Thị trường hàng hóa ngày 7/6: Giá kim loại và khí gas tăng mạnh, dầu và rau củ quả giảm sâu

Trong số các kim loại, đồng lên cao nhất 3 tháng rưỡi còn kẽm và nickel chạm mức cao nhất 1 tháng. Tại Trung Quốc đang vào mùa thu hoạch vải nhưng giá đang giảm đáng kể vì được mùa.
Thị trường hàng hóa ngày 7/6: Giá kim loại và khí gas tăng mạnh, dầu và rau củ quả giảm sâu

Dầu giảm do tồn trữ tăng tại Mỹ

Giá dầu giảm trở lại bởi khả năng nguồn cung sẽ tăng lên sau khi tồn trữ của Mỹ tăng ngoài dự kiến trong bối cảnh Saudi Arabia và các đồng minh sản xuất dầu lớn khác tỏ ý có thể nâng sản lượng dầu thô. Dầu Tây Texas Mỹ giảm 79 US cent tương đương 1,2% xuống 64,73 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 2 US cent xuống 75,26 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng cho hay tồn trữ dầu thô Mỹ trong tuần tới 1/6 đã tăng 2,1 triệu thùng, trái với dự đoán của các nhà phân tích là giảm 1,8 triệu thùng; tồn trữ nhiên liệu cũng tăng. Sản lượng dầu thô Mỹ cũng tăng lên mức cao kỷ lục 10,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng tăng và việc giấ dầu tăng mạnh trong thời gian qua đã thúc đẩy hoạt động bán ra.

Tin từ Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ cho biết đối tác Saudi Arabia cho ông biết rằng vương quốc Trung Đông này đang đảo ngược chính sách cắt giảm sản lượng. Trước đó, Chính phủ Mỹ đã đề xuất Saudi Arabia và các nước OPEC khác nâng sản lượng lên.

Khí gas cao nhất 4 năm

Giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á đã tăng lên mức cao kỷ lục kể từ 2014 do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đúng lúc nhiều cơ sở sản xuất tạm ngừng hoặc giảm sản lượng gây khan hiếm về nguồn cung. Hiện giá LNG giao dịch gần sát 10 USD/mBtu, tăng 32% so với giữa tháng 4.

Nhu cầu mua từ Trung Quốc tăng lên do sản lượng khí trong nước giảm bởi nhiều mỏ khí tạm ngưng hoạt động để bảo dưỡng, nhu cầu mạnh trong lĩnh vực công nghiệp khi nhiều cơ sở chuyển sang dùng khí thay dầu vì giá tăng, và bắt đầu vào mùa mua để dự trữ chuẩn bị cho mùa đông. Một số chuyên gia dự báo giá LNG sẽ còn tiếp tục tăng lên 12 USD/mBtu.

Bạch kim, palađi và bạc tăng, vàng vững

Bạch kim tăng giá 0,2% lên 902 USD/ounce trong khi palađi tăng 2,2% lên 1.015,75 USD/ounce vào lúc đóng cửa giao dịch sau khi có lúc đạt mức cao nhất 6 tuần là 1.024,90 USD/ounce.

Giá bạch kim bắt đầu hồi phục dần bởi mức thiếu hụt trong năm 2018 khả năng sẽ cao kỷ lục 4 năm do nhu cầu trong công nghiệp và làm chất xúc tác đồng loạt tăng trong khi nguồn cung tại các mỏ bị hạn chế. Các nhà phân tích của GFMS dự báo thiếu cung năm nay sẽ tăng lên 280.000 tấn, từ mức thiếu 53.000 tấn năm 2017. Thị trường palađi năm nay dự báo cũng sẽ thiếu hụt khoảng 0,3 triệu ounce và giá kim loại quý này dự báo cũng sẽ lập kỷ lục cao mới.

Đối với những kim loại quý khác, trong phiên giao dịch vừa kết thúc, giá bạc cũng tăng 1,2% lên 16,65 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 16,74 USD, cao nhất kể từ 14/5. Gía vàng vững mặc dù USD yếu đi bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần tới sẽ quyết định nâng lãi suất sau những số liệu kinh tế tích cực. Vàng giao ngay vững ở 1.295,80 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ giao tháng 8 giảm nhẹ 80 US cent (0,1%) xuống 1.301,40 USD/ounce.

Đồng cao nhất 3,5 tháng, nickel và kẽm cao nhất 1 tháng

Giá đồng tiếp tục tăng lên mức cao nhất ba tháng rưỡi do USD giảm mạnh trong khi vẫn còn đó nỗi lo về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Chile và nhu cầu mua vào mạnh lên sau khi giá liên tiếp tăng vượt các mức kỹ thuật cơ bản. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London phiên vừa qua có lúc đạt 7.238 USD/tấn, cao nhất kể từ 16/2, và kết thúc phiên ở mức 7.220 USD/tấn (tăng 1,7% so với đóng cửa phiên trước). 

Trong tuần này, giá đồng đã tăng gần 4% sau khi công đoàn công nhân của mỏ Escondida (hãng BHP) ở Chile bắt đầu đợt thương lượng về tiền lương. Đây là mỏ đồng lớn nhất thế giới, và năm ngoái công nhân đã từng thương lượng như vậy và sau khi đề xuất của họ không được giới chủ chấp thuận thì sản lượng hàng năm của cơ sở này đã giảm gần 8%.

Nickel và kẽm – hai nguyên liệu sản xuất thép - cũng vừa tăng giá lên mức cao nhất hơn 1 tháng sau sự cố nổ ở mỏ sắt Trung Quốc và tồn trữ tại kho sụt giảm. Kẽm trong phiên có lúc lên 3.220 USD/tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 4, nhưng kết thúc phiên giảm nhẹ 0,2% xuống 3.192,50 USD/tấn, trong khi nickel cũng có lúc lên 15.845 USD/tấn (cao nhất từ giữa tháng 4) và kết thúc giảm 0,7% xuống 15.635 USD/tấn.

Quặng sắt cao nhất 2 tuần

Giá quặng sắt tại Trung Quốc lên mức cao nhất 2 tuần sau vụ tai nạn hầm lò gây lo ngại về khả năng khan hiếm nguồn cung. Quặng sát giao sau trên sàn Đại Liên đầu phiên giao dịch tăng 3% lên 476 NDT (74,52 USD)/tấn, cao nhất kể từ 21/5, và kết thúc phiên vẫn tăng 1,8% so với đóng cửa phiên trước, lên 470,5 NDT/tấn.

Vụ nổ tại dự án khai thác quặng sắt của công ty Huamei Group ở tỉnh Liêu Ninh (miền đông bắc Trung Quốc) đã làm chết 11 người và khiến nhiều người khác bị thương hoặc/và mắc kẹt. Dự án này đang được xây dựng, mới ở giai đoạn đầu và dự kiến năm 2019 sẽ đi vào sản xuất với sản lượng 15 triệu tấn mỗi năm. Giá quặng sắt tăng cũng do thành phố thép hàng đầu Trung Quốc, Tangshan thuộc tỉnh Hà Bắc, lên kế hoạch đóng cửa 266 công ty khai thác mỏ.

Trái vải giảm vì được mùa

Trung Quốc bắt đầu vào mùa thu hoạch vải. Giá vải năm nay tại Trung Quốc rẻ hơn khoảng 3-5 NDT (0,47 – 0,48 USD)/0,5 kg so với năm ngoái. Tại Hải Nam, nơi bán loại vải ngon nhất cả nước, giá vải hiện ở mức 25-30 NDT (3,9 – 4,68 USD)/0,5 kg, thấp hơn 20-30% so với vụ mùa trước bởi vải nhập về từ các nơi khác với giá rẻ, có khi chỉ khoảng 10 NDT (1,56 USD)/0,5 kg.

Sản lượng trái vải tại Trung Quốc năm nay ước tính tăng 48,2% so với năm 2017, đạt 2,88 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi. Quảng Tây và Quảng Đông chiếm 80% tổng sản lượng vải của quốc gia này. Tại Quảng Đông, việc thu hoạch vải đã bắt đầu. Lễ hội Vải Quảng Châu đã chính thức bắt đầu từ ngày 31/5. Nơi đây có 11.533 ha trồng trên 100 giống vải thiều. Được mùa, sản lượng vải tại khu vực này năm nay dự kiến đạt từ 28 nghìn tấn trở lên, tăng mạnh 700% so với năm ngoái do thời tiết ấm và ít mưa. Tuy nhiên, thời tiết trong những ngày tới rất quan trọng, nếu có mưa thì vải sẽ bị sâu và ảnh hưởng tới sản lượng. 

Thông tin từ Cục Hải quan Quảng Châu cho hay tỉnh Quảng Đông đã xuất khẩu 566 tấn vải chỉ trong 6 ngày đầu tháng 6, với kim ngạch thương mại đạt 1,66 triệu USD. Trái vải Quảng Đông đã được xuất đi 10 thị trường, trong đó Mỹ, Canada và châu Âu chiếm 80%. 

Tại Lô Châu, sản lượng vải năm nay giảm do thời tiết lạnh. Hải Nam chỉ có 1.333 ha trồng vải nhưng với thổ nhưỡng giàu khoáng chất núi lửa và độ ẩm thấp nên có giống vải rất hiếm, ngon, ngọt ngào, bảo quản được lâu hơn 2-3 ngày so với các giống khác, lại có màu sắc đỏ đẹp, thường được mua làm quà biếu. Mùa vải ở Hải Nam bắt đầu từ 28/5, kéo dài tới cuối tháng 7, giai đoạn cao điểm là tháng 6.

Rau củ giảm giá ở Trung Quốc, tăng ở Ấn Độ

Tại Trung Quốc, như thường lệ, giá rau giảm vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 khi nhiệt độ tăng lên. Thời tiết nóng lên giúp sản lượng rau tăng theo, vượt mức nhu cầu. Trong khi đó, thời tiết nóng khiến việc bảo quản rau khó khăn hơn cũng góp phần khiến giá giảm.

Trong khi đó tại Ấn Độ, giá rau ở các thành phố lớn như Mumbai, Delhi… đã tăng 10% chỉ trong mấy ngày qua do nhiều nông dân cắt giảm nguồn cung để đòi Thủ tướng Narendra Modi thực hiện cam kết khi tranh cử năm 2014 là tăng gấp đôi thu nhập cho người nông dân. Do giá nhiều nông sản gần đây giảm mạnh, thu nhập của người nông dân càng ít đi. Không chỉ giảm cung cấp rau, nhiều nông dân còn quyết định ngừng bán cả sữa, hạt có dầu và ngũ cốc.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng ngày 7/6

Thị trường hàng hóa ngày 7/6: Giá kim loại và khí gas tăng mạnh, dầu và rau củ quả giảm sâu - Ảnh 1.

Minh Quân

Theo: Trí thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật