Nhà đầu tư kỳ cựu cảnh báo làn sóng vỡ nợ trên thị trường mới nổi, lặp lại kịch bản khủng hoảng tài chính châu Á 1997

Tỷ lệ vỡ nợ trên các thị trường mới nổi sẽ tăng vọt trong năm tới do chương trình nới lỏng tiền tệ đã được các NHTW duy trì gần 1 thập kỷ qua đi tới hồi kết.

Abdul Kadir Hussain – nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường trái phiếu – đang nhìn thấy những điểm tương đồng đáng lo ngại giữa cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và thực trạng hiện nay của các thị trường mới nổi.

Theo người đứng đầu bộ phận trái phiếu của Arqaam Capital (1 ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Dubai), tỷ lệ vỡ nợ trên các thị trường mới nổi sẽ tăng vọt trong năm tới do chương trình nới lỏng tiền tệ đã được các NHTW duy trì gần 1 thập kỷ qua đi tới hồi kết. Các công ty yếu hơn sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất.

Nắm trong tay lượng tiền mặt dồi dào và ham lợi suất cao, nhiều nhà đầu tư đã háo hức mua trái phiếu trên các thị trường mới nổi – thứ tài sản mà họ có thể sẽ rất e ngại trong điều kiện thị trường bình thường, tạo ra một "cuộc chè chén say sưa" với tỷ lệ vay nợ kỷ lục. Tuy nhiên làn sóng này đang bắt đầu đảo ngược, các nhà đầu tư đang bắt đầu lựa chọn kỹ càng hơn.

"5 năm vừa qua, với thanh khoản khá lỏng lẻo, chúng ta có rất nhiều thương vụ được tài trợ trong khi điều đó sẽ không xảy ra trong 1 thị trường có tính kỷ luật cao hơn", Hussain nói. "Năm 2019 và có thể là 2020, tỷ lệ vỡ nợ ở thị trường mới nổi sẽ tăng lên, đặc biệt là ở những thị trường yếu hơn".

Điều này gợi nhớ đến khủng hoảng tài chính châu Á, khi các công ty vỡ nợ, chết chìm trong hàng tỷ USD nợ sau khi một loạt đồng tiền châu Á sụp đổ vì Thái Lan phá giá đồng baht. Trước đó các công ty đã ồ ạt vay nợ bằng đồng USD để tận dụng mức lãi suất thấp, trong khi doanh thu của họ phần lớn là bằng đồng nội tệ.

Hussain đã chứng kiến cuộc khủng hoảng đó từ đầu đến cuối. Năm 1997, ông chuyển từ Mỹ sang Singapore để gia nhập Peregrine Investments Holdings, giữ chức trưởng bộ phận nghiên cứu tín dụng kh vực Đông Nam Á. Hussain phải dành phần lớn thời gian để tái cấu trúc khoản vay 269 triệu USD mà ngân hàng đã giải ngân cho PT Steady Safe, 1 công ty taxi có trụ sở ở Jakarta. Công ty này đã không thể hoàn trả số tiền cho Peregrine khi đồng rupiah đổ sụp, khiến ngân hàng phải đóng cửa năm 1998 và được BNP Paribas mua lại.

"Dường như mọi người đã quên mất quá khứ", Hussain – người sau đó đã trở thành lãnh đạo ở Credit Suisse trước khi chuyển tới Dubai năm 2006 – nói.

Kể từ đầu năm đến nay, chính phủ và doanh nghiệp ở các quốc gia đang phát triển đã bán ra tổng cộng 1.100 tỷ USD trái phiếu. Năm 2017 số vốn họ huy động được qua kênh này chạm mốc kỷ lục 2.000 tỷ USD. Vì Mỹ, Nhật Bản và châu Âu liên tục giữ lãi suất ở mức gần 0 để hồi phục nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2008, các nhà đầu tư đã đổ xô đến các thị trường mới nổi để tìm kiếm mức lợi suất cao hơn.

Theo Hussain, các công ty ở Trung Quốc và châu Mỹ Latinh sẽ dẫn đầu làn sóng vỡ nợ. Các cuộc khủng hoảng ở Indonesia, Nga và Argentina đã dẫn đến tỷ lệ vỡ nợ kỷ lục ở các nước đang phát triển trong giai đoạn 1999 – 2003.

Báo cáo của Moody’s hồi tháng 3 cho thấy tỷ lệ vỡ nợ trung bình tại các thị trường mới nổi trong thời kỳ này là 8,9%. Báo cáo cũng cho biết tiền tệ biến động mạnh thường là một trong những yếu tố châm ngòi cho làn sóng vỡ nợ ở các thị trường mới nổi.

 Xu hướng giảm giá của các đồng tiền mới nổi trong thời gian gần đây khiến chi phí tài trợ nợ nước ngoài của các nước đang phát triển tăng lên. Chỉ số MSCI Emerging Markets Currency Index đã giảm gần 4% kể từ đầu năm đến nay do triển vọng Mỹ tăng lãi suất khiến USD tăng giá và nguy cơ chiến tranh thương mại làm giảm nhu cầu về tài sản rủi ro.

"Khi thanh khoản bị rút khỏi thị trường và nguồn vốn trở nên đắt đỏ hơn, bạn sẽ nhìn thấy sự đối lập rõ ràng. Kẻ yếu thì càng yếu hơn và kẻ mạnh thì càng mạnh lên", Hussain nói.

Theo: Trí thức trẻ/Bloomberg


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật