Tranh nhau hút khách mua sắm qua ứng dụng ở Việt Nam
Vài năm trước, giới chuyên gia dự đoán thương mại trên di động tại Việt Nam sẽ phát triển theo hướng các website bán hàng được tối ưu hóa cho giao diện trình duyệt trên điện thoại. Không nhiều người cho rằng, việc phát triển riêng một ứng dụng sẽ trở thành trào lưu chủ lực. Tuy nhiên, "gió đã đổi chiều", thời buổi nhà nhà làm ứng dụng bán hàng đã đến.
Hiện tại, hầu hết các đơn vị thương mại điện tử đều có ứng dụng mua sắm của riêng mình. Nếu là một "con nghiện" mua sắm online, người dùng có thể cài vào điện thoại trên dưới chục ứng dụng như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi, Lotte, Vuivui hay cả AliExpress.
Kênh ứng dụng thậm chí được các đơn vị ưu ái khá mạnh. Hầu hết các nhà bán lẻ thương mại điện tử ở Việt Nam đều từng dùng đến chiêu như giảm giá duy nhất, khuyến mại đặc biệt, tặng thêm quà... nếu khách hàng giao dịch trên ứng dụng thay vì dùng trình duyệt web di động hay truy cập bằng máy tính. AliExpress là một ví dụ mới nhất.
Mua sắm trên điện thoại qua app của các nhà cung cấp ngày một phổ biến. |
Gần đây, ứng dụng này đang cố gắng phát triển tập khách hàng ở Việt Nam. Ngoài giao diện được dịch sang tiếng Việt tự động, giá cả quy đổi tự động sang VND, một số hàng hóa trên ứng dụng AliExpress còn có "mồi nhử" người mua bằng thông tin giảm thêm một tỷ lệ nhất định khi mua trên di động.
Ứng dụng cũng là mặt trận chứng kiến những cuộc so kè không ai chịu thua ai trong thời gian gần đây của các tên tuổi lớn. Cuộc "đại chiến" ngày 9/9 vừa qua là một ví dụ.
Trong đợt giảm giá sâu dịp đó, Lazada tổ chức trò chơi "Chém giá"và "Shake Shake" trên ứng dụng để người dùng mua thu thập voucher. Bà Nguyễn Thanh Thủy – Giám đốc Kinh doanh của Lazada Việt Nam cho biết, ý tưởng "Chém giá" được lấy cảm hứng từ game chém trái cây nổi tiếng trên iPhone, iPad.
Không thua kém, cũng trong chính đợt 9/9, Shopee tung phiên bản “Lắc siêu xu”. Người dùng phải mở ứng dụng và lắc điện thoại theo nhạc để nhận Shopee Xu, loại điểm thưởng có thể dùng trừ vào giá trị hàng hóa khi mua sắm.
Các nhà bán lẻ đổ tâm sức cho mảng ứng dụng là có cơ sở. Nghiên cứu "Cơ hội cho các ứng dụng thương mại lớn tại Việt Nam" do Criteo vừa công bố cho biết, hơn 90% những người có cài ứng dụng thương mại điện tử vào smartphone đã mua sắm ít nhất một lần mỗi tháng. 60% mua 3 lần trở lên.
Nguyên nhân được lý giải là người tiêu dùng Việt Nam (hơn 82%) thấy thú vị và thuận tiện hơn khi mua sắm qua ứng dụng di động thay vì web di động. Cùng với đó, gần 71% tin tưởng ở mức độ nhất định rằng thông tin tài chính của họ được lưu trữ an toàn hơn trong một ứng dụng so với việc mua sắm từ trang web trên điện thoại di động.
Có đến 89% người dùng di động ở Việt Nam được hỏi nói rằng đã từng thực hiện tất cả các bước để mua hàng trong ứng dụng. Những người trong độ tuổi 18-24 là nhóm sẵn sàng mua qua ứng dụng nhất (94%).
"Thế hệ này có thu nhập và khả năng chi tiêu mua hàng qua mạng chưa cao nhưng họ là tương lai của thương mại điện tử Việt Nam. Họ chính là nhân tố giúp mua sắm qua ứng dụng tiếp tục bùng nổ thời gian tới", ông Alban Villani - Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan của Criteo nói.
Thậm chí, người Việt đã dễ chịu hơn khi xem quảng cáo trên các ứng dụng. Criteo cho biết, hơn 75% đã nhấp vào quảng cáo hiển thị hình ảnh và tiếp tục mua sản phẩm đã được quảng cáo trong ứng dụng bán lẻ. Sự gia tăng của mua sắm thông qua các ứng dụng di động cũng tương quan với sự tin tưởng nhiều hơn trong nền tảng này.
Các số liệu thống kê cho biết, 42% dân số Việt Nam đã dùng điện thoại thông minh. Tỷ lệ người dùng smartphone ở các vùng miền hiện đều khá cao. Các thành phố phát triển, các thành phố bậc trung và vùng nông thôn có tỷ lệ lần lượt là 84%, 71% và 68%. Tại Đông Nam Á, người Việt Nam chỉ xếp sau người Thái Lan về thời gian dành để online nhiều nhất, theo thống kê của comScore vào tháng 3/2018.
Tất cả những số liệu này, nếu áp vào quy mô thị trường gần 100 triệu dân thì là mảnh đất rộng lớn, khiến các công ty thương mại điện tử để tranh nhau phát triển ứng dụng mua sắm. Tuy nhiên, tồn tại lâu dài trên điện thoại người dùng thì là câu chuyện đi qua "cửa hẹp".
"Trận chiến tiếp theo của các ứng dụng bán lẻ là sự sáp nhập và cô đọng. Chỉ một vài ứng dụng đủ mạnh mới chiến thắng", ông Alban Villani dự đoán.
Ngay cả người tiêu dùng, sau giai đoạn cài hàng loạt ứng dụng để mua trải nghiệm hoặc cần một món hàng nhưng bị yêu cầu giao dịch qua ứng dụng để được giảm giá, sẽ có xu hướng bỏ quên hay thậm chí là tháo cài đặt.
"Việc có quá nhiều ứng dụng mua sắm đối với tôi cũng gây phiền toái. Các ứng dụng cứ thi nhau gửi thông báo lên màn hình chờ, dù là những món hàng hay sự kiện tôi không quan tâm", một người dùng bình luận.
Theo: Viễn Thông- vnexpress.net
TIN CŨ HƠN
- Thương mại điện tử: Đua giá, so kè dịch vụ
- Thanh toán điện tử tiếp tục tăng mạnh ở Việt Nam
- Tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử
- Shopee 9.9 ngày siêu mua sắm thiết lập kỉ lục mới: Hơn 5.8 triệu đơn đặt hàng chỉ trong 24 giờ
- Hệ thống bán lẻ nệm do Mekong Capital đầu tư ra mắt website thương mại điện tử mới
- Bán hàng online và “cú bắt tay” giữa thương mại điện tử với các thương hiệu lớn
- Cơ hội đưa hàng Việt lên Amazon
- Vận đỏ của Sendo
- Làm thế nào để “siết” thuế của hàng triệu tài khoản bán hàng online?
- Ai là người hưởng lợi nhất trong cuộc đua 'khô máu' trên thị trường thương mại điện tử tỷ đô tại Việt Nam?