Người bán hàng rong, quà vặt phải chấp hành nội quy chợ?

Dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối do Bộ Công Thương soạn thảo bị cộng đồng doanh nghiệp đánh giá can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh.
Người bán hàng rong, quà vặt phải chấp hành nội quy chợ?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã đưa ra góp ý về dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối do Bộ Công Thương soạn thảo.

Theo đó, VCCI đánh giá dự thảo nghị định đã can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh. Cụ thể, trong tờ trình dự thảo, Bộ Công Thương đã đề xuất quy định về siêu thị và trung tâm thương mại, đưa ra các giải pháp thực hiện gồm: tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh; xây dựng, phòng cháy chữa cháy; an ninh, an toàn; vệ sinh môi trường…

VCCI cho rằng nội dung của giải pháp này có nhiều bất cập đáng kể. Cụ thể, nội dung của giải pháp có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh, trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư.

Hơn nữa, việc đặt ra nhiều yêu cầu đối với hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại trong khi chưa đánh giá một cách cụ thể tác động của các quy định này đối với hoạt động kinh doanh này có thể khiến chính sách chưa phù hợp, cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Về các quy định dự kiến tại dự thảo nghị định, VCCI nhận định một số quy định có tính chất can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh. Chẳng hạn như về quan điểm kinh doanh tại chợ, dự thảo quy định đơn vị kinh doanh phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

“Việc phê duyệt phương án kinh doanh của UBND là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép tuy nhiên không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này” - VCCI nhận định.

Về hoạt động kinh doanh tại chợ, dự thảo quy định “những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công …) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng dành cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và phải chấp hành nội quy chợ”.

Theo VCCI, quy định này đang can thiệp vào mối quan hệ dân sự giữa doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ với người thuê địa điểm kinh doanh và vô hình trung sẽ không khuyến khích nhà đầu tư vào chợ.

Ngoài các quy định trên, dự thảo nghị định còn có một số quy định không rõ mục tiêu quản lý nhà nước và có nguy cơ biến tướng thành điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Chẳng hạn như dự thảo đặt ra tiêu chuẩn diện tích, an ninh, an toàn của siêu thị , trung tâm thương mại; quy định về thời gian mở cửa; quy định về giới hạn về đợt bán hàng giảm giá…

VCCI cho rằng đây là những quy định can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh và có thể tạo thêm các gánh nặng không cần thiết đối với doanh nghiệp. VCCI đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo theo hướng thu gọn lại về phạm vi “quản lý và phát triển chợ”; đánh giá tác động một cách kỹ càng, thận trọng đối với các chính sách, nhất là các chính sách có tính chất là nghĩa vụ của doanh nghiệp phải thực hiện.

Bộ Công Thương sẽ tiếp thu

Ngay sau khi có đánh giá của VCCI, Bộ Công Thương đã chính thức phản hồi thông tin.

 Theo đó, Bộ Công Thương cho biết Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định này là dựa trên chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại Công văn này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 02/2003 và Nghị định số 114/2009 về phát triển và quản lý chợ, trên cơ sở đó đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Căn cứ vào quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sau khi tổng kết việc thi hành pháp luật và đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách về chợ, siêu thị,…, Bộ Công Thương đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan về đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Theo cơ quan này, đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối .

Bộ Công Thương hoan nghênh mọi ý kiến góp ý đối với đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối được hoàn thiện. Với mục tiêu đã nêu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Pháp luật TPHCM


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật