Thương mại điện tử: Thời cơ đang đến

Theo các chuyên gia thương mại, năm 2018 là thời điểm vàng của thương mại điện tử khi đa số người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc mua sắm trực tuyến.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục.

Phủ khắp mặt trận

Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, trung bình một tuần, mỗi người bỏ ra gần 25 giờ để lên mạng, tức hơn 3 giờ/ngày. Cùng với đó, gần 1/3 người sử dụng internet để mua sắm online với chi tiêu trung bình 160 USD/người/năm.

Hầu hết sản phẩm mà người tiêu dùng Việt mua bán online chủ yếu là quần áo, giày dép chiếm tỷ lệ 64%, sách, âm nhạc, văn phòng phẩm chiếm 51%, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân 40%, các sản phẩm công nghệ thông tin, gia dụng chiếm 40%, đồ nội thất 29%, sản phẩm ăn uống 20%…

Đây cũng là lý do không ít các nhà phân phối lớn như Công ty TNHH Lotte Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam đã đẩy mạnh, phát triển kênh mua sắm trực tuyến để chen chân cùng các thương hiệu vốn nổi tiếng như Adayroi, Alibaba, Thế giới Di Động, Lazada, Vật giá, Én bạc…

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thương mại điện tử đang là mô hình kinh doanh có mức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế hiện đại nhờ phát huy thế mạnh về tiện lợi cho những người bận rộn.

Do đó, một nửa dân số Việt Nam sử dụng Internet và đang nằm trong top dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á.

Hiện nay, trung bình một người Việt Nam sở hữu 1,3 chiếc điện thoại, trong đó 70% là smartphone. Hạ tầng công nghệ vững vàng là nền tảng để thương mại điện tử Việt Nam tạo ra doanh số 4 tỷ USD trong năm qua. Tuy nhiên, theo chỉ số xếp hạng năm 2017, chỉ số thương mại điện tử vẫn tồn tại khoảng cách số rất lớn giữa các địa phương.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thời gian qua các kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động.

Vì vậy, có khoảng 46% doanh nghiệp tự xây dựng, vận hành website, 13% doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử.

 Giai đoạn 2012 – 2016, tỷ lệ doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng và đặt hàng thông qua các website thương mại điện tử tăng 30%. Đáng chú ý, có tới 76% website bán hàng có phạm vi kinh doanh toàn quốc, 24% có phạm vi kinh doanh theo địa phương hoặc khu vực.

Không những thế, các ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM…), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động…

Thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn nhiều vùng "trắng".

Lắp khoảng trống và bành trướng

Nhìn vào bảng xếp hạng có thể thấy điểm số giữa TP.HCM và Hà Nội - hai thành phố lớn nhất của Việt Nam có khoảng cách khá xa so với các tỉnh, thành còn lại.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng tiến hành cuộc khảo sát về tình hình ứng dụng thương mại điện tử tại gần 4.150 doanh nghiệp trên toàn quốc vào cuối năm 2017. Theo đó, 32% số doanh nghiệp có kinh doanh trên mạng xã hội và chỉ 11% số doanh nghiệp tham gia vào việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

Hiện quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong 4 năm tới, con số này được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Do đó, các chuyên gia nhìn nhận mặc dù vẫn còn những thách thức, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ cho phép doanh nghiệp nước này dễ dàng bán hàng trực tuyến ở nước khác, nhưng thương mại điện tử tại Việt Nam đang là một mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có cả các doanh nghiệp khởi nghiệp.

 Lê Trang
Theo nguồn: Nhịp cầu Đầu tư


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật