Lọt thỏm giữa các ông lớn Acecook hay Masan với bao bì luôn "lỗi thời", vì đâu Miliket vẫn sống khỏe?
Sau hai năm giảm lượng tiêu dùng, lượng tiêu thụ mỳ ăn liền tại Việt Nam tăng trở lại trên 5,06 tỷ gói vào năm 2017 và giữ vững trong năm 2018. Tính bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 52 gói mỳ/năm, nằm trong top 5 các nước tiêu thụ mì gói lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Chưa có một con số chính xác thống kê về thị phần mỳ ăn liền của Việt Nam tại thời điểm 2018. Riêng Acecook (sở hữu thương hiệu mì Hảo Hảo), chiếm khoảng 50% thị phần với sản lượng 2,5 tỷ gói mì/năm. Với thị phần áp đảo, doanh thu của Acecook hiện vào khoảng 9.000-10.000 tỷ đồng/năm.
Theo tuyên bố của Masan Consumer, năm 2018 công ty này giữ vị trí thứ hai trong ngành mì ăn liền (theo Nielsen) và chiếm vị trí số 1 trong phân khúc cao cấp.
Sau khi tập trung tái cơ cấu hệ thống phân phối trong năm 2017, mảng kinh doanh mì của Masan phục hồi ấn tượng trong năm 2018 khi sản lượng tăng trưởng 23% và giá bán bình quân tăng 6% qua đó đưa doanh thu tăng gần 30% lên 4.636 tỷ đồng.
Các hãng mì khác cạnh tranh khốc liệt bao gồm Mì Gấu Đỏ (Cty CP Thực phẩm Á Châu - Asia Foods) hay Công ty Uniben, đơn vị sở hữu thương hiệu mì 3 Miền và Reeva tuyên bố sản phẩm mì 3 Miền là sản phẩm được mua nhiều nhất ở khu vực nông thôn Việt Nam.
Tuy nhiên vẫn còn một "bé hạt tiêu" vẫn tìm được thị trường trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt: mỳ hai con tôm Miliket. Một trong các thương hiệu Việt xưa.
Trước đây khi chưa có nhiều hãng liên doanh xâm nhập thị trường Việt Nam và chi hàng nghìn tỷ cho chiến dịch quảng cáo, mì Miliket là sản phẩm được ưa chuộng nhất của người Việt. Được thành lập từ trước năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhãn hiệu mì ăn liền Colusa – MILIKET được người tiêu dùng ưa thích, với gói mì giấy kraft và hình ảnh hai con tôm. Từ sự ưa thích đó mì ăn liền đã được người tiêu dùng thường gọi là Mì Tôm. Do đó, nói đến mì tôm là nhớ đến mì có hình ảnh hai con tôm của hãng mì Colusa – MILIKET.
Mặc dù bị cạnh tranh bởi hàng chục hãng mì sản xuất trong nước cộng với sự xuất hiện của các hãng mì Hàn Quốc, mì Udon của Nhật Bản, Miliket vẫn đang ăn nên làm ra với doanh thu và lợi nhuận tăng đều hàng năm.
Mức tăng trưởng bình quân (CAGR) doanh thu của Miliket là 13,12%/năm trong suốt 10 năm qua, trong khi tăng trưởng lợi nhuận là 11,65%/năm, nếu so với năm 2008, lợi nhuận của Miliket đã tăng hơn gấp 3. Hiện Miliket chiếm khoảng 4% trên thị trường mì ăn liền.
Năm 2018, giá nguyên liệu tăng nhẹ tuy nhiên hệ thống phân phối của công ty đã ổn định. Tổng sản lượng bán ra đạt 18.600 tấn, tăng 5% so với năm trước nhưng không hoàn thành kế hoạch. Doanh thu 608 tỷ đồng (trong khi tổng tài sản chỉ 227 tỷ đồng), tăng 9%. Lợi nhuận trước thuế 32,6 tỷ đồng, tăng 13%, Lợi nhuận sau thuế 26 tỷ đồng, tăng 13%.
Bên cạnh sản phẩm mì ăn liền truyền thống, sản phẩm Colusa – MILIKET ngày càng trở nên phong phú hơn với các mặt hàng thực phẩm chế biến khác như : Miến , Bún, Phở, Hủ tiếu, cháo ăn liền…, Miliket hiện cũng sản xuất các mặt hàng gia vị như : Nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật,…
Nếu so với Masan, doanh thu bán mỳ gói khoảng hơn 4.800 tỷ năm 2018, doanh thu 600 tỷ của Miliket vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên công ty vẫn đang đẩy mạnh sản xuất, nhập khẩu dây chuyền nhập khẩu dây chuyền máy mới hiện đại theo công nghệ Nhật Bản với công suất 500.000 gói mì/ngày.
Colusa - Miliket đã giữ gần như nguyên vẹn hình ảnh bao bì để khai thác thế mạnh ký ức. Vẫn hình ảnh 2 con tôm chụm đầu vào nhau, vẫn bao giấy giản dị quen thuộc của ngày xưa. Công ty giữ thị phần bằng chiến lược giá thấp và giữ biên lợi nhuận gần như thấp nhất trong ngành, tập trung phát triển thị trường nông thôn. Tại các đô thị cũng không khó để bắt gặp miliket trong các quán lẩu hay mì xào - nơi mà bao bì mẫu mã không mấy quan trọng.
Năm 2019, công ty đặt kế hoạch tổng sản lượng 20.500 tấn, doanh thu 691 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 33 tỷ đồng. Công ty tiếp tục thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu với các khách hàng hiện hữu và tìm kiếm các khách hàng mới.
Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, thu nhập người dân bắt đầu tăng lên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thói quen tiêu dùng. Xã hội bận rộn và tỷ lệ đô thị hóa cao sẽ là yếu tố thuận lợi cho các mặt hàng tiêu dùng nhanh, nhưng bên cạnh đó thị trường sẽ đòi hỏi các sản phẩm an toàn cho sức khoẻ, các sản phẩm có hệ thống phân phối lớn và được tiếp thị rộng khắp và nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm mới.
Do đó, các công ty nhỏ như Miliket nếu không "đấu lại" được với các công ty khổng lồ như Masan hay Acecook, phải tập trung làm tốt các sản phẩm sẵn có của mình cũng như đầu tư mở rộng mặt hàng mới đón đầu thị hiếu người tiêu dùng.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- 100 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam có thể xuất khẩu qua Amazon
- Điện máy Kangaroo lần đầu công khai tài chính: Doanh thu vượt 100 triệu USD nhưng lợi nhuận chỉ bằng 1/3 kế hoạch
- FPT Shop hợp tác với Nguyễn Kim, bắt đầu bán tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt..
- Tỷ suất lợi nhuận từ bán nước chấm của Masan cao hơn hẳn Vinamilk bán sữa hay Sabeco bán bia
- Định giá tăng vọt lên 2 tỷ USD nhưng lợi nhuận 2018 của VNG giảm tới 63%, gánh lỗ 430 tỷ từ Tiki và Zalo Pay
- Doanh nghiệp bán lẻ ồ ạt tuyển nhân sự
- Sếp Coca-cola kể về “người bạn đồng hành” Việt Nam: 80% nhà cung cấp của chúng tôi là doanh nghiệp Việt!
- Omo và Tide chi phối thị trường, Bột giặt Lix "xoay sở" thế nào để vẫn thu về hơn 2.000 tỷ mỗi năm?
- Bông Bạch Tuyết trên đường hồi sinh: Doanh thu gần 100 tỷ đồng, có lãi năm thứ 5 liên tiếp
- Vingroup chi nghìn tỷ mua lại Fivimart, Viễn Thông A, GM Vietnam