Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip?
Tại lễ công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng vừa qua, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng sự kiện 7 ngân hàng ra mắt thẻ chip là một dấu mốc quan trọng, việc chuyển đổi sang thẻ chip nội địa có nhiều lợi ích, cho phép chúng ta khắc phục được những điểm yếu trong thanh toán hiện nay.
Thứ nhất là về an toàn, mã hóa thông tin. Với cơ chế xử lý rất khác với thẻ từ, thẻ chip cho phép khắc phục được những nhược điểm về sao chép thông tin, ăn cắp thông tin, giả mạo thông tin rất phổ biến với thẻ từ hiện nay.
Thứ hai, với công nghệ thẻ chip giúp lưu trữ được dữ liệu rất nhiều, và qua đó chúng ta có thể tính đến câu chuyện lưu trữ thông tin về bảo hiểm, các thông tin về cá nhân.
Thứ ba, có thể nhìn ứng dụng của thẻ chip ở một số nước, thẻ chip của ngân hàng có thể sử dụng lên tàu điện, ra cửa hàng tiện lợi, giao thông,...
Theo các lãnh đạo của 7 ngân hàng đầu tiên phát hành thẻ chip nội địa, quá trình chuyển đổi này thực tế đã được các nhà băng lên kế hoạch với lộ trình rõ ràng từ nhiều năm. Các ngân hàng đã đầu tư không ít nguồn lực và tiền bạc cho sự chuyển đổi này, nhưng sự đầu tư này là cần thiết và mở ra tương lai nhiều triển vọng cho hoạt động thanh toán, thậm chí là nhiều dịch vụ khác cho khách hàng.
Ông Đào Minh Tuấn, Phó TGĐ Vietcombank chia sẻ, kế hoạch chuyển đổi thẻ chip của ngân hàng trên thực tế đã có từ cách đây 5 năm và có lộ trình rõ ràng. Với việc hơn 15 năm triển khai thẻ quốc tế Visa, Mastercard, ông Tuấn cho biết về hạ tầng hay điều kiện triển khai của ngân hàng cũng đã được xác lập nên quá trình triển khai được rút ngắn hơn.
Trong khi đó, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó TGĐ Vietinbank nhấn mạnh, thẻ chip không chỉ có tính an toàn mà còn tiện lợi và bổ sung nhiều tính năng.
"Chúng ta đầu tư rất nhiều tiền cho thẻ chip, dung lượng của thẻ chip vẫn còn rất nhiều bộ nhớ có thể bổ sung để phục vụ những nhu cầu khác ngoài rút tiền, thanh toán. Trong xu hướng tương lai có thể tận dụng như thẻ khách hàng có thể làm thẻ học đường, thẻ học sinh, thẻ bệnh viện, thẻ bảo hiểm,...", ông Lân chia sẻ. Ông kỳ vọng sẽ có rất nhiều dịch vụ công cộng và tiện ích được tích hợp vào một chiếc thẻ ngân hàng và nếu làm được thì chúng ta có thể tận dụng được nguồn tài nguyên rất lớn đáp ứng nhu cầu của xã hội.
"Tuy nhiên cần sự đồng bộ, trao đổi giữa các bộ ban ngành. Ngân hàng đã đi bước đầu tiên là phát hành thẻ chip và chúng ta có thể phối hợp với các bộ ban ngành để có thể đồng bộ vào thẻ của chúng ta để phục vụ nhiều hơn chứ không phải chỉ là thanh toán", ông Lân cho biết.
Ông Nguyễn Minh Phương Phó TGĐ Agribank cho biết, ngân hàng đang tập trung triển khai việc chuyển đổi thẻ chip và phát triển dịch vụ thẻ đặc biệt cho đối tượng ở khu vực nông thôn, nhằm hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tín dụng đen.
Đại diện Sacombank là ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc thì thừa nhận, vấn đề chi phí là một trong những khó khăn lớn với các ngân hàng tham gia chuyển đổi thẻ chip, đặc biệt với những ngân hàng có lượng chuyển đổi lớn và cần rất nhiều sự cố gắng.
