Những phân khúc bất động sản "ngược dòng" thị trường
Đất nền ven đô 1 tỷ vẫn có giao dịch
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 khiến thị trường tiếp tục lao đao. Thị trường khách sạn, nghỉ dưỡng đóng băng, cao cấp gặp khó về đầu ra. Tuy nhiên, đáng chú ý, trừ thời điểm giãn cách xã hội hiện tại khiến các hoạt động mua bán trên thị trường bất động sản gần như đóng băng, thì trước đó, dù dịch bệnh vẫn hoành hành nhưng phân khúc đất nền ven đô dưới 1 tỷ đồng vẫn ghi nhận giao dịch khá tốt
Theo khảo sát của phóng viên, những mảng đất có diện tích 30-50m2 ở các huyện ven, cách trung tâm Hà Nội 15-20km vẫn thu hút mối quan tâm của người mua ở thực và cả giới đầu tư. Đơn cử, đất tại xã Lại Yên (Hoài Đức) có giá 23-30 triệu đồng/m2, các thôn Phương Quan, Mộc Hoàn thuộc xã Vân Canh (Hoài Đức) đang có mức giá dao động từ 17-23 triệu đồng/m2, các thôn La Tinh, Đông Lao xã Đông La (Hoài Đức) được chào bán ở mức 25-28 triệu đồng/m2. Như vậy, tổng giá trị của mảnh đất chỉ trên dưới 1 tỷ đồng.
Tại quận Hà Đông, các khu vực xa xôi, cách hồ Hoàn Kiếm tầm 20km như Đồng Mai, Yên Nghĩa vẫn ghi nhận mức giá còn khá mềm so với nội đô Hà Nội, dao động từ 15-25 triệu đồng/m2. Các mảnh đất thường có diện tích 30-40m2 nên chỉ với chưa đầy 1 tỷ đồng đã có thể sở hữu đất. Nếu mua đất đã có sẵn nhà, số tiền người mua bỏ ra cũng chỉ khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng/căn. Tại huyện Đông Anh, đất dưới 1 tỷ có thể tìm mua ở Quan Âm, Mỹ Nội (xã Bắc Hồng), Viên Nội (Mỹ Nội) nơi mà mỗi m2 đang được rao với giá 16-18 triệu đồng/m2, diện tích 40-60m2; đất tại Vân Nội, Xuân Nội được chào giá 15-18 triệu đồng/m2, diện tích 50-60m2.
Khu vực Đông Anh còn nhiều quỹ đất với mức giá dao động khoảng 1 tỷ/lô.
Theo khảo sát của phóng viên, người có nhu cầu ở thực là khách hàng của phân khúc này. Khi giá đất nội đô khan hiếm và ngày càng đắt đỏ thì dạt về vùng ven mua đất cất nhà là lựa chọn khả dĩ nhất của họ. Chị Mỹ Liên, nhân viên văn phòng tại cầu Giấy cho biết vợ chồng chị mới xuống tiền với một mảnh đất 30m2 tại Đông La (Hoài Đức) với giá hơn 800 triệu đồng. Trước đó, hai vợ chồng dự tính mua chung cư ở Hà Đông, Nam Từ Liêm nhưng các dự án đang mở bán giá đều dao động 1,9-2,2 tỷ/căn 2 ngủ 2 vệ sinh, vượt khả năng tài chính của 2 vợ chồng nên sau khi cân nhắc hai vợ chồng quyết định mua đất ở xa trung tâm. Trước mắt, vợ chồng chị sẽ dựng tạm 1 căn nhà cấp 4 để ở, khi có điều kiện sẽ tính tiếp sau.
Chung cư giá rẻ vẫn hút người mua
Không chỉ đất nền giá rẻ mà chung cư giá rẻ cũng ghi nhận giao dịch tốt trong thời điểm dịch bệnh. Đáng nói, phần lớn giao dịch diễn ra trên thị trường thứ cấp ở các dự án đã đi vào sử dụng nhiều năm như Gemek Tower, Thăng Long Victory, khu đô thị Thanh Hà, Xa La, Đại Thanh, khu nhà ở Bộ tư lệnh Thủ đô, khu đô thị Xa La, HH Linh Đàm… Mức giá chào bán tại các dự án này khá mềm, dao động với khoảng giá phổ biến từ 13-20 triệu đồng/m2. Theo các môi giới chuyên bán phân khúc này, hộ vẫn đều đặn có giao dịch trong các tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chung cư giá rẻ đang có giá mùa dịch.
Trên thực tế, chung cư giá rẻ đang vô cùng khan hiếm trong những năm gần đây. Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam 2 quý đầu năm tiếp tục thừa nhận thực trạng trên. Theo đó, Hà Nội không có nhiều dự án mới được đầu tư phê duyệt ở giai đoạn này. Căn hộ vẫn đóng vai trò chủ đạo của thị trường nhà ở với sự áp đảo của sản phẩm trung và cao cấp. Căn hộ bình dân, giá thấp ngày càng chiếm tỉ trọng thấp. Bộ Xây dựng cũng thừa nhận thực trạng trên khi một số dự án giá rẻ trước đây có mức giá khoảng trên dưới 20 triệu đồng/m2 thì này đã tăng lên khoảng trên dưới 25 triệu đồng/m2
Chính bởi mức giá rẻ mà các dự án dù đã cũ kĩ vẫn nhận được sự quan tâm của người mua và có lượng giao dịch nhất định trong bối cảnh dịch bệnh. Chị Nguyễn Lan Hoa, một môi giới chuyên bán nhà giá rẻ cho biết, nguồn cung khan hiếm nhưng nguồn cầu liên tục tăng lên qua các năm và giá nhà cũng liên tục thiết lập mặt bằng giá mới khiến nhà giá rẻ dù xa trung tâm, thậm chí pháp lý chưa hoàn thiện nhưng vẫn thu hút khách hàng. Dù dịch bệnh phức tạp nhưng phân khúc nhà giá rẻ vẫn luôn có giao dịch đều đặn bởi nhu cầu ở thực luôn hiện hữu.
Theo Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Nhiều thương vụ M&A giá trị lớn trong 6 tháng đầu năm
- Tương lai bất động sản hàng hiệu Việt Nam sẽ tiến vào đô thị
- Động lực nào giúp thị trường bất động sản bật tăng trở lại, bấp chấp Covid-19?
- Thị trường ngày 24/7: Giá dầu tiếp tục tăng, vàng giảm, khí tự nhiên cao nhất 6 tháng, quặng sắt có tuần tồi tệ nhất trong 17 tháng
- Thị trường đất nền trầm lắng, giá quay đầu giảm
- Thị trường bất động sản năm 2022 sẽ diễn biến thế nào?
- Nửa cuối năm 2021, đầu tư vào đâu để sinh lời hiệu quả và an toàn
- Sức hút lớn của bất động sản Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản
- Hai kịch bản thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm
- Giá bất động sản "cận lộ kế metro" leo thang như thế nào?