Thương mại điện tử: Rào cản đến mục tiêu 10 tỉ đô
Cách đây không lâu, trong một dịp đi thăm Tú Làn, chúng tôi phải di chuyển bằng ghe để đến nới tham quan. Chiếc ghe khá dài chở mấy tay thanh niên chúng tôi được lèo lái bởi một phụ nữ tầm 40 tuổi.
Thoạt nhìn trông bà không có gì nổi bật trừ đôi giày khá nổi so với bộ quần áo bà mặc. Một anh bạn tinh nghịch trong nhóm chỉ vào đôi giày đó và hỏi bà đang sử dụng của hãng nào. Câu trả lời của bà làm cả nhóm chúng tôi bất ngờ khi đó là thương hiệu giày khá nổi tiếng trên mạng trong thời gian qua, càng bất ngờ hơn khi bà cho biết chúng được mua qua mạng.
Thật khó mà diễn tả được thái độ ngạc nhiên của chúng tôi khi tiếp nhận được thông tin đó ở nơi mà ngay cả các nhãn hàng có kênh phân phối truyền thống mạnh nhất nhì cũng phải chùn chân.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020.
Một con số ấn tượng khác, theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen, thế hệ Z (những người sinh năm 1996-2000), nhóm chiếm 21% lực lượng lao động ở Việt Nam vào năm 2025 có tỉ lệ kết nối internet thường xuyên lên đến 21%, cao gấp đôi so với thệ hệ Millennial (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000).
Cùng với đó, gần 1/3 người sử dụng internet để mua sắm online với chi tiêu trung bình 160 USD/người/năm. Hầu hết sản phẩm mà người tiêu dùng Việt mua bán online chủ yếu là quần áo, giày dép chiếm tỉ lệ 64%; sách, âm nhạc, văn phòng phẩm chiếm 51%; mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân 40%; các sản phẩm công nghệ thông tin, gia dụng chiếm 40%; đồ nội thất 29%; sản phẩm ăn uống 20%. Dự kiến đến năm 2020, có 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm online, đạt giá trị trung bình 350 USD/người/năm.
Chính lực lượng này đã khiến nhiều doanh nghiệp truyền thống sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp đang nghiêm túc tích hợp kinh doanh trực tuyến vào mô hình kinh doanh của họ.
Một doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam có thị phần lớn nhất nước, sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp và họ chuyển một phần lên trực tuyến chỉ trong 3 tháng cùng chi phí đầu tư gần như bằng 0 chỉ bằng cách kết nối bộ phận trực tuyến và các đại lý hiện tại để phân phối đơn hàng xuống từng khách lẻ.
Hay một doanh nghiệp kinh doanh văn phòng phẩm Việt Nam đã mở kênh trực tuyến kết nối thẳng đến các công ty khách hàng để hỗ trợ họ đặt hàng. Điều này giúp bên mua chủ động trong việc mua sắm còn bên bán cũng ước lượng được số lượng sản phẩm cần sản xuất tốt hơn.
Đã từ rất lâu, các doanh nghiệp sản xuất không thể biết được sản phẩm đưa ra thị trường được phản hồi như thế nào. Việc phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống khiến thời gian phản hồi lên đến 6 tháng, có khi là một năm. Thông qua thương mại điện tử, doanh nghiệp này không chỉ rút ngắn mà còn là người nắm bắt kịp xu hướng tiêu dùng, điều rất hiếm thấy ở các doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nếm được quả ngọt của quá trình đầu tư vì không có công thức chung cho việc đầu tư thương mại điện tử thành công. Nó phụ thuộc rất lớn vào điểm mạnh, yếu của từng doanh nghiệp mà chỉ có chủ doanh nghiệp mới biết rõ.
Để đảm bảo thành công trong quá trình đầu tư thương mại điện tử, chủ doanh nghiệp phải biết tạo áp lực lên các nhà cung cấp không chỉ trong việc rút ngắn thời gian thiết lập mà còn phải tối ưu được nguồn lực sẵn có.
Bên cạnh đó, chính chủ doanh nghiệp cũng phải là người đặt ra các quy chuẩn làm việc mới với đối tác khi kéo họ tham gia kinh doanh trực tuyến. Đoàn tàu sẽ không thể đi nhanh, đi đúng hướng nếu một trong các toa trật bánh.
Và quan trọng hơn hết, lợi ích của thương mại điện tử phải được chia sẻ đồng đều cho bộ phận bán hàng hay các đối tác của doanh nghiệp. Câu chuyện của công ty kinh doanh ngành hàng tiêu dùng nhanh, văn phòng phẩm sẽ không thể thành công nếu họ không cho thấy giá trị đem lại về mặt doanh thu cho các đối tác.
Đầu tư thương mại điện tử chưa bao giờ là dễ dàng, nó không chỉ là công nghệ mà còn là đầu tư vào quy trình vận hành, nhân lực đảm trách. Nhưng có điều chắc chắn rằng thương mại điện tử sẽ sớm gõ cửa doanh nghiệp, giống như cách nó tìm đến bà lái đò ở Tú Làn. Khi đó, đầu tư liệu có còn kịp.
Huỳnh Lâm Hồ - CEO Haravan
Theo nguồn: Nhịp cầu Đầu tư
TIN CŨ HƠN
- Sendo được đầu tư 51 triệu USD
- Sendo vừa nhận khoản đầu tư hơn 50 triệu đô, quyết 'khô máu' ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam
- Nhu cầu mua sắm online của người Việt tăng “thần tốc“
- Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến
- Thương mại điện tử: Thời cơ đang đến
- Doanh thu thương mại điện tử tiêu dùng nhanh sẽ đạt 400 tỷ USD năm 2020
- Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi bộ mặt ngành thương mại điện tử như thế nào?
- Hàng superfake giá rất rẻ được rao bán công khai trên Sendo, Lazada
- Bán hàng thương mại điện tử: 12 công cụ tiếp thị trực tuyến “quyền năng”
- Bán hàng thương mại điện tử: 12 công cụ tiếp thị trực tuyến “quyền năng”