Thị trường Việt Nam ở đâu trong tầm ngắm của Apple?
Ngày 15/4, các nhà bán lẻ đồng loạt mở bán những phiên bản iPhone phiên bản màu xanh mới, gồm iPhone 13, 13 mini, 13 Pro, 13 Pro Max.
Sau khoảng một tuần cho đặt trước, FPT Shop cho hay nhận hơn 3.000 đơn hàng, trong đó iPhone 13 Pro Max chiếm đến 80%.
Tung ra phiên bản màu xanh là cách để Apple làm mới dòng iPhone 13 vốn ra mắt hồi cuối năm ngoái. Động thái này giúp các nhà bán lẻ gia tăng doanh số ở giai đoạn giữa chu kỳ hai đợt ra mắt sản phẩm iPhone.
Nói với ICTnews, ông Trần Xuân Nam, Giám đốc ngành hàng Apple của FPT Shop, cho hay phiên bản màu xanh mới ra mắt của iPhone 13 được khách hàng đón nhận tích cực, thể hiện qua đơn đặt hàng khá lớn.
Không chỉ riêng phiên bản mới, những đợt ra mắt iPhone 13 và iPhone 12 trước đó nhà bán lẻ này đều đạt doanh số năm sau cao hơn năm trước, phù hợp với tăng trưởng chung của thị trường.
“Hai năm gần đây thị trường iPhone chính hãng tăng trưởng tích cực bất chấp dịch bệnh”, ông Nam thông tin. Covid-19 khiến nguồn cung hạn chế, giao thương khó khăn, thu nhập người dân bị ảnh hưởng, song lượng khách mua iPhone không hề giảm mà có dấu hiệu tăng lên.
Trên thực tế, dịch bệnh khiến các nhà bán lẻ hàng chính hãng được hưởng lợi do nguồn hàng xách tay bị hạn chế. Các lệnh giãn cách nghiêm ngặt khiến những lô hàng chính thống mới dễ dàng thông quan. Ngoài ra, chỉ những chuỗi bán lẻ lớn có sẵn nguồn lực mới vượt qua được khó khăn kinh tế sau đại dịch. Điều này khiến một lượng lớn khách vốn mua hàng xách tay chuyển sang chính hãng.
Không chỉ vậy, ông Nam cho hay Apple cũng đang chú ý tới thị trường Việt Nam nhiều hơn. “Trước đây iPhone mới thường bán chính thức tại Việt Nam sau các thị trường khác khoảng hơn 4 tuần, nhưng hiện nay thời gian này đã được rút xuống còn 3 tuần”, đại diện FPT Shop lý giải.
Thêm vào đó, mức giá iPhone chính hãng đã được điều chỉnh để bằng hoặc thậm chí rẻ hơn so với iPhone xách tay, điều này giáng đòn mạnh vào những cửa hàng nhỏ lẻ mong muốn hưởng chênh lệch giữa hai nguồn hàng.
Song song với những động thái trên, Apple cũng liên tục hợp tác với các đối tác tại Việt Nam để mở mới các cửa hàng được uỷ quyền (AAR - Apple Authorised Retailer, hoặc APR - Apple Premium Retailer). Các cửa hàng này góp phần gia tăng nhận diện của hãng táo tại Việt Nam, giúp xây dựng hệ sinh thái Apple phát triển mạnh hơn.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được Apple xếp ở cấp (tier) 3, sau Thái Lan (tier 2) và Singapore (tier 1). Điều này giải thích lý do sản phẩm Apple chính hãng tại Việt Nam thường được mở bán sau Singapore ít nhất 3 tuần.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng doanh số iPhone và các sản phẩm khác của Apple tại Việt Nam đang tăng lên, dự báo trong năm 2022 có thể vượt Thái Lan, do đó thị trường trong nước có thể được nâng cấp lên mức 2. Khi đó, sản phẩm Apple có thể được mở bán sớm hơn, các ưu đãi có thể tốt hơn.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng 9 năm ngoái, Tim Cook - CEO Apple - cho hay khoảng 1/3 doanh số của hãng trong năm tài chính 2021 đến từ các thị trường mới nổi. Trong đó, hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ và Việt Nam tăng gấp đôi.
TIN CŨ HƠN
- Thị phần Apple liên tục tăng, cửa hàng mở mới liên tục, chỉ có một dịch vụ phát triển chưa tương xứng - đây sẽ là 'mỏ vàng' mới cho các nhà bán lẻ iPhone tại Việt Nam
- Nhiều mặt hàng thực phẩm bình ổn chuẩn bị tăng giá
- Sau thương vụ mua lại hế thống nắm 10% thị phần bán lẻ ô tô, Tasco (HUT) tiếp tục muốn đầu tư vào Ninh Vân Bay
- Chóng mặt khi giá hàng hóa “nhảy múa"
- Sáng chế mới tái định hình cuộc chiến bảng hiệu ngành bán lẻ
- Không neo cao sau Tết, rau củ giảm giá sập sàn vẫn vắng khách
- Nhà vườn bội thu lứa thanh long đầu xuân
- Vốn ngoại liên tục đổ vào thị trường bán lẻ Việt: Động lực để bứt tốc sau dịch?
- Thị trường bánh kẹo Tết: Giá tăng, tiêu thụ chậm, hàng nội lên ngôi
- Hệ thống bán lẻ Viettel chính thức ra mắt chuỗi giadung.vn với 100 điểm bán đầu tiên