Thời cơ vàng ‘tăng thu, giảm chi’ của các doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng

Không hẹn mà gặp, chỉ trong một thời gian ngắn liên tiếp những thông tin tích cực đến với hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp nói chung và nhóm ngành bán lẻ nói riêng.

Kích cầu mua sắm, cải thiện doanh thu

Đối với các doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng, sức mua của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng nhất, có ý nghĩa lớn nhất đối với kết quả kinh doanh. Tại cuộc họp ngày 9/11 vừa qua, Quốc hội đã thống nhất giao Chính phủ mục tiêu GDP năm 2024 tăng trưởng 6-6,5%. Mặc dù mức này tương đương chỉ tiêu giao năm 2023, nhưng xét trong bối cảnh hiện tại kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, chịu tác động bởi các cuộc xung đột địa chính trị, thì con số 6-6,5% cho thấy quyết tâm của Chính phủ và hứa hẹn sẽ có những chính sách tốt hơn nữa nhằm hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế.

Và quả thật, nhiều chính sách hỗ trợ đang được xem xét để thông qua, điển hình như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Được biết, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024.

 

Trước đó, việc triển khai giảm thuế VAT đã được thực hiện trong 11 tháng của năm 2022 và 6 tháng của năm 2023 và đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Việc tiếp tục đề xuất thực hiện chính sách hỗ trợ này trong năm 2024 đang nhận được nhiều sự hưởng ứng, ủng hộ từ phía doanh nghiệp

Việc giảm thuế VAT xuống còn 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% sẽ giúp giảm trực tiếp vào giá thành sản phẩm của các hàng hóa, dịch vụ này… Như vậy, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp, các loại chi tiêu sẽ được giảm từ đó khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều hàng hóa hơn.

Về phía doanh nghiệp, việc kích thích tiêu dùng nội địa sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp bán thêm được hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giảm các chi phí đầu vào, tích lũy thêm dòng vốn phục vụ tái sản xuất, kinh doanh…

Đáng chú ý tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội đã đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024, đồng thời giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ mỗi tuần. Tăng lương, giảm giờ làm sẽ là ‘combo’ quan trọng trong việc kích thích người tiêu dùng mua sắm, qua đó cải thiện thêm kết quả kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Lãi suất, tỷ giá hạ nhiệt, kéo giảm chi phí

Trong khi doanh thu được dự báo sẽ tăng mạnh nhờ một loạt các giải pháp hỗ trợ vĩ mô, thì chi phí của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bán lẻ nói riêng được dự báo sẽ giảm nhờ lãi suất và tỷ giá đang dần hạ nhiệt.

Thời gian qua, các ngân hàng trong nước đã liên tục hạ lãi suất. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023, Phó Thống đôc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 4 lần và mức giảm đến 2% cho một số các chỉ tiêu, một số mức lãi suất.

"NHNN đầu năm kỳ vọng và đặt mục tiêu là cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại khoảng từ 1-1,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo thống kê cũng như đánh giá của NHNN, thì mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới đã giảm khoảng 2-2,2%, tức là vượt hơn kỳ vọng và mong muốn ngay từ đầu năm" - ông Tú nhấn mạnh.

Cùng với lãi suất giảm, tỷ giá USD/VND cũng đang hạ nhiệt nhanh chóng. Tại ngày 15/11, Vietcombank chỉ còn niêm yết giá USD 24.110-24.450 đồng. Tỷ giá trong nước có xu hướng hạ nhiệt khi đồng USD suy yếu trên thị trường quốc tế. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với các đồng tiền chủ chốt rớt mạnh từ vùng 106 điểm xuống 104 điểm chỉ trong một ngày. Trong tối ngày 14/11, DXY có thời điểm rớt xuống dưới 104 điểm.

Trong năm 2024, các chuyên gia dự báo đồng USD sẽ đối mặt với suy thoái vào năm 2024 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị giảm lãi suất. Đây sẽ là thông tin rất tốt đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ sử dụng ngoại tệ cao trong hoạt động kinh doanh.

Với việc doanh thu được hỗ trợ mạnh mẽ để tăng trưởng, đồng thời các loại chi phí tài chính được tiết giảm, các doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng như Tập đoàn Masan được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận cao, đồng thời có thêm nhiều nguồn lực để phát triển các hoạt động kinh doanh.

Theo thông tin từ công ty, Masan đang có nhiều kế hoạch lớn, như Go-Global, cao cấp hóa ngành hàng, chuyển đổi các cửa hàng WinMart+ theo mô hình WIN "All That You Need" ở thành thị và WinMart+ Rural ở khu vực nông thôn...

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán HSC cho biết, Masan đã có lãi sau thuế 1.353 tỷ đồng sau 9 tháng và dự báo Masan có thể đạt lợi nhuận 2.428 tỷ đồng cả năm 2023, đồng nghĩa với lợi nhuận quý 4 là 1.073 tỷ đồng, cao nhất 6 quý và lớn gấp hơn 2 lần nếu so với quý 3.

Dự báo cho năm 2024, HSC nhận định Masan có thể đem về khoảng 5.149 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương cao gấp hơn 2 lần so với lợi nhuận cả năm 2022.

Trước đó, báo cáo của J.P Morgan đã đưa ra con số 102.000 đồng/cổ phiếu khi định giá MSN. Cơ sở cho mức định giá này là phương pháp xác định giá trị công ty trong đó mỗi công ty con của công ty hoặc bộ phận kinh doanh của nó được định giá riêng biệt và sau đó tất cả chúng được cộng lại với nhau để tạo ra tổng giá trị của công ty.

J.P Morgan đánh giá cao nỗ lực của MSN về kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chiến lược khác nhau ở các giai đoạn chu kỳ kinh doanh. Đối với danh mục hàng tiêu dùng, công ty quản lý khả năng sinh lời tương đối ổn định bằng cách cân bằng việc cải tiến lợi nhuận ở các phân khúc trưởng thành, song song đó là đầu tư vào mở rộng danh mục và tung ra sản phẩm mới.

Từ quý 2-2023, những điểm sáng của vĩ mô như ngân hàng nhà nước hạ lãi suất, giảm thuế VAT, các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất đã được triển khai, hứa hẹn đem lại các kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Masan nói riêng. Đây cũng sẽ là chất xúc tác tích cực cho dự báo của J.P Morgan về cổ phiếu MSN.

Ánh Dương

Tổ Quốc

 

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật