Năm xu hướng định hình hành vi người tiêu dùng Việt
Dân số đông, thu nhập bình quân đầu người đang tăng cao, nền kinh tế chuyển biến tích cực cùng sự phát triển của mạng lưới viễn thông, công nghệ là những yếu tố thúc đẩy thị trường thay đổi, tác động đến hành vi mua sắm và tiêu dùng của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam.
Thời gian qua, công nghệ phát triển đã mang đến cho NTD nhiều trải nghiệm mới và nhiều sự lựa chọn hơn trong việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Những thuật ngữ như kinh tế chia sẻ, thực tế ảo, tương tác thực tế, giao hàng tự động, phương tiện giao thông không người lái, máy in 3D, mua bán trực tuyến... đã trở nên quen thuộc. Bên cạnh đó, những chủ đề "nóng" luôn được dư luận quan tâm như thực phẩm sạch, sức khỏe, thực phẩm chức năng, ô nhiễm môi trường, trách nhiệm xã hội... Những yếu tố này tạo nên các hành vi tiêu dùng trong hiện tại và tương lai.
Nhu cầu nâng tầm cuộc sống. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 30 triệu người vào năm 2020. Khi NTD giàu lên sẽ mong muốn được trải nghiệm những thương hiệu mới mà trước đây họ chưa có khả năng trải nghiệm để "tự thưởng cho bản thân". Nghiên cứu của Nielsen chỉ ra rằng, 3/4 người Việt có khả năng chi tiêu thoải mái và sẵn sàng mua sắm khi họ cảm thấy thích.
Điều này thể hiện rõ qua sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành hàng cao cấp. Cụ thể, các loại thực phẩm cao cấp đóng góp 20% doanh số của ngành hàng này, với tốc độ tăng trưởng 11%. Ở ngành hàng chăm sóc cơ thể, tỷ lệ này là 23%, với mức tăng trưởng 22%. Các loại nước uống cao cấp dù chỉ đóng góp 3% vào tổng doanh số nhưng mức tăng trưởng đạt đến 103%.
Tiêu dùng thông minh. Người Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn nhưng điều đó không đồng nghĩa họ sẽ chi tiêu không tính toán. Thời đại "internet of things" tạo nên môi trường mà ở đó NTD tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khác nhau về cùng một sản phẩm tìm kiếm và mua sắm những sản phẩm, dịch vụ tốt với mức giá ưu đãi nhất, đã hình thành văn hóa mua sắm tiết kiệm trong NTD Việt. Và trong thời đại mua sắm trực tuyến bùng nổ như hiện nay, NTD thường so sánh trước khi ra quyết định mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ vì có rất nhiều lựa chọn.
Sự lên ngôi của Grab, Uber, Airbnb... và các nền tảng chia sẻ khác cho thấy sự phát triển của xu hướng tiêu dùng chia sẻ hiện nay của người Việt. NTD cởi mở hơn và sẵn sàng tham gia vào cộng đồng chia sẻ này vừa để chia sẻ kinh nghiệm, vật dụng sẵn có của mình với người khác, vừa tạo ra lợi ích chung khi tất cả mọi người đều có thể tiết kiệm để có những trải nghiệm tốt nhất.
Nhu cầu tìm hiểu về nguồn gốc sản phẩm. Khi liệt kê các yếu tố then chốt có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hàng gồm: nguồn gốc, chất lượng, tính năng, mùi vị, mua sắm để tặng/thưởng, bao bì, khuyến mãi, sưu tập, giá cả thì đại đa số người Việt (80 - 90%) khẳng định nguồn gốc là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ so với các yếu tố khác.
Có đến 3 trong 4 người Việt đọc kỹ các thông tin về sức khỏe liên quan đến sản phẩm họ sử dụng (88%) và tìm hiểu kỹ về các thông tin dinh dưỡng được cung cấp bởi sản phẩm họ sử dụng (74%). Trong thời đại thông tin luôn được phổ biến và cập nhật liên tục chỉ với một cú nhấp chuột như hiện nay, các hoạt động marketing và truyền thông không chỉ là những lời nói suông của các doanh nghiệp mà phải là những tuyên bố, cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm chính xác và rõ ràng.
Tìm kiếm "sự an khang". Theo báo cáo Chỉ số niềm tin NTD do Nielsen thực hiện, sức khỏe của bản thân cùng với sự an khang và hạnh phúc của cha mẹ nằm trong Top 5 mối quan tâm lớn nhất của người Việt. Họ tập thể dục thường xuyên hơn (84%) và chủ động sử dụng các biện pháp ăn kiêng (80%) để trở nên khỏe mạnh hơn. Bên cạnh đó, NTD cũng thận trọng hơn trong việc tìm kiếm và sử dụng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm không chứa các chất tạo màu, tạo mùi, chất bảo quản nhân tạo cũng như các sản phẩm không đường, ít chất béo và các sản phẩm được làm từ các chất hữu cơ và không chứa chất biến đổi gien. Vì thế, các từ khóa liên quan đến "hữu cơ, giải độc" và "nhà làm" liên tục được NTD tìm kiếm và thảo luận trên internet.
Người tiêu dùng kết nối. Là những người trẻ, thường xuyên kết nối với internet, có thu nhập cao và sẵn sàng chi tiêu. Họ là trọng tâm và sẽ là nguồn tăng trưởng mới đối với các nhà sản xuất. Tại Việt Nam, số lượng NTD kết nối trong năm 2015 là 23 triệu người, và sẽ tăng lên 40 triệu người trong năm 2025.
Chi tiêu hằng năm của NTD kết nối tại Việt Nam sẽ tăng từ 50 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 99 tỷ USD trong năm 2025. Đến năm 2025, ước tính chi tiêu của người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm một nửa tổng tiêu dùng hằng năm. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng thông tin đã giúp họ "kết nối" thường xuyên hơn và chủ động hơn. Việc "luôn kết nối" cũng khiến NTD tự tin và chủ động hơn trong lối sống của họ.
Những xu hướng trên đang và sẽ là những nhân tố định hình lại thói quen và hành vi tiêu dùng của người Việt, từ đó kéo theo sự thay đổi của thị trường.
Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam
* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn
TIN CŨ HƠN
- Đà Nẵng: Thị trường bán lẻ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ
- Thị trường hàng hóa ngày 21/6: Cao su, đường phục hồi trong khi vàng, kim loại cơ bản, sữa vẫn rớt giá
- Thị trường hàng hóa ngày 20/6: Đồng loạt rớt giá mạnh
- Đại chiến cửa hàng tiện lợi: Vinmart+ đấu lại hàng loạt đại gia châu Á như B's Mart, 7-Eleven..., ngành bán lẻ Việt Nam bước vào "đại dương đỏ quạch"!
- Thị trường bán lẻ nệm giống thị trường ĐTDĐ 10 năm trước, nhận đầu tư triệu đô từ Mekong Capital, Vua Nệm tham vọng trở thành "Thế giới di động" của ngành nệm?
- “Ma trận” mỹ phẩm thật – giả
- Thị trường hàng hóa ngày 14/6: Dầu tăng, thép cây tiếp tục lên giá, khí gas tự nhiên cao nhất 4 tháng rưỡi
- Thị trường hàng hóa ngày 13/6: Dầu, vàng đi xuống trong khi nông sản, cao su và thép tăng giá đồng loạt
- Thị trường hàng hóa ngày 12/6: Giá đường và các kim loại quý đồng loạt tăng, cao su xuống thấp nhất gần 2 tháng
- Thị trường hàng hóa ngày 8/6: Giá thép, gạo cao nhất 6 năm, đồng đắt nhất 4 năm rưỡi