Lãi suất rục rịch tăng, mang 30 tỷ đồng đi gửi lấy lãi 3,6%/năm có vui?

Trong khoảng một tháng gần đây, lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng trở lại, nhất là ở nhóm ngân hàng cổ phần nhỏ.

Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất "hút" tiền

Anh Chiến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ anh vừa cầm 30 tỷ đồng đi gửi tại VietinBank. "Tôi gửi kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 3,6%/năm. Đó là do tôi gửi món lớn nên mới được cộng thêm 0,2% chứ kỳ hạn 3 tháng mà ngân hàng áp dụng chỉ ở mức 3,4%/năm".

"Lãi suất huy động thấp quá, nhưng đây là khoản tiền dưỡng già của bố mẹ tôi, các cụ muốn chắc chắn nên gửi ngân hàng. Chứ nếu là tiền của tôi, tôi sẽ bỏ ra mua đất và đầu tư chứng khoán", anh Chiến nói. 

Một số ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm "hút" khách gửi tiền dịp cuối năm (Ảnh: Mạnh Quân).

Không có số tiền chục tỷ đồng, anh Thắng, Hà (Hà Đông, Hà Nội) có 500 triệu đồng tiết kiệm và gửi tại hai ngân hàng là SCB và NCB. "Tôi gửi SCB 200 triệu đồng và gửi ở NCB 300 triệu đồng, lãi suất hai ngân hàng này bằng nhau, 6,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Tôi thắc mắc lãi suất thấp thì nhân viên giao dịch cho biết lãi suất dịp cận Tết đã được điều chỉnh tăng thêm để thu hút người gửi tiền rồi".

Khảo sát thị trường cho thấy, trong khoảng một tháng gần đây, lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng trở lại, nhất là ở nhóm ngân hàng cổ phần nhỏ.

Trong đó, SCB tăng lãi suất huy động online 0,2% ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, dao động 7,05 - 7,15%/năm; Eximbank tăng 0,1 - 0,3%/năm và mức lãi suất huy động cao nhất là 6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng; OCB tăng 0,2%/năm, mức lãi suất cao nhất là 6,15%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.

Hay như tại GPBank, biểu lãi suất tiền gửi áp dụng từ ngày 8/12 ghi nhận mức tăng đồng loạt 0,3% so với tháng 11 ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Hiện khách hàng gửi tiền 6-12 tháng tại ngân hàng này sẽ được hưởng lãi suất 6,5-6,7%/năm; gửi 15-36 tháng hưởng lãi suất cùng ở 6,7%/năm. Riêng tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại nhà băng này sẽ được hưởng lãi suất 6,8%/năm mà không kèm điều kiện về hạn mức tối thiểu.

Ở khối ngân hàng cổ phần lớn, biểu lãi suất huy động vốn khách hàng cá nhân mới nhất tại Techcombank áp dụng từ ngày 15/12 ghi nhận mức tăng 0,25-0,4% so với tháng trước ở tất cả kỳ hạn. Trong đó, các khoản tiền gửi 1-3 tháng có lãi suất 2,7-3,35%/năm cho các khoản tiền gửi 1-3 tháng, cao hơn 0,25-0,3% so với tháng 11.

Các khoản tiền gửi kỳ hạn 6,7,8,9,10 tháng được ngân hàng này áp dụng mức 4,5-4,6%/năm, nhưng với khoản tiền 3 tỷ đồng. Cũng với số tiền này, nếu khách hàng gửi kỳ hạn 36 tháng sẽ được hưởng mức lãi 5,4%/năm, cao hơn 0,4% so với tháng 11...

Còn tại khối ngân hàng quốc doanh là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, lãi suất vẫn được duy trì ổn định nhiều tháng. Hiện lãi tiền gửi dưới 6 tháng tại nhóm này phổ biến trong khoảng 3-3,4%/năm; kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng phổ biến ở 4%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên là 5,5-5,6%/năm.

Lãi suất có còn tăng tiếp?

Như vậy, lãi suất huy động bằng VND đã có xu hướng tăng. Ngoài yếu tố mùa vụ, lãi suất tiền gửi tăng còn đến từ việc tín dụng của các ngân hàng đang rất tích cực trong tháng cuối năm khiến thanh khoản hệ thống không còn dôi dư như trước. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 9, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 2,92% so với đầu năm (đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng), đáng chú ý là từ tháng 6 trở lại đây, nguồn huy động này liên tục giảm 1.000-3.000 tỷ đồng hàng tháng.

Bộ phận phân tích chứng khoán VCBS cho hay, việc nhiều ngân hàng được nới room tín dụng và chỉ còn 1 tháng cuối năm để giải ngân đã tạo áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mức tăng đáng kể hiện được ghi nhận ở các ngân hàng quy mô nhỏ.

Do đó, VCBS đánh giá áp lực tăng lãi suất trong năm 2022 là không lớn. Thứ nhất, thanh khoản hệ thống ngân hàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, lượng tiền VND được bổ sung vào hệ thống ngân hàng ở nửa cuối năm theo kênh này ước tính vào khoảng 200-300 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, các chỉ số liên quan như tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn ở mức an toàn nên các ngân hàng chưa có áp lực tăng mạnh tiền gửi để đáp ứng các chỉ số này.

Thứ ba, một số ngân hàng có thể sử dụng vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế để thay thế cho việc huy động trong nước.

Giới chuyên gia đánh giá áp lực tăng lãi suất trong năm 2022 là không lớn (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trong thời gian gần đây, không ít ngân hàng lớn cũng đã đạt được các khoản vay hợp vốn với giá trị lớn mà chi phí thấp. Ví dụ, VietinBank nhận được khoản vay hợp vốn giá trị 1 tỷ USD từ 20 bên. Techcombank cũng huy động được khoản vay hợp vốn nước ngoài 800 triệu USD, lãi suất thấp dưới 2%/năm. VPBank thì đạt được thỏa thuận với SMBC về khoản vay hợp vốn giá trị 300 triệu USD… Nhìn chung, nguồn vốn huy động từ các tổ chức tài chính nước ngoài thường có kỳ hạn dài và lãi suất thấp hơn so với trong nước.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại SSI Research, lãi suất tiền gửi tăng gần đây có nguyên nhân từ việc các ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm về thanh toán cuối năm. Điều này phần nào khiến thanh khoản trên hệ thống tạm thời căng thẳng.

Doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt trong tuần đầu của tháng 12 cũng cho thấy thanh khoản các ngân hàng đã không còn dôi dư như trước. Số liệu của NHNN cung cấp cho thấy, trong tuần vừa qua, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đạt xấp xỉ 762.939 tỷ đồng, tương đương 152.588 tỷ đồng/ngày, tăng 2,2% so với tuần trước và cao hơn 10% so với tháng 7-9.

Tương tự, doanh số giao dịch bằng tiền USD quy đổi ra VND đạt khoảng 37.072 tỷ đồng/ngày, cũng cao hơn 18% so với tuần trước và 40% so với giai đoạn tháng 7-9. Các giao dịch cho vay VND kể trên chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm với 82% tổng doanh số và kỳ hạn 1 tuần với 9%. Tương tự, tỷ lệ với tiền USD là 73% và 43%. Điều này cho thấy các giao dịch liên ngân hàng tăng vọt thời gian qua chủ yếu để giải quyết nhu cầu thanh khoản tạm thời.

Nguyễn Hiền

Theo: Dantri


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật