Sức nóng của mâm cơm dành cho người bận rộn: Đấu trường vừa hợp tác, vừa đua tranh giữa Ba Huân, Sài Gòn Food, Saigon Co.op với CJ, CP, 7-Eleven...

Số lượng cửa hàng tiện lợi, siêu thị đang ngày càng tăng nên thực phẩm chế biến sẵn cũng có cơ hội phát triển, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food nhận định. Bà Lâm cũng cho rằng thực phẩm chế biến sẵn và bữa ăn trưa là 2 thị trường cực tiềm năng hiện nay.
Sức nóng của mâm cơm dành cho người bận rộn: Đấu trường vừa hợp tác, vừa đua tranh giữa Ba Huân, Sài Gòn Food, Saigon Co.op với CJ, CP, 7-Eleven...
 
Đầu năm 2016, tập đoàn CJ của Hàn Quốc mua lại kim chi Ông Kim's của vợ chồng chị Kim Hạnh. Đầu năm 2017, tập đoàn này đã hoàn tất mua hơn 70% cổ phần của thực phẩm Cầu Tre.

Ba Huân và đối thủ của Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, cũng mở rộng sản xuất các loại thực phẩm chế biến. Hệ thống của hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc vào Việt Nam với tham vọng đứng số 1 thị trường nhờ đồ ăn nhanh mang đậm tính Hàn Quốc. Hay các siêu thị cũng cho ra đời những nhãn hàng riêng: thực phẩm chế biến sẵn… Những chộn rộn trên thị trường chứng tỏ sức nóng của thực phẩm chế biến sẵn mà những người bận rộn rất ưa dùng.

Các doanh nghiệp đang ra sức khai thác khách hàng bận rộn

Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt... cũng đã nhắm tới thực phẩm chế biến sẵn.

Ba Huân trong những năm gần đây không còn chỉ tập trung vào trứng gia cầm, sản phẩm làm nên tên tuổi của doanh nghiệp. Họ cũng làm thêm các món thịt gà tươi, xúc xích, gà viên, chân gà chua cay hay bánh flan… Hay đối thủ của Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, cũng mở rộng sản phẩm, ngoài trứng gia cầm như trứng muối, trứng gà ác tiềm, trứng vịt kho, trứng cút phá lấu…. Người tiêu dùng có thể sử dụng ngay sản phẩm này sau khi bóc bao bì.

Một doanh nghiệp nhắm vào thực phẩm chế biến trước Ba Huân hay Vĩnh Thành Đạt là Sài Gòn Food với các món lẩu đông lạnh đã làm nên thương hiệu của họ. Sài Gòn Food cũng đã cho ra đời các loại cháo tươi đóng gói mà các bà mẹ/ông bố bỉm sữa chỉ cần đặt bịch cháo vào nước sôi ngâm trong 5 phút là có thể cắt ra cho bé ăn liền. Cháo của Sài Gòn Food có thời hạn sử dụng trong 6 tháng nhờ lớp bao bì đặc biệt. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, Sài Gòn Food mới đây cho ra thị trường các chén cháo, có muỗng kèm theo.

Sức nóng của mâm cơm dành cho người bận rộn: Đấu trường vừa hợp tác, vừa đua tranh giữa Ba Huân, Sài Gòn Food, Saigon Co.op với CJ, CP, 7-Eleven... - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: SGGP.

Trên kệ siêu thị Co.opmart, người ta còn thấy một loại cháo nữa, đó là nhãn hàng riêng của Sài Gòn Co.op. Loại cháo này cũng do Sài Gòn Food làm gia công, dán nhãn riêng của Sài Gòn Co.op. Giá bán sản phẩm nhãn hàng riêng kiểu này rẻ hơn so với sản phẩm của Sài Gòn Food do nhắm đến những khách hàng mục tiêu khác nhau.

Năm 2017, 7-Eleven cũng hợp tác với Sài Gòn Food để cung cấp bữa ăn trưa cho người tiêu dùng Việt Nam khi họ bước chân vào thị trường 90 triệu dân.

GS25 của Hàn Quốc cũng đã liên doanh với Sơn Kim với khát vọng trở thành số 1 Việt Nam nhờ vào sự khác biệt ở các hộp cơm, đồ ăn ngay mang đậm tính Hàn Quốc.

Một vài câu chuyện như vậy để thấy sự sôi động của thị trường thực phẩm chế biến sẵn mà người tiêu dùng bận rộn chỉ cần bóc bao bì hay hâm nóng là có thể dùng được.

Thị trường lớn tới đâu?

Các thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP. Trong 5 năm gần đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến và đồ uống tăng trung bình hàng năm lần lượt ở ngưỡng 9,68% và 6,66%. 

Theo dự báo của Hãng BMI Research, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đạt tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 10,9%.

Thu nhập của người dân Việt Nam vẫn thấp hơn các nước phát triển, vì vậy, nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung vào nhóm hàng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. Việc đầu tư vào công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn do có nhiều chính sách ưu đãi thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 25% xuống còn 20%; với những dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp còn được miễn giảm thuế một số năm, tối đa miễn thuế 4 năm, giảm 50% mức thuế trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu công nghệ phục vụ sản xuất…, theo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food: Ngoại có kinh nghiệm, ngoại am hiểu văn hóa, lối sống của người Việt

Sức nóng của mâm cơm dành cho người bận rộn: Đấu trường vừa hợp tác, vừa đua tranh giữa Ba Huân, Sài Gòn Food, Saigon Co.op với CJ, CP, 7-Eleven... - Ảnh 3.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food, nhận định thị trường thực phẩm chế biến rất tiềm năng. Bản thân công ty bà, hai hạng mục: lẩu và cháo tươi đã chiếm hơn 50% doanh thu của doanh nghiệp này.

Theo bà Lâm, cuộc sống càng hiện đại thì thực phẩm chế biến sẵn càng phát triển. Như Nhật, Thái không nấu ăn mà phần lớn là mua thực phẩm chế biến sẵn. Xu thế ở Việt Nam cũng sẽ vậy, do đó thị trường cực kỳ lớn. Bên cạnh đó, thị trường bữa ăn trưa cũng rất tiềm năng.

Theo lãnh đạo Sài Gòn Food, số lượng cửa hàng tiện lợi, siêu thị đang ngày càng tăng nên thực phẩm chế biến sẵn cũng có cơ hội phát triển. Có thể nói câu chuyện cửa hàng tiện lợi và thực phẩm chế biến sẵn sẽ phát triển song song với nhau. Kênh phân phối hiện đại phát triển thì mới có kênh phân phối cho thực phẩm chế biến sẵn.

Trong cuộc chiến này, bà Lâm nhận định với chúng tôi rằng doanh nghiệp ngoại tại thị trường Việt Nam như CJ, CP đã có kinh nghiệm, họ áp dụng vào Việt Nam những kinh nghiệm kỹ năng của họ.

 Còn nói về doanh nghiệp nội, theo bà, nhận biết thị trường thì doanh nghiệp trong nước đã hiểu. Do hiểu về văn hóa, lối sống của người Việt nên họ có điểm mạnh riêng. Tuy nhiên, Lực cộng với chưa đầu tư mạnh, R&D (nghiên cứu và phát triển) cũng chưa đầu tư nhiều nên đó có thể coi là điểm yếu của doanh nghiệp Việt trong “trận chiến” này.

Thế Trần

Theo: Trí Thức Trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật