Quản lý hộ kinh doanh bằng luật: Cần thận trọng

Hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ cần được điều chỉnh bởi luật, không thể quy định bằng nghị định. Về lâu dài, cần xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh, nhưng trước mắt nên được điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp.

Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến và sự quan tâm của dư luận tập trung vào việc thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh (HKD) là một hình thức kinh doanh, thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp 2014

Khoản 2, Điều 212, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về HKD và giao Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký và hoạt động đối với loại hình kinh doanh này. Dựa trên điều khoản ấy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có một chương quy định về đăng ký HKD. 

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), HKD là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ cần được điều chỉnh bởi luật, không thể quy định bằng nghị định. Về lâu dài cần xây dựng một luật riêng về HKD, nhưng trước mắt nên được điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp.  

“Nội dung quy định về HKD trong Dự thảo Luật đã được tham vấn nhiều lần và đánh giá tác động kỹ lưỡng”, ông Hiếu cho biết. Việc bổ sung quy định về HKD không phát sinh tiêu cực đến hoạt động của HKD hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. HKD đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp. Ngược lại, các quy định về HKD trong Dự án Luật sẽ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của chính HKD và bên có liên quan; thúc đẩy HKD phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế, đồng thời góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng”. 

Khu vực HKD mặc dù có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, nhất là trong giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng so với tiềm năng thì còn hạn chế và chưa tương xứng với quy mô. Ví dụ, năm 2017, tuy khu vực này chiếm tới gần 30% GDP nhưng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 1,56% trong tổng thu ngân sách nhà nước, năm 2014 là 2% của tổng nguồn thu nội địa, mức 12.362 tỷ đồng - theo số liệu của Bộ Tài chính.

Quy mô vốn bình quân và giá trị tài sản cố định bình quân của một HKD có xu hướng tăng qua các năm. Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2007-2015, quy mô vốn bình quân tăng 16,5%/năm, từ 59,3 triệu đồng/hộ năm 2007 lên 150,61 triệu đồng/hộ năm 2015. Trong khi đó, vốn bình quân một doanh nghiệp ngoài nhà nước giai đoạn này đạt khoảng từ 26,6 - 51,6 tỷ đồng. Tổng số lượng HKD liên tục tăng qua các năm, với trên 5,14 triệu hộ, số lao động từ trên 7,4 triệu người năm 2010 tăng lên gần 8,6 triệu người năm 2017. Tuy nhiên, tỷ trọng hộ có đăng ký kinh doanh vẫn khá thấp trong tổng số HKD đang hoạt động, năm 2017 chỉ có trên 29% số HKD phi nông nghiệp có địa điểm hoạt động ổn định, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, càng thấp hơn đáng kể ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với chỉ trên 17% có giấy đăng ký kinh doanh.

Dự thảo Luật Doanh Nghiệp sửa đổi quy đình về HKD tại Chương Vlla, có ba nhóm ý kiến:

Thứ nhất, đồng tình với bổ sung quy định về HKD trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp, cần ban hành một nghị định hoặc luật riêng về HKD.

Thứ hai, xem xét lại tên gọi của luật Doanh nghiệp nếu bổ sung quy định về HKD

Theo ông Fushihara Hirota - chuyên gia pháp lý Công ty Uryu & Itoga Việt Nam, pháp luật hiện hành của Việt Nam quy định, pháp nhân kinh doanh là công ty, hộ gia đình kinh doanh là HKD và cá nhân kinh doanh là HKD cá thể. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đều xác định, một pháp nhân kinh doanh là công ty, một cá nhân kinh doanh là cá nhân kinh doanh hoặc doanh nghiệp một chủ. Việc tách biệt rõ ràng hai chủ thể này là phù hợp với thông lệ quốc tế. 

 Ông Fushihara Hirota - chuyên gia pháp lý Công ty Uryu & Itoga Việt Nam cho biết, tại Nhật Bản, cá nhân kinh doanh được điều chỉnh bởi luật dân sự, còn pháp nhân kinh doanh được điều chỉnh bởi luật công ty. Luật pháp nước Nhật không bắt buộc kinh doanh cá nhân phải đăng ký kinh doanh. Họ được tự do kinh doanh nhưng phải thông báo với cục thuế. Cục thuế căn cứ vào sổ sách kế toán để đưa ra mức thuế phù hợp. 

Không khó để nhận ra việc các nhà soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang nỗ lực chính thức hóa HKD cá thể. Nhưng theo ông Lê Duy Bình, Công ty Economica Vietnam, Bộ Luật Dân sự năm 2015 không còn quy định về HKD, cũng không còn ghi nhận HKD là một chủ thể trong giao dịch dân sự. Trong các quy định, các đối tượng không phải là pháp nhân, như HKD sẽ không đủ tư cách chủ thể để tham gia các giao dịch dân sự, chẳng hạn vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Ông Bình cho rằng, việc quy định thêm một loại hình doanh nghiệp nữa là HKD cá thể sẽ là một thách thức đối với quá trình thực thi luật và chính các HKD. Do đó, việc chính thức hóa HKD cá thể cần tạo thêm sự lựa chọn cho các HKD cá thể, thay vì chỉ quan tâm đến sự chuyển đổi thành công ty hoặc doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. 

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật