Nền tảng thương mại điện tử giúp doanh nghiệp Việt thêm cơ hội bán hàng xuyên biên giới

Tiềm năng về hàng hóa Việt Nam cùng với nền tảng thương mại điện tử phát triển khiến các đại gia lớn trên thế giới là Alibaba và Amazon liên tục chiêu mộ đối tác Việt Nam.
Nền tảng thương mại điện tử giúp doanh nghiệp Việt thêm cơ hội bán hàng xuyên biên giới

Thương mại điện tử tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang các nước

Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 cho thấy, có 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thiết lập quan hệ kinh doanh với nước ngoài qua kênh trực tuyến. Và đến thời điểm này, nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử đầu tư vào Việt Nam như Alibaba, Tencen và giờ là Amazon tiếp cận các đối tác Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu trong tiến trình hội nhập và mở rộng thị trường.

Từ đầu năm 2018, Amazon đã có hàng loạt động thái tiếp cận các nhà cung ứng Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo và hội thảo về lĩnh vực thương mại điện tử. Điều đáng nói là hình thức xuất khẩu xuyên biên giới được rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

Điển hình như hội thảo bán hàng toàn cầu do Amazon phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức tại TP.HCM cuối tháng 9 vừa qua đã thu hút hơn 1.000 đại diện doanh nghiệp tham dự. Trước đó, một hội thảo cùng chủ đề diễn ra tại Hà Nội cũng thu hút số lượng doanh nghiệp tương đương. Để tiếp cận nhiều hơn nữa doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng qua kênh thương mại điện tử, Amazon đã ra mắt website bằng tiếng Việt.

Trước Amazon, Alibaba đã đặt nền móng vững chắc tại Việt Nam. Sau nhiều năm tìm nhà cung ứng cho sàn thương mại điện tử B2B, cuối tháng 7 vừa qua, Alibaba tiếp tục tìm kiếm nhà bán hàng Việt cho trang B2C là AliExpress. Theo chia sẻ của đại diện AliExpress, Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất đa dạng nhất thế giới. Với mức tăng trưởng tốt, đây là điểm đến quan trọng của Alibaba và thương hiệu này muốn mở cánh cửa mới có 200 thị trường cho doanh nghiệp Việt.

Thương mại điện tử Việt Nam đang rất sôi động và nhiều tiềm năng. Trong đó, thương mại điện tử xuyên biên giới là xu hướng toàn cầu với sự tăng trưởng từ 20 - 30%/năm, trở thành kênh quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, năm 2017, thị trường thương mại điện tử đạt trên 600 tỷ USD và được dự báo đến năm 2021 sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Riêng khu vực ASEAN, thị trường thương mại điện tử được dự báo sẽ đạt trên 88 tỷ USD vào năm 2025.

Từ lâu, kênh thương mại điện tử đã trở thành cầu nối hữu hiệu, giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa tiếp cận thị trường thế giới. Số liệu từ VECOM cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã tận dụng lợi ích của thương mại điện tử trong việc trao đổi, tìm kiếm thông tin. Trong năm 2017, có tới 32% doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử và 49% doanh nghiệp đầu tư xây dựng website. Theo ông Trần Đình Toản - Phó tổng giám đốc OSB - đơn vị đối tác của Alibaba tại Việt Nam, đã có hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua nền tảng B2B trong gần 10 năm qua.

Theo chia sẻ của đại diện Amazon, trong thời điểm thương mại điện tử phát triển mạnh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp, chủ shop, đơn vị bán hàng nhỏ của Việt Nam mong muốn mở rộng kinh doanh, xúc tiến bán hàng trên Amazon để tiếp cận người mua hàng thế giới. Amazon áp dụng cách thức bán hàng theo quy trình: doanh nghiệp gửi sản phẩm đến các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon, các thủ tục như lấy hàng, đóng gói, vận chuyển đến người mua ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều do Amazon thực hiện.

Đơn vị này có bộ phận hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể thuận tiện trong bán hàng, mở rộng kinh doanh thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu trên thế giới. Nhờ cách thức bán hàng đơn giản này, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận trực tiếp với hơn 300 triệu khách hàng trên thế giới, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng mua sắm thường xuyên trên Amazon.

Trong điều kiện thuận lợi và nhiều cơ hội phát triển thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần tích cực đầu tư hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng các kỹ năng giao dịch trực tuyến. Khi đã hiểu được cách thức bán hàng qua các nước từ Amazon, các doanh nghiệp sẽ có kinh nghiệm giao thương quốc tế thông qua Ebay, Taobao...

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật