Tương lai bất động sản hàng hiệu Việt Nam sẽ tiến vào đô thị
Kết quả nghiên cứu mới của Savills cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm 10 thị trường bất động sản hàng hiệu phát triển nhanh thế giới. Nguồn cung bất động sản hàng hiệu tại đây tăng bình quân 11% từ năm 2017. Đến quý I/2021, Việt Nam đã có 24 dự án bất động sản hàng hiệu với hơn 2.200 căn hộ, tập trung chủ yếu tại các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, bất động sản là lĩnh vực ít chịu tác động từ đại dịch COVID-19 và lượng khách mua bất động sản dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới. Riêng đối với bất động sản hàng hiệu, ngoài các thị trường dẫn đầu thế giới như Dubai, Miami, và New York, nhiều thị trường đang phát triển rất nhanh về số lượng dự án như Anh, Ai Cập, Malaysia, Úc, Morocco, và Việt Nam cũng đang được liệt kê trong nhóm này.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cũng cho rằng nhu cầu mua bất động sản hàng hiệu của người Việt còn khá lớn. Hơn nữa giá bán của loại hình bất động sản này tại Việt Nam còn khá rẻ so với các nước trong khu vực.
Lợi suất hấp dẫn cũng là một trong những yếu tố thu hút giới nhà giàu Việt mua căn hộ hàng hiệu. Có đến 65% người mua căn hộ với mục đích đầu tư dài hạn, ông Troy dẫn chứng. Hơn nữa, bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam được dự báo sẽ hút khách trong thời gian tới vì nguồn cung còn khá hạn chế trong khi nhu cầu ngày càng tăng.
Việt Nam – TOP 3 châu Á về số dự án mới
Theo khảo sát của C9 Hotelworks, châu Á đang chiếm đến 23% số dự án bất động sản hàng hiệu đang hình thành trên toàn cầu. Thái Lan dẫn đầu châu lục với 30 dự án và Việt Nam đang là thị trường lớn thứ 3.
Dù đã chính thức xuất hiện ở Việt Nam cách đây nhiều năm nhưng loại hình căn hộ cao cấp được phát triển dưới sự hợp tác của một nhà phát triển bất động sản uy tín và một thương hiệu khách sạn danh tiếng mới được chú ý trong nửa đầu năm 2021, khi Masterise Homes tung ra thị trường dự án bất động sản hàng hiệu trong đô thị ở Việt Nam – dự án Grand Marina, Saigon.
Nhà ở có thương hiệu "di cư" vào đô thị
Trong khi Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường bất động sản hàng hiệu phát triển nhanh hàng đầu thế giới, các dự án được ghi nhận chủ yếu nằm tại các địa phương nghỉ dưỡng ven biển như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang. Sự xuất hiện của dự án Grand Marina, Saigon ở TP.HCM đang dần đưa Việt Nam bắt nhịp với xu hướng dịch chuyển của bất động sản hàng hiệu vào đô thị trên thế giới.
"Khi nói đến bất động sản hàng hiệu, đa phần người ta nghĩ đến các bất động sản tại các khu nghỉ dưỡng, nhưng thực tế có hơn 60% dự án bất động sản hàng hiệu trên thế giới tập trung tại các thành phố lớn," ông Matthew Powell cho biết. Xu hướng này sẽ trở nên rõ nét hơn trong vài năm tới khi loại hình bất động sản này chứng tỏ chất lượng vượt trội, sang trọng và dịch vụ được kiểm chứng bởi các thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới.
Theo ông Powell, phần đông khách hàng Việt Nam sẽ không đủ khả năng mua căn hộ có thương hiệu vì giá của loại hình bất động sản cao cấp này khá cao. Tuy vậy, khi so sánh với các nước trên thế giới, giá căn hộ hàng hiệu ở Việt Nam thật sự rất cạnh tranh.
Xu hướng dịch chuyển vào đô thị của các dự án nhà ở có thương hiệu được kỳ vọng sẽ tiếp tục tại Việt Nam, đặc biệt các dự án có vị trí đẹp tại các thành phố lớn. Bên cạnh Grand Marina, Saigon, dự án The Grand Hanoi tại góc ngã tư Hàng Bài – Hai Bà Trưng và dự án One Central Saigon đối diện chợ Bến Thành, Quận 1, TP.HCM là những minh chứng rõ nét cho xu hướng di chuyển vào đô thị của bất động sản hàng hiệu.
Theo tìm hiểu, những dự án mới này sẽ đánh dấu sự gia nhập của một thương hiệu quốc tế cao cấp khác vào Việt Nam, minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của phân khúc bất động sản hàng hiệu nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của mô hình này tại Việt Nam cũng cho thấy niềm tin của các thương hiệu quốc tế vào sự phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch.
Dự án nhà ở với thương hiệu đã chứng tỏ sức hấp dẫn đối với nhà giàu Việt, bởi đây là một minh chứng của thành công cá nhân. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các dự án bất động sản hàng hiệu ngày càng tăng, một phần do sự yêu thích thương hiệu vốn có. Đây sẽ là những động lực tiếp tục thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ của bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam trong tương lai.
Theo Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Động lực nào giúp thị trường bất động sản bật tăng trở lại, bấp chấp Covid-19?
- Thị trường ngày 24/7: Giá dầu tiếp tục tăng, vàng giảm, khí tự nhiên cao nhất 6 tháng, quặng sắt có tuần tồi tệ nhất trong 17 tháng
- Thị trường đất nền trầm lắng, giá quay đầu giảm
- Thị trường bất động sản năm 2022 sẽ diễn biến thế nào?
- Nửa cuối năm 2021, đầu tư vào đâu để sinh lời hiệu quả và an toàn
- Sức hút lớn của bất động sản Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản
- Hai kịch bản thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm
- Giá bất động sản "cận lộ kế metro" leo thang như thế nào?
- Sốt đất "xì hơi", nhà đầu tư "bỏ cọc chạy lấy người"
- Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm?