Shark Thủy: Tôi không ngại “xuống tiền” nếu gặp startup tiềm năng

Chương trình truyền hình thực tế Shark Tank mùa 2 đi qua nửa chặng đường với những pha “đấu trí” kịch tính giữa startups và “sharks”.

Mới đây đã có những chia sẻ từ một trong những nhà đầu tư ấn tượng sắp trở lại “ghế nóng”, đồng thời cũng là một trong những người đồng hành cùng Shark Tank mùa 2 – ông Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch HĐQT kiêm Người sáng lập Công ty CP Tập đoàn Egroup - Tổng giám đốc Công ty CP Anh ngữ Apax.

Shark Thủy: Tôi không ngại “xuống tiền” nếu gặp startup tiềm năng
 
Khởi nghiệp từ năm 17 tuổi – và hiện đã có một sự nghiệp đáng nể. Đó là trường hợp của ông nói riêng cũng như rất nhiều startups tên tuổi khác. Câu hỏi là dưới góc nhìn của một nhà đầu tư tại Shark Tank, khởi nghiệp thành công liệu có cần bằng cấp?

Để thành công đương nhiên bạn phải là người có tri thức. Tất nhiên bạn phải nhìn tri thức theo hàm ý rộng. Đó không đơn giản là kiến thức lĩnh hội từ môi trường giáo dục chính quy mà còn là tri thức từ rất nhiều con đường khác, phản chiếu qua tấm gương của những trải nghiệm cuộc sống, những va vấp - đúc kết trên thương trường.

Và tất nhiên không thể thiếu phần lĩnh hội từ những người thành công đi trước. Sự học là suốt đời. Thế nên, nếu nhìn nhận phiến diện theo kiểu thấy ai đó thành công mà chưa có bằng cấp rồi bảo rằng không cần tri thức thì không đúng. Ngược lại, nếu thỏa mãn với bằng cấp và nghĩ rằng đương nhiên thành công sẽ tới thì đó quả là sai lầm lớn.

Thêm nữa, sách luôn là người bạn đồng hành quan trọng của tôi, giúp tôi không ngừng bổ khuyết tri thức cho bản thân và cho con đường sự nghiệp. Do đó, muốn thành công đương nhiên không thể không đọc sách.

Shark Thủy: Tôi không ngại “xuống tiền” nếu gặp startup tiềm năng - Ảnh 1.
 
Trở lại với Shark Tank, một khi “sắm” vai shark cũng có nghĩa là ông sẽ startup một lần nữa với những ý tưởng mới, cộng sự mới và mô hình kinh doanh đã thực sự vận hành. Điều này có thực sự “dễ chịu” hơn khi ta khởi nghiệp một mình, nếu nhìn từ câu chuyện startup của Egroup?

Khi là nhà đầu tư, đúng là tôi sẽ có phần “thong thả” hơn. Tôi có thể sắm “vai” là người dìu dắt, hỗ trợ, đòi hỏi startups phải luôn hoàn thiện… Nếu chẳng may thất bại thì xem như tôi chỉ bị mất tiền!

Còn khởi nghiệp một mình cũng giống như khi ta chăm chút “đứa con tinh thần” đầu tiên. Đó cũng là lúc phải tự mình vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn đủ bề như vốn liếng, cộng sự… Bù lại, ta hạnh phúc vì dành cho đứa con ấy tất cả tâm huyết, đam mê và sống chết đến tận cùng.

Khởi nghiệp một mình có thuận lợi ở sự chủ động và quyền ra quyết định nhưng cũng rất dễ rơi vào trạng thái chủ quan, duy ý chí, dễ phạm sai lầm. Còn thực ra khi cần tới sự thống nhất của một hội đồng quản trị thì các quyết định kinh doanh cũng sẽ trở nên khách quan và được cân nhắc kỹ hơn.

Sau Shark Tank mùa 1, không khó để nhận ra nhiều thông tin trên các diễn đàn kiểu như shark Thủy “rất máu”, rất “chịu chơi”. Có khi nào ông cảm thấy mình cần chậm lại một chút ở Shark Tank mùa 2 vì “biển vẫn còn đầy cá” không?

Ở Shark Tank mùa 1, tôi đầu tư 4 dự án nhưng 3 trong số đó là đi cùng với những nhà đầu tư khác, riêng dự án của Soya Garden rơi vào đúng ngay mảng tôi thích, đồng thời có thể tận dụng được những tài nguyên sẵn có của Egroup và Apax, thế nên sau đó chúng tôi đã thực hiện Due Diligence (thẩm định DN) rất nhanh chóng. Tôi cũng đã quyết định nâng mức đầu tư cho startup này từ 15 lên 20 tỷ đồng. Và chúng tôi cũng đã khai trương hàng loạt cửa hàng mới, dự kiến giai đoạn đầu sẽ mở 30 cửa hàng trên toàn quốc.

Mục tiêu của tôi là mỗi năm đầu tư vào 1 - 2 dự án lõi ở những lĩnh vực tôi đang quan tâm như công nghệ thông tin, đào tạo trực tuyến, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm sạch. Nếu có thêm cảm hứng với những dự án khác thì có lẽ đó sẽ là các quyết định đầu tư tài chính.

Quan điểm đầu tư của tôi là đúng ngành - đúng người, thấy mô hình kinh doanh có lợi nhuận tốt, thấy DN đủ khác biệt để vươn lên, thậm chí dẫn đầu… thì tôi không ngại “xuống tiền”.

Shark Thủy: Tôi không ngại “xuống tiền” nếu gặp startup tiềm năng - Ảnh 2.

Startup Soya Garden của Shark Tank mùa 1 được Shark Thủy đầu tư 20 tỷ đồng sau khi Due Dilligence

Liệu có những quyết định nào đó ở mùa 1 khiến ông hơi tiếc nuối khi nhìn lại, rằng mình đã không “mạnh tay” hơn?

Ở Shark Tank mùa 1, tôi ngồi “ghế nóng” 4 tập và gặp được 12 DN startups. Những dự án không “chốt” được đến giờ tôi vẫn thấy hợp lý, kể cả một dự án tôi khá quan tâm nhưng cuối cùng lại không thương lượng được về giá. Bởi bên cạnh chuyện định vị đúng ngành – đúng mô hình kinh doanh là… định giá khoản đầu tư! Tất nhiên, chuyện đắt hay rẻ hơn một vài tỷ đồng không phải là điều gì to tát với nhà đầu tư mà cốt lõi vấn đề ở chỗ người tôi chọn “chung thuyền”. Nếu bản thân nhà sáng lập quá ảo tưởng về mình ngay từ đầu thì sau này sẽ rất khó để cùng Shark ra khơi!

Vâng, rất cám ơn ông về những chia sẻ đầy thẳng thắn và thú vị.

Ánh Dương

Theo: Nhịp Sống Kinh Tế

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật