Tại sao sau 2 năm Covid, ông Nguyễn Đức Tài lại 'quay xe' để all-in vào An Khang?
Thế Giới Di Động bắt đầu đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang từ đầu năm 2018, với thương vụ chi 62 tỷ đồng để nắm 49% tỷ lệ sở hữu. Ban đầu, Tập đoàn của ông Nguyễn Đức Tài từng có ý định mua hẳn 100%. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn do ban lãnh đạo cảm thấy đây chưa phải thời điểm thích hợp để đẩy mạnh mảng mới.
Giữa năm 2019, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ rằng, An Khang chỉ là một bước thử nghiệm của Thế Giới Di Động: "Thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, Thế Giới Di Động vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần".
Ngoài ra, ông Tài lúc bấy giờ nhận định, quy mô bán lẻ dược phẩm vẫn nhỏ, trong khi thị trường hàng tiêu dùng lớn hơn nhiều nên chuỗi này phải dốc sức đầu tư vào Bách hoá Xanh, không muốn và không đủ nguồn lực phát triển mạnh hơn chuỗi An Khang.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm, vào đầu tháng 11/2021, nhóm công ty đã mua 1,294 triệu cổ phiếu của An Khang với giá phí hợp nhất kinh doanh là 52,2 tỷ đồng, tương đương 100% tỷ lệ sở hữu trong An Khang. Theo đó, An Khang đã chính thức trở thành công ty con của Thế Giới Di Động.
Tại cuộc họp với nhà đầu tư được tổ chức ngày 18/2, ông Nguyễn Đức Tài đã lý giải điều này.
Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết, công ty nâng sở hữu An Khang lên 100% để chuẩn bị cho những bước phát triển trong tương lai.
"Nhìn nhận chung, ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi có những bước phát triển tốt. Trước đây, ngành thuốc cơ bản chỉ có thuốc chữa bệnh là chính, nhưng sau đợt dịch vừa rồi thì thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng có những tăng trưởng rất ngon lành.
Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành thuốc Việt Nam bắt đầu có những dịch chuyển từ trạng thái chữa bệnh, đau đâu chữa đó, sang trạng thái "prevent", có nghĩa là bảo vệ sức khỏe. Bước chuyển dịch này giống như những nước phát triển. Tại các nước này, thực phẩm chức năng, vitamin, các loại thuốc làm cho cơ thể khỏe mạnh phát triển rất tốt", ông Tài chia sẻ.
Ông Tài cho rằng, muốn kiếm lợi nhuận trong ngành thuốc thì thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc.
Theo thông tin từ ban lãnh đạo công ty, sau khi nâng sở hữu tại An Khang lên 100%, chuỗi này sẽ được giao cho ông Đoàn Văn Hiểu Em phát triển.
Cũng tại cuộc họp với nhà đầu tư, ông Hiểu Em cho biết, trong thời gian đầu tiếp nhận, ông đang có những xử lý những vấn đề trọng yếu của các chuỗi cửa hàng hiện tại, để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, cũng như tìm cơ hội thúc đẩy doanh số bán tại các cửa hàng hiện hữu.
Hiện nay An Khang có khoảng gần 200 cửa hàng. Mục tiêu của ông Hiểu Em là giúp 200 cửa hàng này tìm cơ hội gia tăng doanh số. Doanh số 1 nhà thuốc An Khang với mô hình hiện tại khoảng trên 500 triệu đồng/cửa hàng/tháng, bắt đầu chạm ngưỡng hòa vốn. Tuy nhiên, ông Hiểu Em cho rằng mức 500 triệu đồng/cửa hàng là rất thấp và còn nhiều cơ hội hơn để đẩy doanh số tăng lên cao hơn nữa và cơ hội kiếm lời tại các cửa hàng An Khang rất lớn. Nhu cầu thị trường trong lĩnh vực này cũng rất lớn.
Thứ hai, ông Hiểu Em đang xây dựng một số mô hình An Khang mới. Với gần 200 cửa hàng, An Khang cũng đang có nhiều loại mô hình khác nhau, nhưng cũng chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm để hướng tới một An Khang mới hoàn toàn. "Thời điểm này gần như hoàn tất và chỉ còn chờ bấm nút bắt đầu cuộc đua", ông Hiểu Em tuyên bố.
Định hướng phát triển của An Khang là sẽ mở độc lập bên ngoài, chứ không mở cùng với Bách Hóa Xanh như thời gian trước. Trong năm 2022, An Khang sẽ tăng tốc để tham gia cuộc đua trong thị trường dược phẩm.
"Rất nhiều công việc cần phải làm để phù hợp với mô hình An Khang mới, về quy trình bán hàng, quy trình tuyển dụng dược sĩ, website cho An Khang... Cần rất nhiều đầu tư cho An Khang giai đoạn này để bước vào giai đoạn tăng tốc thời gian tới", ông Hiểu Em nhiều lần nhắc đến từ "tăng tốc" khi nói về An Khang trong năm 2022.
Theo ông Hiểu Em, những giá trị mà An Khang định vị gồm: Thứ nhất, đủ thuốc nhất. Thứ hai, giá tốt nhất và ngành này không cần giảm giá, khuyến mãi. Thứ ba, chất lượng chính hãng. Thứ tư là trải nghiệm mua sắm thoái mái, thuận tiện.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, ông Hiểu Em nên đặt 1 tiêu chí khác lên trên trải nghiệm mua sắm, là năng lực tư vấn nhân viên. Theo ông Tài, người mua thuốc hầu hết không có kiến thức chuyên môn và họ ra quầy thuốc tìm lời tư vấn của một người am hiểu, thì điều đó rất quan trọng. Sau đó mới là trải nghiệm môi trường mua bán.
TIN CŨ HƠN
- Cổ phiếu công ty sản xuất thuốc trị covid tại Việt Nam tăng 32% sau 2 ngày, FRT lập đỉnh mới, loạt cổ phiếu dược, y tế đồng loạt nổi sóng
- Thế giới Di động (MWG) lập kỷ lục doanh thu mới trong tháng 1/2022 với 16.000 tỷ đồng, sắp mở cửa hàng ở Indonesia
- Long Châu trở thành chuỗi nhà thuốc đầu tiên phân phối thuốc trị Covid, cổ phiếu FPT Retail bật tăng trần
- Pharmacity hợp tác cùng RELEX Solutions trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng
- Phía sau thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long: Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang không chỉ là ông trùm M&A tiêu dùng, mà còn là nghệ nhân tài chính lão luyện
- FPT Retail lớn "phổng phao" nhờ Covid: Doanh thu tăng 53%, lợi nhuận gấp 19 lần năm 2020
- Chuỗi siêu thị WinMart sau khi về tay Masan: Có lãi được nửa năm, thử nghiệm nhượng quyền thương hiệu, mục tiêu mở 2.000 cửa hàng mini-mall trong 2022
- Phúc Long ‘lột xác’ như thế nào sau khi ‘về chung nhà’ với Masan từ giữa 2021 ?
- Thế Giới Di Động chính thức 'all-in' vào chuỗi nhà thuốc An Khang, đầu tư toàn nguồn lực quyết đuổi kịp Long Châu
- Hoạt động tài chính sôi nổi, dư nợ của Thế giới Di động (MWG) vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2021