Mua sắm chỉ cần "cà, quẹt"
Xu hướng mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt được cho là sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, khi hàng loạt các chính sách hoàn thiện hạ tầng để việc thanh toán không dùng tiền mặt tại điểm bán ngày càng đơn giản, tiện lợi.
Mốt "quẹt một cái", "chạm một tí" lan rộng
Ngày cuối tuần, tiệm cà phê S. trên đường Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM) sôi động khác thường khi một nhóm bạn trẻ vào "check in" mua cà phê. Sau một lượt chọn thức uống cho tất cả mọi người đi cùng, cô Đoàn Hương khẽ giơ chiếc thẻ ra máy thanh toán trước mặt trong vòng một giây thì được nhân viên mời ra ghế chờ nhận nước uống.
"Tôi mới chuyển qua dùng loại thẻ chạm một lần này khoảng ba tháng nay. Dù vẫn còn dùng loại thẻ quẹt qua máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) ở một số nơi khác nhưng tôi thích kiểu chạm này hơn. Nó rất nhanh, tiện dụng và an toàn", chị Đoàn Hương vui vẻ nhận xét.
Theo anh Lê Việt Tùng, phụ trách kinh doanh công ty chuyên doanh đồ nội thất Tùng Lập (Q.10, TP.HCM), việc phát triển nhanh chóng các loại hình thanh toán, hạn chế dùng tiền mặt rất được nhiều thành phần quan tâm.
"Nhu cầu thanh toán qua thẻ trong tất cả các hoạt động hàng ngày, từ ăn uống, mua sắm cho đến vui chơi giải trí tôi đều chọn cách dùng thẻ. Cà một cái qua máy POS cũng được, hoặc chạm một lần nếu dùng các loại thẻ Visa, Visa Paywave, hay các ứng dụng mới mà một số hãng điện thoại vừa phát triển thông qua app tích hợp trong smartphone đều được", anh Việt Tùng hào hứng chia sẻ.
Theo thống kê của Hội thẻ Ngân hàng VN (VBCA), dù còn thấp hơn các nước trong khu vực, nhưng nếu chỉ tính trong ba năm gần đây, doanh số sử dụng thẻ nội địa chi tiêu thông qua POS đều tăng qua các năm.
Đơn cử, doanh số sử dụng thẻ nội địa tại POS năm 2016 đã tăng đến 54,19% so với năm 2015, trong khi số lượng thẻ quốc tế phát hành trên thị trường đã đạt trên 12 triệu thẻ, tăng 30% so với năm 2015.
Đặc biệt, số lượng máy POS và doanh số thanh toán thẻ tại POS tăng lên liên tục qua các năm, phần nào thể hiện xu hướng thích ứng dần các ứng dụng thanh toán bằng công nghệ, thay cho việc thanh toán bằng tiền mặt hiện vẫn còn in rất sâu vào tâm trí thanh toán của phần lớn người tiêu dùng.
Ghi nhận của VBCA cho thấy doanh số thanh toán nội địa tăng 597% trong giai đoạn 2012 - 2016, và tăng 48% từ năm 2015 - 2016. Trong khi doanh số thanh toán quốc tế tăng 319% và 47% cho giai đoạn tương tự như trên.
Thêm tiện ích, tăng kết nối
Là một trong những cách mua bán hiện đại, tiếp cận nhanh với xu hướng mua sắm tiêu dùng mới được chị Ngô Thanh Yến (Q.Tân Bình, TP.HCM) rất yêu thích. Chị Yến cho hay "rất tự tin dẫu có quên mang tiền cũng tha hồ mua sắm tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, miễn sao trong bóp luôn có thẻ!"
Theo chị Yến, dù chị không có Visa Paywave mà chỉ có thẻ Visa thông thường, nhưng tất cả các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op "cứ có thẻ visa là quẹt thoải mái. Hệ thống Saigon Co.op có đủ các phương thức thanh toán mà không giới hạn loại thẻ nào cần dùng hay không", chị Yến thông tin.
Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết việc Saigon Co.op mở rộng thêm nhiều hình thức thanh toán cũng là một cách nâng tầm đáp ứng theo nhu cầu ngày một cao của người tiêu dùng và đây cũng là xu hướng tất yếu trong mua sắm hiện đại, nhất là với thẻ Visa hay Visa Paywave - "chạm là thanh toán".
"Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng Việt Nam đã dần phổ biến khi khách hàng nhận thấy rằng việc thanh toán bằng thẻ khi mua sắm nhanh chóng và chính xác hơn nhiều so với phương thức thanh toán truyền thống. Việc đưa vào sử dụng các loại thẻ thanh toán cũng giúp hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op tiết kiệm nhiều thời gian cho khâu thanh toán và hạn chế tối đa những rủi ro trong khâu kiểm đếm tiền. Quan trọng không kém là việc thanh toán bằng thẻ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, kiểm soát và cân đối các khoản chi tiêu", ông Huy chia sẻ.
Mặt khác, ngoài hỗ trợ khách thanh toán nhanh chóng bằng các loại thẻ, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra còn gia tăng các giá trị thiết thực cho khách hàng khi thường xuyên tổ chức các chương trình độc quyền với các phần quà có giá trị cao và hấp dẫn.
Điều này, theo ông Huy không chỉ nhằm mang những lợi ích trước mắt cho người tiêu dùng, mà xa hơn, việc đưa thói quen thanh toán mới tiện lợi, an toàn, nhiều tiện ích hiện diện ngày một sâu rộng hơn trong nhu cầu sinh hoạt thường nhật, mới là mục tiêu cần hướng đến.
( Theo: Tuoitre.vn )
TIN CŨ HƠN
- Hàng hóa ngày 04/4: Hầu hết các mặt hàng tăng giá theo đà phục hồi của Phố Wall, chỉ vàng và cao su giảm
- Hàng hóa ngày 06/4: Cao su tiếp tục mất giá, đường bật tăng trở lại
- Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ 7 thế giới
- Cách thức hàng giả, hàng nhái “qua mặt” người tiêu dùng Việt
- Liên kết sản xuất, nông dân không còn nỗi lo bị ép giá
- Nielsen: Thị trường tiêu dùng nhanh năm 2018 là câu chuyện "cá nhanh nuốt cá chậm"
- Nông dân trồng chuối ở Đồng Nai gặp khó vì giá rớt thê thảm
- Mỹ phẩm “xách tay” là mầm mống hàng giả
- Nỗ lực bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn
- Hàng giả, hàng lậu đầy chợ