Người con của núi rừng khởi nghiệp bằng tình yêu với “viên ngọc thô” cà phê

“Cây cà phê là tuổi thơ, kí ức gia đình. Và giờ đây chính là con đường mình theo đuổi.

Cho ra những hạt cà phê hoàn hảo và trân trọng những giá trị thầm lặng của nông dân trồng cà phê, là những gì mình tâm niệm”, đó là lời bắt đầu cho những chia sẻ về con đường mình đã đi của anh Phạm Khắc Tài, người sáng lập và điều hành hai dự án cà phê tại vùng Tây Nguyên.

Phạm Khắc Tài tốt nghiệp chuyên ngành Thẩm định giá, Trường ĐH Tài chính Marketing. Ra trường, anh có 10 năm làm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Sài Gòn, trước khi rẽ sang một hướng đi hoàn toàn khác - kinh doanh các mặt hàng đặc sản nông sản Việt, mà bước đi đầu tiên chính là cà phê.

Năm 2015, Tài có dịp tham gia hội chợ quốc tế về cà phê. Trong một buổi trình diễn uống thử các loại cà phê của những vùng trồng nổi tiếng nhất của thế giới, người điều phối bố trí trên bàn giới thiệu 5 loại cà phê đến từ các nước: Colombia, Ethiopia, Brazil, Costa Rica và Indonesia. Anh rất ngạc nhiên, Việt Nam nổi tiếng là quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng trong một hội chợ cà phê quốc tế được tổ chức ngay trên quê hương mình lại không có một mẫu đại diện cho cà phê chủ nhà. 

Chàng trai trẻ suy nghĩ: “Thật là vô lý, các nước khác họ có gì và họ đã làm thế nào có thể cho ra đời những sản phẩm có hương vị khác biệt và đẳng cấp đến như vậy?”. Vậy là anh quyết định “bỏ phố” về quê, chính thức dấn thân vào ngành cà phê với dự án đầu tiên, hoạt động chính mảng sản xuất, rang xay và xuất khẩu. Lấy tên Ritachi, với tâm niệm trân quý cà phê như những viên ngọc (Ritachi trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là viên ngọc quý - PV), ngọc càng mài càng sáng, nếu biết mài giũa sẽ cho ra sản phẩm hoàn hảo. 

Từng bước kiên định tìm đường đi của riêng mình

Dự án đầu được định vị là một thương hiệu cà phê rang xay, cung cấp cà phê nguyên liệu chất lượng cao cho nhóm khách hàng HORECA (HO - Hotel (Khách sạn), RE - Restaurant (Nhà hàng), CA - Catering/ Cafe/ Canteen (Dịch vụ ẩm thực/ Cafe/ Căn tin), cùng các tín đồ yêu cà phê pha chế tại nhà hợp gu chuẩn vị. 

Khoảng 2016 – 2018, Tài cùng cộng sự thành lập nhà máy chế biến cà phê nhân xanh (nguyên liệu) tại Di Linh. khi ấy anh phụ trách cả 2 mảng cà phê rang xay và việc thu mua cà phê nhân từ các đại lý. 

Nhưng công việc vô tình đẩy anh trở thành đối nghịch với người nông dân, tiêu chuẩn thu mua đạt tỷ lệ chất lượng: hạt đen, nâu, sâu vỡ và độ ẩm; hàng xấu, kém chất lượng buộc phải trừ thẳng tay, trong khi hàng đẹp thì cũng không biết làm sao để mua cao hơn cho bà con. 

Anh Tài đang thử hương cà phê. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhưng môi trường với hoạt động thu mua khiến Tài mất dần động lực và rời xa lý tưởng ban đầu. Doanh số mảng thu mua rất cao nhưng lãi trên đồng vốn thì rất thấp, trong khi bà con nông dân thì luôn bị ép giá. Tài hiểu ra doanh nghiệp nhà máy như anh cũng chỉ là một trung gian gia công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại Việt Nam. 

Tháng 4/2017, trong một lần nghiên cứu các kiến thức về cà phê, anh vô tình được dẫn dắt đến cụm từ “Cà phê đặc sản Fine Robusta”, là một loại loại cà phê đặc sản thuộc giống Robusta mang hương vị bản sắc riêng. Đây là một tiêu chuẩn và thị trường ngách trong ngành cà phê, đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. 

Như nhìn thấy “ngọn hải đăng”, Fine Robusta chính là con đường anh đang tìm kiếm. Từ đó, Tài đào sâu vào việc nâng cao giá trị hạt cà phê Robusta Việt Nam, và đây cũng là con đường mà anh giúp cho người nông dân cà phê trên mảnh đất quê hương mình.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn quá mới, khi ấy ngay cả đến tên gọi Fine Robusta người trong ngành còn chưa hiểu rõ, thêm phần về áp lực tài chính, mô hình kinh doanh… Vì thế, dự án không nhận được sự đồng thuận từ các cổ đông.

Năm 2018, bất đồng về định hướng và mục tiêu kinh doanh, Tài chủ động tự nguyện ra đi để nắm lấy vận mệnh cuộc đời mình, dù quyết định ấy không hề dễ dàng. “Giờ nhớ lại những năm tháng  ấy, thật sự rất biết ơn các anh em đã dạy cho Tài những bài học quý mà mình sẽ không bao giờ quên”, anh tâm sự.

Dự án thứ hai - The Coffee Farmer - đã ra đời, hướng đến việc nâng cao đời sống của người nông dân trồng cà phê, liên minh cung ứng các sản phẩm cà phê nguyên liệu chất lượng cao, đi cùng với bảo vệ môi trường bền vững, thông qua đó từng bước khẳng định và nâng cao giá trị gia tăng của hạt cà phê Việt Nam.

Làm những thứ nông dân khó có cơ hội làm được

Tài quyết chí làm lại từ đầu với cách hoàn toàn khác. Anh tập trung trau dồi kiến thức, tham gia các khóa học, trang bị cho mình những nền tảng để khai phát các hương vị tiềm ẩn có trong cà phê. 

“Mình từng len lỏi vào trong những cung đường chưa ai đặt chân đến, nơi có làng dân tộc thiểu số K’Ho chất phác, để tìm hiểu, nghiên cứu cà phê. Hành trình dài, ban đầu mù mịt, nhưng chính cà phê là “ánh sáng” soi đường”, anh tâm sự.

Anh Tài hạnh phúc bên những hạt cà phê chất lượng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vụ mùa 2018, Tài thử nghiệm những mẻ cà phê đầu tiên. Thời gian đầu, anh thực nghiệm trên mảnh vườn 1ha của cha mẹ. Cơ sở chưa có điều kiện đầu tư máy móc, mọi hoạt động làm thủ công 100%. “Những đêm sương lạnh, ngày ra vườn tuyển chọn từng quả cà phê chín mọng, tối về rửa sạch, vớt nổi loại bỏ tạp chất, hạt sâu lép, cho bao ủ lên men, sáng hôm đưa ra phơi, cứ ròng rã như thế hơn 4 tháng trời. Có những ngày mưa bất chợt khiến cho cả mẻ phải đổ bỏ, sang bán cà phê thương mại vì đã bị lên men quá mức”, anh nhớ lại những ngày đầu. 

Một trong những điều kiện bắt buộc để chế biến cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản là phải tuyển chọn cà phê trái chín. Trong bối cảnh nông dân đến vụ thu hoạch ngoài áp lực về thời gian, nhân công, cà phê nếu không thu hái sớm sẽ bị rụng xuống đất gây thất thoát, chưa kể có những vùng phức tạp, có tình trạng hái trộm, nhân công khan hiếm nên bà con phải hái đuột (hái quét 1 lần) bao gồm cả trái xanh, trái chín, về nhà chất đống phơi khô và bán lại cho đại lý.

Anh nhận thấy cần xây dựng mô hình đồng hành, liên kết, chung tay của 3 nhà: nhà nông dân - nhà chế biến - nhà rang xay, từng chủ thể được đặt đúng vai trò, làm tròn và phát huy tốt nhất bổn sự của mình.

Kết quả của một sự liên kết bền vững. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ban đầu, Tài đem những kiến thức và phương pháp kỹ thuật mà mình học về chia sẻ với bà con cùng làm nâng cao giá trị hạt cà phê, nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ, nghi hoặc, dè chừng. Sau khi đã thử nghiệm được thị trường, anh thay đổi cách làm, hướng dẫn từng bước giúp bà con chuyển đổi giống cây trồng giúp cà phê chín hàng loạt, để việc thu hái dễ dàng hơn. 

Anh đưa ra chính sách thu mua cao hơn 50% so với giá thị trường. Trước đại lí thu mua cà phê quả tươi 8,000 đ/kg, thì Tài thu mua 12,000 đ và ổn định trong suốt vụ mùa. Nhờ vậy sang năm thứ hai, thứ ba số lượng các nông hộ liên kết, hưởng ứng tham gia liên minh ngày càng nhiều.

Vươn lên, vững bền trên mảnh đất quê hương

Tài suy nghĩ đây là dòng sản phẩm mới, thị trường ngách, chỉ có những khách hàng khó tính và am hiểu thì mới đánh giá được chất lượng của sản phẩm. Anh lựa chọn tiếp cận thị trường quốc tế trước.

Ngày anh thu hái và chế biến cà phê, đêm về viết blog trên website, thu thập email khách hàng tiềm năng, gửi từng email chào hàng. Sau 6 tháng kiên trì, đã có những thư phản hồi đầu tiên. Giai đoạn đầu, Tài chấp nhận gửi tặng mẫu, miễn phí chi phí vận chuyển cho khách hàng. Và nhận được những nhận xét, đánh giá tâm huyết, chuyên môn. Anh dần điều chỉnh, hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Nụ cười hạnh phúc của người nông dân trồng cà phê. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ban đầu là mẫu thử vài kg, đến đơn hàng vài trăm kg, vài tấn và cao nhất là 1 container (qua Mỹ) ở hiện tại. Các khách hàng chủ yếu đến từ Nhật Bản và Mỹ. Vị thế và chất lượng cà phê Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trên bản đồ cà phê thế giới.

Sau ba năm, Liên minh nông dân chế biến cà phê chất lượng cao của Tài đã có được 2 cơ sở chế biến đặt tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Iagrai (Gia Lai), với hơn 20 nông hộ liên kết. Năm 2021, niềm vui nhân đôi, The Coffee Famer nhận được thư đặt hàng của các khách hàng cũ với số lượng gấp đôi so với vụ mùa trước. Đồng thời nhận được thêm nhiều thư hỏi hàng từ liên minh Châu Âu, Trung Đông, Trung Quốc…

Giấc mơ dù khắc nghiệt, rền rỉ, lắm chông gai. Nhưng với quyết tâm, kiên trì và tình yêu với cây cà phê. Phạm Khắc Tài đã tự viết nên câu chuyện với tương lai đáng tin tưởng cho bản thân và bà con quê hương mình. 

Minh Anh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật