Thị phần ngành kem Việt Nam: Cuộc chơi của Kido, Unilever và Vinamilk

Thị phần ngành kem Việt Nam: Cuộc chơi của Kido, Unilever và Vinamilk

Theo báo cáo của Euromonitor International, doanh số bán kem năm 2020 đạt 3.793 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm trước. Mức tăng trưởng này giảm đáng kể khi các năm trước đều ghi nhận trên 2 chữ số. Trong đó, to-go ice cream (kem thưởng thức ngoài đường mang tính ngẫu hứng) vẫn đóng góp chủ yếu với 2.686 tỷ đồng, tỷ trọng 70%.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến sức tiêu thụ to-go ice cream do các biện pháp giãn cách xã hội khiến cho các trường học, địa điểm giải trí và dịch vụ ăn uống phải đóng cửa, người tiêu dùng làm việc tại nhà. Doanh số tiêu thụ sản phẩm kem này chỉ tăng 4,6% so với năm 2019.

Ngược lại, take-home ice cream (sản phẩm kem có thể lưu trữ tại nhà để thưởng thức theo nhu cầu, kem dạng hộp nhựa hoặc hộp giấy chứa nhiều cây kem) được tiêu thụ và mức giá tốt hơn, doanh số tăng 11,3%.

Báo cáo chỉ ra rằng, người tiêu dùng có nhu cầu ăn kem tăng lên để giúp vượt qua lo lắng và căng thẳng liên quan đến việc ở trong nhà quá lâu, ít có cơ hội giao lưu.

Thị trường kem Việt Nam vẫn là cuộc chơi của 3 doanh nghiệp lớn là Kido Group, Unilever Việt Nam và Vinamilk. Thị phần của 3 đơn vị này là 64%, tăng từ mức 58,8% năm 2016.

Bộ phận nghiên cứu thị trường của Euromonitor International cho biết thị phần kem của Kido Group tăng từ 43,1% năm 2019 lên 43,5% năm 2020, Unilever Việt Nam cũng tăng từ 10,6% lên 11,1%, riêng Vinamilk giảm nhẹ từ 9,2% xuống 9,1%.

Kido Group có 3 nhãn hiệu kem nằm trong top 10 là Merino (thị phần 24,8%), Celano (17,4%) và Wel Yo (1,3%). Unilever Việt Nam cũng có 3 nhãn hiệu là Cornetto, Paddle Pop và Wall’s.

 
 

Ngọc Điểm


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật