Thị trường hàng hóa ngày 20/6: Đồng loạt rớt giá mạnh

Tất cả các mặt hàng từ dầu, vàng, kim loại đến đường cà phê đều giảm do tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Thị trường hàng hóa ngày 20/6: Đồng loạt rớt giá mạnh

Dầu giảm do tranh chấp thương mại Mỹ - Trung

Giá dầu giảm trong phiên qua do khả năng tăng nguồn cung của OPEC và tranh chấp thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra các đợt bán tháo mạnh trong nhiều thị trường trên toàn cầu.

Dầu thô Brent kỳ hạn giảm 26 US cent đóng cửa ngày 19/6 tại 75,08 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas (WTI) giảm 78 US cent hay 1,2% xuống 65,07 USD/thùng.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết họ có kế hoạch đề xuất tăng sản lượng dầu của các thành viên trong thỏa thuận OPEC+ khoảng 1,5 triệu thùng/ngày. Bình luận này của ông Novak khiến giá dầu bị áp lực giảm đáng kể.

OPEC và các đồng minh sẽ nhóm họp vào ngày thứ Sáu (22/6) tại Vienna, nơi đây họ dự kiến sẽ thực hiện một quyết định liệu có nâng sản lượng dầu toàn cầu hay không và nâng bao nhiêu.

Tuy nhiên, Iran cho biết OPEC không thể đạt được một thỏa thuận về sản lượng dầu trong tuần này, điều này khiến họ đụng độ với Saudi Arabia và Nga, hai nước đang muốn nâng sản lượng mạnh từ tháng 7 để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang tăng lên.

Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gây áp lực lên các thị trường trên toàn cầu, gồm cả dầu mỏ. Hai nước đang đe dọa trừng phạt thuế xuất khẩu của nhau, có thể gồm cả dầu mỏ. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng mạnh kể từ năm 2017, đạt giá trị gần 1 tỷ USD mỗi tháng.

Chứng khoán của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm, trong khi tại Mỹ tất cả 3 chỉ số chứng khoán chính đều giảm.

Trong khi đó, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước, dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng. Dự trữ dầu thô giảm 3 triệu thùng trong tuần tính tới ngày 15/6 xuống còn 430,6 triệu thùng, so với dự đoán của giới phân tích giảm 1,9 triệu thùng.

Vàng giảm do đồng USD mạnh

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 tháng và bạch kim chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016 do đồng USD tăng giá đã áp đảo việc mua vào để trú ẩn an toàn khi lo sợ về cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ số đồng USD đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 7/2017 so với rổ tiền tệ chủ chốt do Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ và Bắc Kinh cho biết họ sẽ trả đũa. Động thái này đã củng cố lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và kích hoạt đợt bán tháo cổ phiếu trong khi khiến các đồng tiền an toàn như đồng yên và USD tăng giá.

Thông thường các nhà đầu tư sử dụng vàng như một nơi để giữ các tài sản trong thời điểm bất ổn toàn cầu. Nhưng mối quan hệ nghịch đảo của đồng USD với vàng – một đồng USD mạnh khiến các tài sản tính bằng đồng tiền này đắt hơn cho người sử dụng các đồng tiền khác – có thể thường quan trọng hơn các yếu tố khác.

Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.276,19 USD/ounce, trước đó đã chạm 1.270 USD/ounce mức thấp nhất kể từ ngày 22/12.

Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 giảm 0,1% xuống 1.278,6 USD/ounce.

Bạch kim giảm 1,6% xuống 867 USD/ounce, trước đó đã giảm xuống 856,85 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 3/2/2016.

Giá vàng tiếp tục bị sức ép do triển vọng nâng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang. Tiềm năng tăng lãi suất tiếp trong năm nay sẽ hạn chế giá vàng tăng.

Các kim loại quý khác, bạc giảm 0,5% xuống 16,32 USD/ounce sau khi xuống 16,21 USD/ounce mức thấp nhất kể từ ngày 16/5. Pallađi giảm 2,3% xuống 967,25 USD/ounce sau khi xuống mức thấp nhất kể từ 21/5 tại 964,29 USD/ounce.

Đồng xuống mức thấp nhất trong 3 tuần

Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do lo lắng về cuộc chiến thương mại được tăng cường sau đe dọa áp thuế của Tổng thống Donald Trump

Đồng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 1,8% xuống 6.840 USD/tấn, trong phiên có lúc giá đã chạm mức 6.809 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 31/5.

Nhà phân tích Daniel Briesemann cho biết "với xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng và các kim loại cơ bản khác sẽ giảm giá".

Trung Quốc sẽ áp thuế bổ sung 25% với 659 hàng hóa của Mỹ để đáp trả kế hoạch áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Danh sách mới này là bản mở rộng của một danh sách ban đầu với 106 hàng hóa Mỹ đã công bố vào ngày 4/4.

Lo ngại về tăng trưởng tại nước tiêu thụ kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới này đã được phản ánh trên thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Chứng khoán Thượng Hải giảm gần 4% xuống mức thấp nhất hai năm, trong khi đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp hơn 5 tháng so với đồng USD.

Một đồng USD mạnh cũng gây áp lực lên các hàng hóa. Chỉ số đồng USD tăng so với rổ tiền tệ, đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2017.

Thị trường đồng đang theo dõi các cuộc đàm phán lao động tại mỏ Escondida ở Chi Lê. Công ty khai mỏ toàn cầu BHP cho biết tuần trước họ đã phản hồi đề xuất hợp đồng mới nhất từ liên đoàn công nhân tại mỏ Escondida, mỏ đồng lớn nhất thế giới, mở ra một vòng đàm phán mới có thể kéo dài một tháng hay hơn.

Quặng sắt, thép giảm

Giá các hàng hóa từ quặng sắt tới cao su sụt giảm tại Trung Quốc, do các nhà đầu tư lo lắng căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Những mối đe dọa thuế quan mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra sau khi Tổng thống Trump thông báo ông sẽ tiếp tục áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả.

Giá sản phẩm thép xây dựng và nguyên liệu thô của nó là một trong số những thị trường khó khăn nhất. Hợp đồng thép cây giao tháng 10 tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa giảm 2,9% xuống 3.769 NDT (583 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 9 tháng rưỡi trong ngày 15/6. Thép cuộn cán nóng cũng giảm 2,9%.

Quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 4,6% xuống 450,5 NDT/tấn. Nhưng một số nhà phân tích cho biết cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng sẽ không gây gián đoạn nhiều trong thị trường thép Trung Quố, thị trường lớn nhất thế giới.

Cao su giảm do căng thẳng thương mại Trung – Mỹ leo thang

Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm theo xu hướng sụt giảm trên thị trường Thượng Hải, do tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ lại bùng phát, trong một dấu hiệu lo lắng cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng trong đầu phiên giao dịch từ mức thấp nhất 12 tuần, trước khi giảm mạnh do căng thẳng thương mại Trung – Mỹ leo thang.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, nhằm đáp trả một cảnh báo trả đũa từ Bắc Kinh, khiến xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhanh chóng leo thang.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn TOCOM đóng cửa giảm 3,1 yên xuống 173,7 yên/kg.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9, được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 620 NDT xuống còn 10.190 NDT/tấn.

 Cà phê tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016

Cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE giảm phiên thứ 5 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 chốt phiên giảm 0,3 US cent hay 0,3% xuống 1.164 USD/lb sau khi giảm xuống 1.1495 USD/lb, mức thấp nhất đối với hợp đồng này kể từ tháng 3/2016.

Giá cà phê arabica kỳ hạn bị áp lực bởi chỉ số đồng USD mạnh lên, nhưng mức giảm giá bị hạn chế bởi đồng nội tệ của Brazil trở lại tăng nhẹ so với đồng USD.

Thị trường vẫn tập trung vào nguồn cung toàn cầu dồi dào do vụ thu hoạch tại Brazil được dự kiến kỷ lục. Bộ trưởng Nông nghiệp của Brazil ông Blairo Maggi cho biết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung rất bất lợi cho lợi ích kinh doanh của nước này.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 chốt phiên giảm 2 USD hay 0,1% xuống 1.685 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp nhất hai năm tại 1.665 USD/tấn.

Đường cũng giảm

Đường thô kỳ hạn trên sàn ICE giảm, bởi áp lực tiền tệ và nguồn cung toàn cầu dồi dào.

Đường thô kỳ hạn tháng 10 chốt phiên giảm 0,15 US cent hay 1,2% xuống 12,13 US cent/lb.

Giá giảm một phần bởi sức ép tiền tệ, do đồng USD tăng giá, trong khi đồng real của Brazil giảm trở lại. Đồng nội tệ của Brazil yếu hơn gây sức ép cho các hàng hóa tính bằng đồng USD như đường vì cải thiện lợi nhuận cho các nhà sản xuất tính theo đồng nội tệ, khuyến khích họ bán ra.

Thị trường cũng trở lại tập trung vào nguồn cung toàn cầu dồi dào, ngay cả khi thời tiết khô và Brazil sẽ chuyển sang sản xuất ethanol nhiều hơn để hạn chế sản xuất đường tại nước trồng hàng đầu thế giới trong niên vụ này.

Rabobank dự báo hai năm liên tiếp sản lượng dư thừa sau khi sản lượng tăng vọt từ Thái Lan và Ấn Độ.

Một đại lý ở châu Âu cho biết sản lượng tại Brazil sẽ giảm nhưng không đủ để bù cho sản lượng tăng ở nơi khác.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 3,2 USD hay 0,9% xuống 338,8 USD/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 20/6

Thị trường hàng hóa ngày 20/6: Đồng loạt rớt giá mạnh - Ảnh 1.

Minh Quân

Theo Trí thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật