Ngành bán lẻ ‘quay cuồng‘ vì Covid-19: Sasco cho nghỉ 80% nhân viên bán hàng, siêu thị sụt giảm 1/2 lượng khách đến mua sắm

Nỗi sợ hãi Covid-19 của người dân Việt Nam đang khiến ngành bán lẻ sụt giảm doanh thu chưa từng có.
Tùy vào phân khúc khách hàng, có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gần như tê liệt giống Sasco, mảng siêu thị lượng khách đến mua sắm giảm 50%, trừ ngành hàng liên quan đến sức khỏe còn lại đều bị ế.
 
 
Do sân bay rất ít khách nên các cửa hàng của Sasco tại sân bay cũng thế.
 
 Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ thấy vài thông tin kiểu như người dân đến càn quét các siêu thị vùng nào đó vì một thông tin nghiêm trọng về dịch Covid-19 xuất hiện, chúng ta liền nghĩ hẳn ngành bán lẻ sẽ là người hưởng lợi lớn từ đại họa này. Nhưng, thật ra đó chỉ là bề nổi của tảng băng.

Vì nói như bà Huỳnh Minh Băng Nga – Chuyên viên đào tạo cấp cao của "ông lớn" trong ngành phân phối của thế giới DSKH, thì chỉ trừ ngành hàng liên quan đến sức khỏe như các loại nước tẩy rửa, khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn là đắt hàng, còn lại đều trong tình trạng ế ẩm nghiêm trọng.

"Như tất cả các doanh nghiệp, trước đó chúng tôi cũng không dự đoán được việc dịch bệnh Corona sẽ xảy ra và nghiêm trọng như tình trạng hiện tại. Chúng tôi thường đặt hàng cho nhà sản xuất trước 4 tháng, tức là lượng hàng sản xuất cho 3 tháng đầu năm, như mọi năm chúng tôi đã nhận đủ.

Mọi năm, khoảng đầu năm, chúng tôi bán được rất nhiều mặt hàng về F&B như các loại bánh kẹo, nhưng năm nay doanh số bán hàng ở các siêu thị và các cửa hàng bách hóa giảm tới ½. Hiện ngành hàng F&B của chúng tôi đang bị treo, tồn kho còn rất nhiều. Chúng tôi hiện có khoảng 3.000 sales cho ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG phủ khắp cả nước và lượng đặt hàng của các nhà cung cấp qua họ cũng giảm rất nhiều", bà Băng Nga kể.

Cũng theo quan sát của bà Nga, hiện tại, chỉ mỗi ngành hàng chăm sóc sức khỏe, phục vụ trực tiếp cho mùa dịch là ăn nên làm ra. Chất tẩy rửa và các loại nước rửa tay sát khuẩn hiện bán rất chạy. Về khẩu trang y tế, trước đó tới nhà thuốc mua khoảng 1.000 đến 2.000/cái, giờ đã tăng lên 10.000 đến 20.000/cái; còn các loại khẩu trang dùng được nhiều lần, siêu thị cũng chỉ cho mỗi người mua 5 cái. Về khẩu trang 3M, trước đây DSKH chỉ phân phối đặc biệt cho các bệnh viện với mức giá khoảng 45.000 đồng/cái, nay được bán ra ngoài với mức giá 100.000 đồng/cái.

Tuy nhiên, thật ra thì siêu thị và các cửa hàng vẫn là những đơn vị ít thiệt hại nhất trong ngành bán lẻ, đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành du lịch mới phải gánh chịu hậu quả đau thương nhất, giống Sasco. Sasco là doanh nghiệp bán lẻ hoạt động chủ yếu ở các khu bán hàng miễn thuế, như ở sân bay quốc tế, cửa khẩu hoặc casino; đối tượng khách hàng nhắm tới chính là khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Trần Văn Liêng – Chủ tịch Công ty CP Việt Nam Cacao đang chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ trong mùa dịch Covid-19.

"Chúng tôi cũng là một nạn nhân của dịch Covid-19, nhưng thiệt hại của chúng tôi vẫn chưa nghiêm trọng bằng Sasco. Mỗi tháng, chúng tôi bán cho Sasco khoảng vài tỷ đồng chocolate và ca cao, 1 quý tức khoảng 3 tháng tôi lại đi thăm các cửa hàng của Sasco 1 lần. Trong lần gặp gỡ mới đây, tôi được biết Sasco vừa cho nghỉ khoảng 80% nhân viên bán hàng, do mỗi ngày các cửa hàng của họ tại sân bay chỉ tiếp khoảng 8 đến 9 khách du lịch quốc tế", ông Trần Văn Liêng – Chủ tịch Công ty CP Việt Nam Cacao cho biết.

Hiện tại, hàng của Việt Nam Cacao tại siêu thị cũng đứng lại, những hoạt động như giới thiệu sản phẩm tại siêu thị trước đây như mời thử chocolate cũng không thể thực hiện, do người ta ngại sờ hoặc chạm vào nhiều thứ khác nhau. Nhà phân phối thì không muốn tiếp xúc với các nhân viên sales do sợ bị lây virus, mà thường các nhân sales phải chấm công tại nhà phân phối, nên họ đã không thể chấm công được. Nestle cũng đã bị giảm 50% doanh số ở thị trường Lâm Đồng.

"Tuy nhiên, như tôi hay nói vui, người Việt Nam mình luôn giữ được sự duyên dáng trong khủng hoảng, trong khó khăn vẫn lạc quan.

Thêm nữa, hiện tại, đang có những tín hiệu tốt như việc Trung Quốc tuyên bố số lượng nhiễm virus Corona mới của họ đã giảm đi. Chúng ta hy vọng là Trung Quốc sẽ dập được dịch trong ngày không xa. Phần Hàn Quốc, họ vẫn đang gồng mình chịu đựng. Vì không muốn hy sinh kinh tế, nên Hàn Quốc không muốn ‘bế quan tỏa cảng’ Seoul hay Deagu. Có lẽ, giá trị kinh tế mà Hàn Quốc phải hy sinh nếu phong tỏa các địa phương của mình lớn hơn Trung Quốc, nên họ không làm", ông Trần Văn Liêng nhận định.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Luận – CEO của Hoàng Linh Group, doanh nghiệp chuyên về tư vấn khởi nghiệp, thì ngoài xem xét các thiệt hại của bản thân trong mùa đại dịch, các doanh nghiệp bán lẻ cần nhìn xa hơn, xem mình sẽ ‘nhặt’ được cơ hội gì sau mùa Covid-19 kết thúc. Ông cùng Hoàng Linh Group đã góp phần gầy dựng thương hiệu trà sữa và cà phê khá thành công tên Meet & More – chuyên cà phê có hương vị trái cây.

"Cũng như các nhà bán lẻ khác, doanh số của Meet & More sụt giảm sâu ở thị trường nội địa, khi người dân đang ưu tiên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà ít quan tâm đến chuyện ăn uống. Doanh số của Meet & More sụt giảm nhiều nhất là ở các địa điểm như sân bay và cửa khẩu. Tuy nhiên, doanh số xuất khẩu vẫn ổn định – hiện sản phẩm của Meet & More đang xuất khẩu sang 6 nước khác nhau.

Tôi dự đoán, sau dịch bệnh, người ta sẽ ‘khát’ những sản phẩm F&B chất lượng cao, nên chúng ta phải chuẩn bị hàng hóa đầy đủ để có thể nắm bắt cơ hội. Mặc dù dịch đang bùng phát tại Hàn Quốc, nhưng vừa qua, có một công ty lớn ở nước này vẫn qua Việt Nam tìm nguồn hàng cà phê tốt và chúng tôi vừa ký một hợp đồng lớn với họ, sẽ xuất hàng qua Hàn Quốc vào tháng 4 này", ông Nguyễn Ngọc Luận tiết lộ.

 

Theo: Quỳnh Như - Trí Thức Trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật