“Nếu giữ bình ổn được lãi suất cho vay đã là một thành công”
Lãi suất huy động tiếp tục tăng
Như đề cập trong bài trước, bước sang tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục có thay đổi đáng kể khi hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) tăng mạnh lãi suất huy động.
Ở kỳ hạn ngắn 1-3 tháng, mức lãi suất chào đã được đẩy lên kịch trần là 4%/năm tại một loạt các thành viên như SCB, NamABank, Kienlongbank, VietABank,…
Trong khi đó, ở kỳ hạn dài 12 tháng, mặt bằng lãi suất huy động cũng tăng 0,2-0,3 điểm% so với tháng trước. Khảo sát cho thấy hiện có khoảng gần 20 nhà băng chào lãi suất từ 6-7%/năm cho kỳ hạn này. Trong đó, SCB đang là ngân hàng chào lãi suất cao nhất là 7,3%/năm cho cả hình thức gửi tại quầy và gửi online.
Đứng ngay sau là NamABank với mức lãi suất 7,2%/năm đối với hình thức gửi trực tuyến, CBBank là 7,15%/năm cho hình thức gửi tại quầy…
Đáng chú ý, với các kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất kỳ hạn dài tại một số thành viên thậm chí đã được đẩy lên trên 7,5%/năm, đặc biệt là ở nhóm các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ.
Trong bối cảnh đó, các "ông lớn" ngân hàng có vốn Nhà nước – vốn chiếm phần lớn thị phần tiền gửi cũng đã không thể tiếp tục nằm ngoài "cuộc đua".
Ngân hàng Agribank mới đây đã có điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài. Theo đó, trường hợp khách hàng gửi tiền tại các kỳ dài từ 12 tháng đến 24 tháng sẽ được Agribank cộng thêm 0,1 điểm % lãi suất cho mỗi kỳ hạn lên hưởng cùng mức là 5,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất dành cho phân khúc khách hàng cá nhân trong tháng 7 này.
Tương tự, BIDV cũng mới thông báo thay đổi biểu lãi suất mới theo hướng tăng thêm 0,1 điểm % lên mức 5,6%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 12 – 36 tháng.
Khó giảm lãi suất cho vay?
Như trên, sau hai năm liên tiếp duy trì ở mức thấp kỷ lục, lãi suất đầu vào đã và đang bắt đầu "nóng lên" trong mấy tháng gần đây. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà băng trong việc quyết định lãi suất đầu ra, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ cho toàn hệ thống ngân hàng phải phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, việc giảm lãi suất năm nay là cực kỳ khó khi lãi suất đầu vào đang tăng trong khi đây cũng là xu hướng chủ đạo ở các nền kinh tế trên thế giới.
"Năm nay nếu giữ bình ổn được lãi suất cho vay đã là một thành công", TS. Lực nói.
Theo chuyên gia, hệ thống ngân hàng có thể phải chấp nhận chênh lệch lãi suất đầu vào tăng lên, đầu ra không tăng được. Chênh lệch lãi suất ròng sẽ giảm đi so với những năm trước. Theo đó, ngân hàng sẽ buộc phải tìm cách đa dạng hoá hoạt động để tăng nguồn thu.
Còn theo các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS), định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) vẫn là giữ lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
Mặc dù vậy, VCBS cho rằng, với tăng trưởng tín dụng dự báo đạt cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng. Theo đó, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định, tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Đồng quan điểm, các chuyên gia tại VNDirect cũng cho rằng, NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ "phù hợp", không thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường. Cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch và NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.
Đối với lãi suất điều hành, VNDirect cho rằng, nếu có đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý 4/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%.
Đối với gói cấp bù lãi suất, các chuyên gia cho rằng gói này có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình từ 20-40 điểm cơ bản vào năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói bù lãi suất với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể giảm bớt nếu các NHTM tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.
Bizlive
TIN CŨ HƠN
- Lãi suất cao, tiền gửi vào ngân hàng tăng đột biến
- Ngân hàng Nhà nước tăng cường độ hút tiền, gần 45.000 tỷ tín phiếu được phát hành phiên 30/6
- Nên áp lãi suất tiền gửi rút trước hạn theo hình thức bậc thang?
- Phó Thống đốc Đào Minh Tú: NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành
- Giá USD "chợ đen" tăng mạnh lên gần 24.000 đồng
- Nhiều ngân hàng Việt có trên 90% giao dịch trên kênh số, gần 70% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán
- MB giữ vững phong độ kênh phân phối bảo hiểm hàng đầu qua ngân hàng
- Lãi suất huy động tăng trước áp lực lạm phát và cạnh tranh vốn
- Ngân hàng Nhà nước đang xoa dịu một điểm bất lợi
- Các ngân hàng đang tính toán gì khi chỉ mới vài tháng đầu năm đã mạnh tay tiêu hết quota tăng trưởng tín dụng?