Thép Việt nguy cơ bị loại khi ông Trump tăng thuế
Cuối tuần trước Bộ trưởng Thương mại Mỹ (DOC) cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam vì lý do "an ninh quốc gia". Phán quyết này sẽ được đưa ra trước ngày 11/4.
"Các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sản phẩm tôn mạ màu sang Mỹ sẽ chịu tác động nhiều nhất", một chuyên gia trong ngành thép nhận xét.
Theo đề xuất mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra, Việt Nam nằm trong 12 quốc gia sẽ phải chịu mức thuế suất cao nhất 53%, các nước còn lại mức 24%. "Mức thuế suất này là quá cao cho sản phẩm thép, chủ yếu là tôn mạ của doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Mỹ. Thép Việt sẽ khó tồn tại và đứng trước nguy cơ bị loại khỏi thị trường Mỹ", ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nói với VnExpress.
Vị này cho rằng, đề xuất của DOC lên Tổng thống Mỹ áp dụng Điều luật 232 mang tính "nguy hiểm và phức tạp". Phó chủ tịch VSA phân tích, không có một quy chế quy định rõ ràng và định lượng cụ thể "thế nào là ảnh hưởng tới an ninh quốc gia", nên hàng rào kỹ thuật này được dựng lên hoàn toàn mang tính chủ quan nhằm bảo hộ hàng nội địa Mỹ.
Mặt khác, mức thuế suất Việt Nam có thể bị áp lên tới 53% sẽ khiến thép Việt xuất khẩu sang thị trường này nguy cơ bị loại so với đối thủ vì không thể cạnh tranh về giá.
"Hàng rào kỹ thuật mà Mỹ đang dựng lên với sản phẩm thép, nhôm để bảo vệ sản xuất nội địa đang vi phạm cam kết quốc tế và quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trường hợp các giải pháp hoà giải không đạt, chúng ta có thể xem xét kiện ra WTO", ông Sưa chia sẻ.
Thị trường Mỹ mới được các doanh nghiệp thép Việt "khai mở" cách đây vài năm và sản lượng xuất khẩu không nhiều. Số liệu của VSA cho thấy, năm 2017 thép Việt xuất khẩu đi các nước đạt 4,7 triệu tấn, tăng 28% so với 2016. Với thị trường Mỹ lượng xuất khẩu chỉ đạt 567.000 tấn, giảm gần một nửa so với 2016 do những chính sách bảo vệ ngành thép của nước này.
Mỹ là thị trường xuất khẩu mới của thép Việt, theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Sưa, thị trường rất tiềm năng do là nước nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới. Vì thế, bất kỳ sự thay đổi chính sách nào cũng sẽ ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp.
Tuy nhiên phân tích mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt lại đưa ra góc nhìn lạc quan hơn khi cho rằng mức độ ảnh hưởng của thép Việt trước biện pháp phòng vệ này không quá tiêu cực.
Hai doanh nghiệp tiên phong trong xuất khẩu các sản phẩm thép sang Mỹ từ năm 2016 là Hoa Sen và Nam Kim đều cho hay, do quy mô đơn đặt hàng, chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng không có lợi nên xuất khẩu sang Mỹ chỉ nhằm mục đích tìm hiểu thị trường và hỗ trợ đẩy sản lượng tiêu thụ. Thêm vào đó, thị trường Mỹ không phải mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu tôn mạ, bởi hoạt động xuất khẩu trong khu vực ASEAN vẫn đang sôi động.
Năm 2017 ngành thép đã xuất khẩu 2,4 triệu tấn sang thị trường ASEAN, chiếm gần 69% tổng lượng xuất khẩu thép. Xuất khẩu sang Mỹ chỉ dừng ở mức 470.000 tấn, chiếm chưa tới 11% tổng lượng xuất khẩu.
"Khi lực cầu nội địa và khối ASEAN vẫn mang lại dư địa tăng trưởng khả quan thì việc không xuất khẩu sang Mỹ cũng không khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn", báo cáo Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận xét.
Ở chiều ngược lại, nếu Mỹ áp lệnh tăng thuế nhập khẩu lại là động thực thúc đẩy các doanh nghiệp thép Việt Nam đầu tư theo chiều sâu, vừa tăng giá trị cho ngành sản xuất nội địa, vừa cải thiện sức cạnh tranh tại thị trường hội nhập.
Ngay trong lúc các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại về khả năng chính phủ của tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu lên tôn thép Việt Nam, Hoà Phát cho biết đã nhận đơn hàng xuất khẩu 15.000 tấn thép sang Mỹ trong ngày đầu tiên hoạt động sau kỳ nghỉ Tết.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, do thép, nhôm Việt chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nhập vào Mỹ, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ nước này cân nhắc kỹ việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nêu trên. Việc này cũng nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của vụ việc và đang cân nhắc tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam", đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết.
Theo Anh Minh Vnexpress
TIN CŨ HƠN
- Thực phẩm “thoát” hàng chục giấy phép
- Khách hàng tố Lazada bán hàng lỗi, thoái thác trách nhiệm trước đề nghị đổi trả
- Hãng Nestle bị cáo buộc thông tin sai về sản phẩm bột dinh dưỡng Milo
- "Nóng" thị trường đặt món trực tuyến
- Tập đoàn BRG muốn thâu tóm Hapro
- Mía ngã, giá thấp, người trồng thấp thỏm lo thua lỗ
- Giá cả năm 2018 diễn biến như thế nào?
- Doanh nghiệp bột giặt 10 năm liền thu trên nghìn tỷ đồng
- Thị trường bán lẻ sẽ thế nào sau “hiện tượng” Parkson?
- Những chiêu cạnh tranh bất ngờ và hiệu quả của doanh nghiệp bán lẻ Trung Quốc