Sàn TMĐT Vỏ Sò của Viettel Post mở rộng hoạt động xuyên biên giới, chở vải thiều Việt Nam đến tận nhà người tiêu dùng châu Âu
Đây là lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU qua mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng của chính Việt Nam, do người Việt Nam vận hành và phát triển.
Để có thể vận hành luồng hàng TMĐT xuyên biên giới, sàn Vỏ Sò đã bắt tay vào việc xây dựng gian hàng Vỏ Sò Global từ tháng 03/2021. Gian hàng Vỏ Sò Global là nơi để người tiêu dùng tại nước ngoài, đặc biệt là Kiều bào Việt Nam có thể tìm mua các sản phẩm chất lượng của nước nhà.
Vụ vải thiều tại Bắc Giang năm nay, ngoài việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, Vỏ Sò cũng đưa đặc sản này lên gian hàng quốc tế Vỏ Sò Global, giúp người tiêu dùng các nước được thưởng thức quả vải Việt Nam đạt chuẩn xuất khẩu một cách thuận tiện và dễ dàng nhất hoạt động TMĐT.
Sau khi người tiêu dùng đặt hàng trên Vỏ Sò Global, sàn TMĐT này sẽ thực hiện gom đơn, vải thiều sẽ được thu hoạch tại Việt Nam và vận chuyển bằng đường hàng không sang Đức, thông qua các đối tác vận tải của Viettel Post tại Đức để giao tới tận nhà người tiêu dùng châu Âu.
Chị Lan Anh (Berlin, Đức) chia sẻ: "Trước đây, để mua vải tươi, tôi đã phải tìm tới rất nhiều siêu thị châu Á khác nhau. Những trái vải được bán ở siêu thị thường có hai vấn đề: Một là không rõ xuất xứ có phải tại Việt Nam hay không; Hai là quả vải bị khô, không đúng hương vị vải mà tôi đã từng được thưởng thức ở quê hương mình. Nay tôi có thể đặt hàng trên sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò, và nhận được hộp vải tươi tại nhà chỉ sau 4-5 ngày, không mất công đi siêu thị mà giá thì rất hợp lý."
Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP, đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và Châu Âu, và được truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng qua ứng dụng được cung cấp bởi iCheck.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá: "Nước ta đã xuất khẩu trái cây, nông sản sang thị trường các quốc gia châu Âu, châu Á... rất nhiều, trong đó xuất khẩu qua thương mại điện tử đều thông qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon. Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo hình thức TMĐT xuyên biên giới của Vỏ Sò là dấu mốc đặc biệt, có thể coi đây là một bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu".
Để thông luồng xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp cùng sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò, cùng các Bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin & Truyền thông hỗ trợ hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm dịch và kiểm định chất lượng cho hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của nước sở tại.
Bên cạnh đó, việc quả vải Việt Nam là loại đặc sản có tính chất mùa vụ với thời gian thu hoạch và tiêu dùng rất ngắn, khó vận chuyển và bảo quản cũng là bài toán khó cho chuỗi Logistics quốc tế của Viettel Post, bởi chỉ cần chậm trễ trong một khâu nào đó là sẽ ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sản phẩm ở đầu người tiêu dùng. Để giải quyết những khó khăn kể trên, Vỏ Sò đã tận dụng hệ thống logistics thông minh của Viettel Post để đưa ra phương án tối ưu về thủ tục, thời gian di chuyển và chi phí.
Ông Trần Trung Hưng, CEO Viettel Post cho biết: "Việc tham gia TMĐT xuyên biên giới đã được Vỏ Sò lên kế hoạch từ lâu, và giờ chính là thời điểm ra mắt thuận lợi nhất. Vỏ Sò với sứ mệnh trở thành sàn đặc sản hàng đầu Việt Nam, sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều nông sản lên sàn thương mại điện tử nhưng không chỉ là phục vụ người tiêu dùng trong nước, mà cho cả bà con kiều bào cũng có cơ hội được thưởng thức những món ăn đậm hương vị quê hương, góp phần nâng tầm nông sản Việt."
Với thành công của sản phẩm mở đường là vải thiều Bắc Giang, trong thời gian tới Vỏ Sò sẽ tiếp tục triển khai xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng khác ra thị trường thế giới, mục tiêu không chỉ là nông sản địa phương mà còn là các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như thủ công mỹ nghệ, hay các sản phẩm nông thủy sản khác.
TIN CŨ HƠN
- Thị trường thanh toán điện tử tiếp tục sôi động với nhiều “tân binh” mới
- CEO Chozoi: “Chúng tôi là biến số mới trong lĩnh vực TMĐT”
- Lazada hợp tác cùng chuỗi siêu thị Vinmart và startup FoodMap bán vải thiều Bắc Giang online
- Doanh thu bùng nổ, loạt "đại gia" công nghệ mới nổi Trung Quốc vẫn thua lỗ triền miên
- Lần đầu tiên Big C kích cầu bán vải trên TMĐT, bắt tay Tiki, GrabMart, Baemin, kỳ vọng bán 100 tấn vải hỗ trợ Bắc Giang
- Thương mại điện tử nhộn nhịp giữa mùa dịch
- Mua hàng Tiki, Lazada, Shopee tăng cao mùa dịch
- Đây là cách để "chị em" đẩy thương mại điện tử Đông Nam Á cán mốc 260 tỷ USD vào năm 2030
- Thương mại điện tử: Cuộc chiến mới trong lĩnh vực hàng thiết yếu
- Vụt mất cơ hội tại Shark Tank, thương hiệu Việt lại làm nên chuyện tại sàn TMĐT