Thị trường hàng hóa ngày 25/4: Giá thép lên cao nhất 1 tháng rưỡi, đường chạm đáy hơn 2 năm
Dầu giảm giá
Giá dầu giảm trong ngày 24.4 do thị trường bớt lo ngại về khả năng Mỹ có thể sẽ áp đặt lại lệnh trừng phạt đối với Iran, và giảm lo lắng về tương lai xuất khẩu dầu của Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết tìm kiếm các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với Iran. Tại một cuộc họp báo chung, ông Trump đã không nhắc lại đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhưng ông đã tỏ rõ thái độ tiếp tục theo đuổi quan điểm này.
Giá dầu Brent đã giảm 85 cent, tương đương 1,1%, xuống mức 73,86 USD/thùng vào cuối ngày. Đầu phiên giao dịch, giá đã lên mức 75,47 USD, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Trong khi đó, giá dầu thô WTI cũng đã giảm 94 cent xuống còn 67,70 USD/thùng.
Theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại, các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận. Mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã ra hạn chót vào ngày 12/5 Anh, Pháp, Đức phải chỉnh sửa một số nội dung trong JCPOA, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Dự trữ dầu thô của Mỹ ước giảm 2,65 triệu thùng trong tuần trước, theo Reuters. Dự trữ xăng giảm gần 1 triệu thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất đã giảm hơn 800.000 thùng. Nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Mỹ đạt mức gần 5 triệu thùng/ngày trong tuần trước, tăng 7% so với tuần trước đó.
Việc nối lại lệnh cấm vận sẽ ngăn cản Iran xuất khẩu dầu thô và điều này có thể sẽ đẩy giá dầu tăng lên khoảng 5 USD/thùng.
Vàng tăng giá
Giá vàng đã tăng lên trong ngày hôm qua sau 3 ngày lao dốc do USD đã rời khỏi mức đỉnh cao 3 tháng vào phiên sáng và chứng khoán Mỹ quay đầu giảm, bất chấp việc lãi suất trái phiếu của Mỹ tăng lên 3%, đạt mức cao nhất trong 4 năm.
Lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đã tăng 3% do các nhà đầu tư giảm lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ do lo ngại lạm phát gia tăng và nợ chính phủ tăng lên. Lãi suất trái phiếu gia tăng khiến vàng kém hấp dẫn vì không có lãi.
Giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.330,84 USD/ounce lúc 1h30 sáng 25.04 giờ Việt Nam, trong khi giá vàng kỳ hạn Mỹ giao tháng 6 đã tăng 9 USD, hay 0,7% đạt mức1,333 USD.
Vàng thường được xem là nơi trú ẩn an toàn trong những thời điểm rủi ro cao về địa chính trị hoặc tài chính.
Trong vài tuần qua, giá vàng đã được hỗ trợ bởi những lo ngại về tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc, lệnh trừng phạt đối với Nga và bất ổn ở Trung Đông, nhưng đã được kiểm soát bởi triển vọng tăng lãi suất hơn nữa từ Cục Dự trữ Liên bang.
Trước đó, giá vàng thế giới đã lao dốc xuống đáy 2 tuần trước áp lực bán tháo và đồng USD bất ngờ tăng mạnh. Những tín hiệu từ nền kinh tế Mỹ và diễn biến quốc tế đã ép giá vàng.
Vàng giảm giá chủ yếu do đồng USD tăng mạnh trên thị trường tiền tệ quốc tế sau một loạt những nhận định lạc quan về nền kinh tế Mỹ. Những nhận định này ngay lập tức tác động tới dự báo của giới đầu tư theo hướng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất.
Giới đầu tư đồn đoán Fed có thể sẽ nâng lãi suất thêm ít nhất 3 lần nữa trong năm nay, sau khi đã tăng 1 lần hồi tháng 3.
Một số dự báo cho biết, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể giảm tốc ở quý 1/2018, từ mức 2,9%-3,1% trong 3 quý trước về mức 2%. Tuy nhiên, sẽ tăng mạnh trở lại trong phần còn lại của năm như thường thấy.
Lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng lên 3%, mức cao nhất trong 4 năm. Đây cũng là yếu tố kéo đồng USD đi lên và tác động tiêu cực tới mặt hàng vàng. Mỗi khi lãi suất trái phiếu tăng cao, dòng tiền lại có xu hướng tháo chạy khỏi mặt hàng kim loại quý, vốn không mang lại lợi tức cho các nhà đầu tư.
Đồng USD tăng giá và vàng giảm còn do tình hình địa chính trị thế giới diễn biến tích cực. Trong đó, thông tin Triều Tiên sẽ dừng các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa khiến cho tình hình tại bán đảo Triều Tiên tốt đẹp lên rất nhiều.
Một yếu tố cũng khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi vàng là căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung có nhiều tín hiệu hạ nhiệt.
Cao su giảm do dự trữ cao
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo chốt phiên giao dịch giảm do thị trường Thượng Hải yếu, dự trữ cao su trong nước tiếp tục tăng.
Giá cao su tại thị trường giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm nhẹ trong ngày 24/04 sau khi chạm mức cao nhất một tháng qua trong tuần trước.
Nhà phân tích Zhang Li cho rằng"dự trữ cao su vẫn tương đối cao song nhu cầu vững do vậy đà tăng giá sẽ bị hạn chế".
Giá cao su kỳ hạn giao tháng 10 tại sở giao dịch hàng hóa Tokyo giảm 1,2 yên vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, xuống còn187,6 yên/kg.
Giá cao su kỳ hạn giao dịch sôi động nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giao tháng 9 giảm 115 NDT xuống còn 11.530 NDT/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn giao tháng 5 trên sàn SICOM của Singapore giảm 1,8 Uscent vào cuối phiên giao dịch còn 138,5 Uscent/kg.
Thép tăng cao nhất 1 tháng rưỡi
Giá thép thanh vằn kỳ hạn của Trung Quốc tăng trong ngày 24/04 đạt mức cao nhất trong vòng một tháng rưỡi qua do nhu cầu hồi phục trong khi tồn kho giảm.
Giá thép xây dựng giao tháng 10 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải chốt phiên giao dịch tăng 1,5% lên 3.562 NDT (563,88 USD) / tấn. Đầu phiên giao dịch, giá đã chạm mức đỉnh điểm là 3.589 NDT/tấn, mức cao nhất kể từ 9/3/2018.
Cuối tuần qua, công ty thép tư nhân lớn nhất Trung Quốc Jiangsu Shagang Group JSSGG.UL đã tăng giá thép cây thêm 120 NDT lên 3.940 NDT/tấn, giao vào cuối tháng 4, khiến nhiều nhà máy tăng giá vào thứ Hai đầu tuần.
Giá thép giao ngay đã tăng lên mức cao nhất trong một tháng, tăng 0,6% đạt 4,193,97 NDT /tấn vào thứ Hai (23/04/2018), theo số liệu từ công ty tư vấn Mysteel.
Dự trữ thép cây tiếp tục giảm trong 6 tuần liên tiếp tính đến ngày 20/4. Số liệu của Mysteel cho thấy dự trữ hiện đã giảm 5,9% xuống còn 15,02 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2.
(1 USD = 6.3170 NDT)
Đường chạm mức thấp nhất 28 tháng qua
Giá đường thô kỳ hạn chạm xuống mức thấp nhất 28 tháng qua vào chốt phiên giao dịch trong khi giá đường trắng giảm xuống mức thấp nhất hơn 9 năm qua do nguồn cung dư thừa trên toàn cầu, doanh số bán hàng giảm gây ra bởi vấn đề dự trữ quá tải tại Ấn Độ.
Với sản lượng đường của Ấn Độ đạt 30 triệu tấn vào giữa tháng 4 và 227 nhà máy vẫn còn hoạt động, ngành đường nước này dự báo sản lượng đạt kỷ lục 31,5 triệu tấn trong vụ 2017-18 so với 20,3 triệu tấn trong mùa trước (tháng 10-9).
Vào đầu mùa vụ ( tháng 10 năm ngoái), Hiệp hội Mía đường Ấn Độ (ISMA) đã ước tính sản lượng đường là 25,1 triệu tấn, và sau đó đã sửa đổi thành 29,5 triệu tấn. Vì sản lượng chưa bao giờ lớn như vậy, các nhà máy đã không kịp xây dựng các các kho dự trữ.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,17 cents hay 1,5% còn 11,04 cent/lb vào lúc đóng cửa sau khi giảm xuống mức thấp 11 cent, mức thấp nhất kể từ tháng 9.
Các thương gia cho biết Ấn Độ có thể sẽ xuất khẩu đường vì giá trong nước yếu, điều này có thể khiến cho thị trường càng thêm dư thừa.Các Bộ trưởng Ấn Độ đã đề xuất trợ cấp cho những người trồng mía để họ bán sản phẩm cho các nhà máy đường trong bối cảnh nguồn cung dư thừa ép giá giảm.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 8h sáng ngày 25/4
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Thị trường hàng hóa ngày 24/4: Thép đắt nhất 5 tuần, nhôm rớt giá mạnh nhất 8 năm
- Thị trường hàng hóa ngày 20/4: Vàng, nhôm mất giá, cao su và quặng sắt tiếp tục tăng mạnh
- Thị trường hàng hóa ngày 19/4: Vàng, dầu, nông sản đồng loạt “khởi nghĩa”
- Hàng hóa ngày 18/4: Dầu, vàng, nhôm, cao su đồng loạt tăng, quặng sắt thấp nhất 10 tháng
- "Cuộc chiến" cửa hàng tiện lợi
- Hàng hóa ngày 17/4: Dầu, cao su, quặng sắt, thép đồng loạt đảo chiều rớt giá, nhôm vẫn tăng vọt
- Cửa hàng tiện lợi - Kẻ đóng người mở
- Financial Times: Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan về nền kinh tế
- Thị trường hàng hóa ngày 14/4: Giá nhôm, dầu, vàng và cao su khép tuần tăng kỷ lục
- Hàng hóa ngày 13/4: Giá nhôm, gạo và cao su tăng trong khi dầu, vàng, cà phê, than đá giảm