Thực phẩm nhảy giá, tiểu thương mỏi mắt ngóng khách
Ngày 18/5, ghi nhận tại một số chợ truyền thống như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bến Thành, Tân Định (quận 1), Phú Lâm (quận 6)… nhiều tiểu thương cho hay, buôn bán ngày càng ế ẩm từ lúc các mặt hàng tăng giá.
Nhiệt tình chào mời khi có khách đến mua hàng, bà Mười Hoa (chủ sạp 635, chợ Bà Chiểu) cho biết, giá hàng hóa tăng cao nên khách đến chợ vốn đã ít nay lại càng vắng hơn. “Từ sáng tới trưa nay tôi chỉ mới bán được hàng cho 2 khách. Lượng khách đã giảm gần 50%. Trước đây có khoảng 20 người/ngày mua hàng nhưng giờ chỉ còn tầm 10 người, thậm chí có ngày chỉ có 4-5 người” – bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, dầu ăn là mặt hàng nhảy giá nhiều nhất. Cụ thể, sau Tết đã tăng giá, nhưng từ đầu tháng 5 này đã nhích thêm 5.000 đồng/lít. Mối giao giá vốn là 45.000 đồng/lít, bán lẻ là 48.000 đồng/lít; mì gói tăng 20.000 đồng/thùng, giá hiện nay là 220.000 đồng/thùng; các loại đường, bột ngọt.
Để giữ chân khách, người tiểu thương gần 70 tuổi này không còn cách nào khác là giảm lời. Ví dụ như trước đây bán một chai dầu ăn lời 2.000 đồng thì nay chỉ còn lời khoảng 1.000 đồng. Bà Hoa cũng cho hay, giá cả biến động thất thường nhưng đều lên chứ ít khi xuống, điều này làm cho các tiểu thương ở chợ kinh doanh càng khó khăn hơn.
Cũng tại chợ Bà Chiểu, các quầy hàng thịt heo, trái cây, quần áo cũng chung cảnh đìu hiu. Bà Mai (chủ sạp thịt heo) thở dài khi chìa tờ giấy nhập hàng hiện nay bán chưa tới 2 mảnh heo. “Giá heo mảnh đã tăng cao tới 89.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ vẫn như cũ, nhưng hầu như ngày nào cũng ế vì vắng khách. 50 năm buôn bán ở chợ, chưa bao giờ tôi thấy chợ buồn và vắng như lúc này” – bà Mai nói.
Tại các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM, lượng hàng nhập chợ hàng đêm vẫn ổn định. Cụ thể, lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn đạt trên 4.300 con, tương đương khoảng 326 tấn/ngày; giá heo hơi tại các trại chăn nuôi, hộ dân từ 57.000-60.000 đồng/kg; giá heo mảnh loại 1 khoảng 76.000 đồng/kg, loại 2 có giá 68.000 đồng/kg; sườn non 130.000 đồng/kg, ba rọi 105.000 đồng/kg…
Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức thông tin, lượng hàng về chợ dồi dào, mặt hàng rau củ quả, trái cây đạt trên 1.900 tấn nên không có chuyện tăng giá đột biến. Riêng việc điều chỉnh giá tăng cao hơn so với trước, nhất là tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, chợ truyền thống là do người bán quyết định.
Tiền Phong
TIN CŨ HƠN
- Cú hích đưa ngành F&B phục hồi khi kinh tế đêm “sáng đèn”: Nhiều nhà hàng lớn tại các thủ phủ du lịch có tới 1/3 doanh thu đến từ sau 18h
- Thị trường thực phẩm ngày 23/4: Thịt lợn tăng giảm trái chiều tại Miền Nam, hải sản khuyến mãi tại các siêu thị, giá dừa khô giảm mạnh
- Thị trường Việt Nam ở đâu trong tầm ngắm của Apple?
- Thị phần Apple liên tục tăng, cửa hàng mở mới liên tục, chỉ có một dịch vụ phát triển chưa tương xứng - đây sẽ là 'mỏ vàng' mới cho các nhà bán lẻ iPhone tại Việt Nam
- Nhiều mặt hàng thực phẩm bình ổn chuẩn bị tăng giá
- Sau thương vụ mua lại hế thống nắm 10% thị phần bán lẻ ô tô, Tasco (HUT) tiếp tục muốn đầu tư vào Ninh Vân Bay
- Chóng mặt khi giá hàng hóa “nhảy múa"
- Sáng chế mới tái định hình cuộc chiến bảng hiệu ngành bán lẻ
- Không neo cao sau Tết, rau củ giảm giá sập sàn vẫn vắng khách
- Nhà vườn bội thu lứa thanh long đầu xuân