Nhà sáng lập 'Xúc xích Đức Việt' kể chuyện khởi nghiệp: Một nhà toán học và một người thợ cửa nhựa gây dựng thành công thương hiệu xúc xích top 3 thị trường, sau này bán lại thu về hàng triệu USD

Đến nay, dù đã thuộc về nhà đầu tư Hàn Quốc nhưng xúc xích Đức Việt vẫn luôn là niềm tự hào của Tiến sĩ Mai Huy Tân nói riêng và nhiều người Việt Nam nói chung.

Khởi nghiệp ở độ tuổi nhiều người đã nghỉ hưu, lại trong lĩnh vực hoàn toàn "tay ngang" nhưng Tiến sĩ toán học Mai Huy Tân vẫn thành công vượt ngoài mong đợi.

Trong một cuộc trò chuyện thuộc chuỗi sự kiện "Cafe Quản trị" tổ chức gần đây, Tiến sĩ Tân đã dành hơn 3 tiếng đồng hồ để nói về chặng đường của mình, từ khi còn học tiến sĩ Toán tại Đức, cho tới sau này về Việt Nam làm trong nhà nước cũng như làm thuê cho các doanh nghiệp Đức.

Quá trình 30 năm làm việc, tích lũy tiền bạc, kiến thức và kinh nghiệm thôi thúc ông nghĩ đến chuyện tự đứng ra làm chủ. Ban đầu, ông cùng một người bạn Đức hợp tác làm cửa nhựa nhưng sản phẩm quá mới, thị trường không đón nhận nên chỉ 1 năm là thất bại. Vì vậy họ buộc phải tính đến chuyện kinh doanh sản phẩm khác.

"Ông bạn tôi bảo ‘người Đức có câu: Cuộc đời ai cũng phải ăn, phải uống và phải chết’. Tôi với ông ấy không thể làm dịch vụ đám ma, còn bia thì ở Việt Nam nhiều người bán rồi, nên thôi chuyển sang làm xúc xích, vì nhiều người Việt Nam ngày ấy đi Đức về rất thích ăn xúc xích vùng Thuringen", Tiến sĩ Tân nhớ lại khởi nguồn đầy ngẫu hứng của thương hiệu xúc xích Đức Việt.

"Tôi mới hỏi lại ông bạn tôi rằng đang làm cửa nhựa thì sao làm được xúc xích. Nhưng ông ấy bảo đừng lo vì quê ông ấy cũng ở Thurigen, lại có bạn hàng xóm là thợ xúc xích. Vậy là chúng tôi hai con người tay ngang, một ông tiến sĩ toán, một ông chuyên cửa nhựa, cùng nhau bàn về lĩnh vực mình chưa bao giờ động tới là xúc xích".

Nhà sáng lập Xúc xích Đức Việt kể chuyện khởi nghiệp: Một nhà toán học và một người thợ cửa nhựa gây dựng thành công thương hiệu xúc xích top 3 thị trường, sau này bán lại thu về hàng triệu USD - Ảnh 1.

Tiến sĩ Mai Huy Tân, "cha đẻ" thương hiệu xúc xích Đức Việt.

Nghĩ là làm, người bạn Đức gọi về bên kia hỏi các loại máy móc cần chuẩn bị cũng như công thức làm xúc xích, các nguyên liệu và định lượng đi kèm. Còn ông Tân đứng ra tính toán số liệu tài chính, lên kế hoạch cụ thể xem 1 kg xúc xích sẽ tốn chi phí bao nhiêu, làm ra thì bán cho ai và bán mức giá nào.

Theo ông ước tính, khoảng năm 2000, xúc xích tươi sản xuất ra giá 35.000/kg, khi phân phối trong siêu thị là 50.000/kg. Với mức đầu tư ban đầu chỉ 100.000 USD, mỗi năm sản xuất 20 tấn thì sau 2 năm họ sẽ thu hồi vốn.

Bản kế hoạch nhanh chóng được thông qua. Người bạn bay về Đức mua sắm thiết bị, máy móc còn ông Tân ở lại cải tạo một mặt bằng cũ trong khu vực Thanh Xuân (Hà Nội) làm nhà xưởng. Dù chỉ rộng 200m2 nhưng ông tiết lộ xưởng sản xuất đầu tiên của Đức Việt được trang bị công nghệ hiện đại, sạch sẽ theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh của Đức.

Trước ngày đưa vào khai thác, hai người bạn còn bỏ tiền mua vé máy bay để mời ông "chuyên gia hàng xóm" sang hướng dẫn nhân công Việt Nam từ bước đầu tiên là thái thịt cho đến bước cuối cùng để ra thành phẩm.

"Từ khi động thổ đến lúc cho ra mẻ xúc xích đầu tiên, chúng tôi mất 8 tuần, kỷ lục mà ngay cả người Đức lúc ấy còn không có", Tiến sĩ Tân chia sẻ đầy tự hào.

Thương vụ M&A lịch sử

Năm 2000, những mẻ xúc xích nướng đầu tiên của Đức Việt xuất xưởng, trở thành sản phẩm gợi nhớ kỷ niệm của những người đã từng học tập, lao động tại nước Đức. Ông Tân khi ấy đã 52 tuổi.

Liền sau đó, Đức Việt liên tục tăng trưởng hơn 100% mỗi năm. Từ nhóm người tiêu dùng đặc biệt ban đầu, xúc xích Đức Việt dần len lỏi vào từng gia đình, trở thành món ngon không thể thiếu trong các dịp tụ họp. Năm 2010, Công ty CP Thực phẩm Đức Việt đã trở thành một trong 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất, tạo thành thế chân kiềng vững chắc tại thị trường nội địa bên cạnh Vissan và CP.

Nhà sáng lập Xúc xích Đức Việt kể chuyện khởi nghiệp: Một nhà toán học và một người thợ cửa nhựa gây dựng thành công thương hiệu xúc xích top 3 thị trường, sau này bán lại thu về hàng triệu USD - Ảnh 2.
 
Nhưng ngay lúc Đức Việt lên đến đỉnh cao, thì tiến sĩ Mai Huy Tân cùng cộng sự tính đến chuyện bán công ty cho người khác.

"Chúng tôi nghĩ trước kia chỉ ở ao nhà nhưng giờ ra biển lớn, thuyền to thì sóng cả. Vào top 3 thị trường, chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ phía Vissan của nhà nước, cũng như CP, đơn vị đã rót tới hơn 1 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Số vốn của chúng tôi chỉ là 130 tỷ đồng, khoảng 5 triệu USD nên so ra là muỗi thôi".

"Chúng tôi nhận định trong 10 năm tới sẽ khó giữ được vị trí top 3 vì nguồn lực tài chính yếu, và tự nhận cũng không chuyên nghiệp vì toàn dân amateur. Vậy nên chúng tôi bàn nhau tạm lên đến đỉnh rồi thì hãy thoái vốn khỏi lĩnh vực này", ông Tân lý giải cho quyết định đầy bất ngờ của mình.

Vậy là giai đoạn 2011 trở đi, xúc xích Đức Việt bắt đầu tìm kiếm các đối tác để tiến hành M&A. Dù được nhiều nhà đầu tư nội lẫn ngoại để mắt tới nhưng cuối cùng, vào năm 2016, Đức Việt về tay tập đoàn Daesang của Hàn Quốc, chủ sở hữu thương hiệu Miwon. Thương vụ này đã thực sự làm dậy sóng thị trường thực phẩm tiêu dùng Việt Nam khi có giá trị lên tới 32 triệu USD cho 99,99% cổ phần, tương đương 720 tỷ đồng thời giá lúc bấy giờ.

"Người ta bảo tôi với 5 triệu USD là họ hoàn toàn xây dựng được nhà máy mới chứ không phải mua lại các dây chuyền cũ đang sử dụng. Nhưng phần vênh ra chính là giá thị thương hiệu, giá trị hệ thống phân phối và con người mà chúng tôi gây dựng. Người Hàn Quốc đánh giá rất cao điều này".

Đến nay, sau 3 năm về tay tập đoàn Daesang, xúc xích Đức Việt vẫn tiếp tục là cái tên khiến nhiều đối thủ e dè trên thị trưởng xúc xích, đặc biệt là xúc xích tươi. Dù thuộc về chủ mới nhưng tên công ty, thương hiệu thành phẩm và hàng trăm công nhân đang sản xuất vẫn được giữ lại từ di sản của nhà sáng lập đã gây dựng.

Về phần các cổ đông, sau khi thoái vốn trong vui vẻ, có những người đã lui về nghỉ ngơi, có người tiếp tục nghiệp kinh doanh, nhưng riêng Tiến sĩ Mai Huy Tân lại chuyển sang lĩnh vực mới. Ông tiết lộ đã thành lập công ty trong lĩnh vực môi trường, cung cấp giải pháp tư vấn liên quan đến xử lý rác thải và năng lượng tái tạo. Ông cũng không có ý định quay lại với sự nghiệp sản xuất xúc xích nữa, vì "làm thế đủ rồi".

Hồng Lam

Theo: Trí Thức Trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật