Huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) được xem là "thủ phủ" của cây chuối cấy mô. Tuy nhiên, vào năm 2017, người dân nơi đây rơi vào cảnh lao đao vì giá chuối rớt thê thảm, chỉ còn chưa đến 3.000 đồng/kg.
Năm nay, theo phản ánh của một số người trồng chuối tại đây, những ngày cuối tháng 3, giá chuối cũng đang có dấu hiệu xuống ngày càng thấp. Vì sợ câu chuyện năm ngoái sẽ lặp lại, người dân chấp nhận bán rẻ cả vườn chuối còn non.
"Nguyên nhân khiến giá chuối giảm là do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Chắc lại là “chiêu” của các thương lái Trung Quốc nhằm đẩy giá chuối xuống thấp thôi", một người trồng chuối cho biết.
Được biết, vào đầu tháng 3, khi chuối bắt đầu chín, thương lái Trung Quốc đến thu mua trực tiếp tại vườn của người dân, thời điểm, giá chuối được đẩy lên cao nhất ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg trong 2 ngày.
Sau đó, thương lái Trung Quốc đột nhiên ngừng thu mua, giá chuối từ đó rớt xuống còn 13.000 đồng/kg trong những ngày tiếp theo và đang có dấu hiệu tiếp tục giảm.
Lúc này, thương lái ở các tỉnh khác đến thu mua chuối, vẫn liên tục ép giá khiến người dân lo lắng. Nhiều người quyết định bán tống, bán tháo cả vườn chuối còn non vì sợ câu chuyện 2017 lặp lại.
Anh Nguyễn Văn Ngọ (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) cho hay, do lo sợ giá chuối xuống thấp như năm ngoái, nên anh bán cây cho thương lái từ lúc chuối còn chưa trổ buồng với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/cây.
“Mỗi ha trồng được khoảng 2.300 gốc chuối, mỗi cây chỉ lấy năng suất 20kg thì với giá bán hiện nay cũng được hơn 700 triệu, trong khi bán cây chỉ thu được khoảng 200 triệu đồng”, anh Ngọ cho hay.
Như vậy, anh Ngọ mất khoảng 500 triệu vì chấp bán non cả vườn chuối chưa thu hoạch cho thương lái.
Ông Nguyễn Trọng Hiền (54 tuổi, xã Thành Hiền, huyện Trảng Bom) cho biết, gia đình ông trồng 4 ha chuối. Khi có thương lái mua nguyên vườn với mức giá 8.000 đồng/kg, ông đã bán hết.
“Lo sợ giá chuối sẽ rớt giá nhanh như năm ngoái tôi bán rẻ cả vườn, lãi khoảng 200 triệu đồng/ha. Với mức giá 13.000 đồng/kg như hiện nay, nếu để lại và thu hoạch trái bán trong vụ chính, trừ chi phí tôi sẽ được lãi gần 400 triệu đồng/ha, tính thì vậy nhưng cũng đành chịu thôi", ông Hiền nói.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh, một thương lái thu mua chuối ở xã Thanh Bình cho biết trường hợp "bán chuối non" không phải là hiếm ở địa phương.
Ngoài những thương lái thu mua chuối lâu năm trên địa bàn Đồng Nai, hiện nay tại huyện Trảng Bom có rất nhiều thương lái từ các vùng khác đến tìm đến. Mỗi cuộc mua bán, giữa người dân và thương lái đều không có hợp đồng, tất cả chỉ được giao kèo bằng miệng.
Theo lý giải của chị Thanh, việc các thương lái vùng khác đến tìm mua chuối non nhưng không có hợp đồng rất dễ khiến người dân chịu thiệt. Thậm chí, lợi dụng việc thương lái Trung Quốc không còn thu mua, các thương lái vùng khác còn liên tục ép giá.
Ông Trần Minh Tùng, thương lái thu mua chuối trên địa bàn huyện Trảng Bom nói: "Người dân không biết rõ các thương lái vùng khác làm ăn như thế nào. Nhiều trường hợp chỉ nói bằng miệng rồi đặt cọc làm tin. Nhưng đến ngày thu hoạch nếu giá quá thấp thì họ không đến, người dân cũng phải chịu chứ biết kêu ai".
Một cán bộ Phòng Kinh tế - Nông nghiệp huyện Trảng Bom cho biết, những năm trước chuối cấy mô được trồng với diện tích nhỏ trên địa bàn. Song vì lợi nhuận mang lại quá cao nên nhiều năm nay người dân đổ xô đi trồng loại chuối này.
Ngoài ra, việc xuống giống cùng một lúc khiến chuối thu hoạch rộ với số lượng lớn, giá chuối giảm mạnh mỗi khi vào vụ.
Theo VTC