Tổng Giám đốc ABBank, ông Phạm Duy Hiếu cũng bày tỏ quan điểm về việc các ngân hàng phải đầu tư rất nhiều cho việc chuyển đổi thẻ chip. "Ai cũng hiểu rằng việc đầu tư cho một hệ thống thanh toán mới và hiện đại thì ngân hàng phải bỏ ra rất nhiều tiền cho từ hạ tầng cho hến hệ thống quản lý thẻ, hệ thống ATM, POS,…Tuy nhiên, việc trở thành những ngân hàng đầu tiên thực hiện chuyển đổi cũng như một thông điệp gửi tới khách hàng rằng ngân hàng sẵn sàng đầu tư để mang lại những trải nghiệm mới cho họ", ông nói.
Vị TGĐ ngân hàng này cũng chia sẻ ABBank đặt mục tiêu đến giữa năm 2020 sẽ chuyển đổi 100% thẻ từ sang thẻ chip, sớm hơn so với quy định của NHNN khoảng 1 năm. "Khách hàng có nhiều sự lựa chọn, có thể thích thẻ ngân hàng, có thể ví điện tử,…nhưng dù lựa chọn nào, chúng tôi đều sẵn sàng đầu tư cho khách hàng", ông cho biết.
Tại TPBank, ông Nguyễn Hưng, TGĐ ngân hàng chia sẻ mặc dù chi phí chuyển đổi khá lớn khi chi phí phôi thẻ chip gấp từ 7-8 lần so với phôi thẻ từ nhưng với định hướng ngân hàng số, dịch vụ tiện dụng, đảm bảo ổn định cho khách hàng trong quá trình giao dịch, nhưng ngân hàng sẽ cân nhắc để hài hòa, có thể sẽ có một số chương trình miễn phí cho khách hàng cũ trong giai đoạn đầu chuyển đổi. "Đây là sự đầu tư đúng hướng và cần thiết để TPBank phục vụ khách hàng tốt hơn" - ông nói.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc khối nghiên cứu phát triển của Napas, lộ trình của NHNN, trong năm nay khoảng 30% số lượng thẻ ATM trên thị trường sẽ được chuyển đổi sang thẻ chip, tương đương gần 22 triệu thẻ. Tuy nhiên, để không làm xáo trộn việc dùng thẻ của khách hàng, trước mắt sẽ phát hành thẻ chip mới, thẻ đến hạn... Sau đó mới đến thời điểm chuyển đổi theo yêu cầu cho tất cả khách hàng.
Vị này cũng cho biết, bộ tiêu chuẩn thẻ chip Việt Nam được Napas xây dựng theo chuẩn riêng cho thị trường Việt Nam nhưng vẫn tương thích với chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, hiện nay người tiêu dùng vẫn có thể song song sử dụng thẻ từ và thẻ chip bởi hệ thống máy ATM, đầu đọc thẻ POS đã được các ngân hàng thương mại nâng cấp chấp nhận cả hai loại thẻ.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Các ngân hàng lại đua phát hành trái phiếu
- Chi tiêu lớn, khách hàng “choáng” với cách tính lãi suất khi dùng thẻ tín dụng HSBC
- Tỷ giá ngân hàng tiếp tục leo dốc, Vietcombank đẩy giá USD lên 23.460 đồng
- “Nghịch lý cần thiết” khi khó tăng vốn tại 4 ngân hàng lớn
- Hoạt động ngân hàng vào cao điểm chặn trên - đào dưới
- ABBANK: Tinh thần khởi nghiệp trong phát triển ngân hàng số
- Sôi động thị trường thẻ tín dụng với dòng thẻ mới nhiều hứa hẹn
- Thêm một ngân hàng có vốn ngoại trả lương cao cho nhân viên, khiến người làm ngân hàng nội phải ghen tị
- CEO ABBank: Yếu tố nội lực của doanh nghiệp sẽ quyết định ngân hàng có cho vay vốn hay không
- Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 20.500 tỷ đồng, mở chi nhánh tại Úc trong năm nay