TP.HCM: Tiểu thương chợ truyền thống được hỗ trợ giảm 50% tiền thuê sạp
- Số hoá chợ truyền thống: Miếng bánh 10 tỷ USD