Tiêu chí nào để đưa hàng hóa vào diện thuế tiêu thụ đặc biệt?

Mới đây UBND TP.HCM đề nghị đưa mặt hàng điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm,... vào diện thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Vậy theo quy định của pháp luật và ngành thuế, những loại hàng hóa nào thuộc diện đánh thuế TTĐB, tiêu chí để đưa vào là gì? Cơ quan chức năng nào có đủ thẩm quyền để phân loại và đưa hàng hóa vào diện thuế TTĐB?

Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ. Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó nộp, nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.

Đối tượng chịu thuế TTĐB là những hàng hóa, dịch vụ không thật sự cần thiết cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của con người đồng thời có những tác hại nhất định đến người sử dụng, môi trường và xã hội.

Mức thu thuế TTĐB thường dao động từ 25% - 70%, cá biệt có thể lên đến 150% như loại xe ôtô dưới 24 chỗ có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 lên.

Luật sư Phạm Tấn Phát - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo khoản 1 Điều 2 Luật Thuế TTĐB, hàng hóa chịu thuế TTĐB gồm những loại sau: Thuốc lá điếu, xì gà, rượu, bia; ôtô dưới 24 chỗ, môtô hai bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3, tàu bay, du thuyền, xăng các loại, điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống, bài lá, vàng mã và hàng mã.

"Đối tượng chịu thuế chịu thuế TTĐB còn bao gồm các loại hình kinh doanh, dịch vụ như: kinh doanh vũ trường, kinh doanh massage, karaoke, kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy jackpot máy slot và các loại máy tương tự, kinh doanh đặt cược, kinh doanh gôn (golf) và kinh doanh xổ số." - Luật sư Phát nói.

Căn cứ để tính giá thuế TTĐB

Chiều 14.5, trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Cục thuế TPHCM cho biết, cách tính giá thuế TTĐB được cấu thành trong giá cả hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng chịu khi mua, được quy định trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ là giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ của cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế giá trị gia tăng, được xác định cụ thể như sau:

 Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế TTĐB được xác định: Giá tính thuế TTĐB = Giá bán chưa có thuế GTGT + Thuế suất thuế TTĐB.

Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và thuế suất. Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bằng giá tính thuế TTĐB nhân với thuế suất TTĐB.

Quốc hội là cơ quan ban hành Luật thuế TTĐB, sau khi xem xét đề xuất của các cơ quan ban ngành liên quan của Chính phủ.

Đề xuất đánh thuế TTĐB chưa tạo được sự đồng thuận

Căn cứ với các quy định của pháp luật về việc xác định các loại hàng hóa chịu thuế TTĐB và cách tính giá thuế TTĐB như trên, thì việc đề xuất đưa điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm,... vào diện chịu thuế TTĐB chưa tạo được đồng thuận trong nhiều người dân.

Chuyên gia thuế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, việc tăng thuế hay mở rộng diện chịu thuế đều cần có sự thận trọng và lấy ý kiến rộng rãi đến người dân.

"Việc đánh thuế hay tăng thuế nên tập trung vào những nguồn thu đã có nhưng còn thất thoát, như khai thác khoáng sản, bất động sản, doanh thu từ thương mại điện tử, chuyển giá... Còn những mặt hàng tiêu dùng cần thiết và chính đáng của người dân như điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm thì nên tạo để người dân thụ hưởng." - ông Hiếu nói.

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - GĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cho rằng, việc đưa một số mặt hàng như điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm,... vào diện thu thuế đặc biệt là kéo lùi sự phát triển và văn minh.

Theo bà Trân, Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển công nghệ 4.0, thì cần phải tạo điều kiện và khuyến khích người dân dùng điện thoại thông minh để hòa nhập vào thế giới văn minh. Đồng thời, cuộc sống ngày càng đi lên thì nhu cầu sử dụng mỹ phẩm, nước hoa để làm đẹp thêm cho chị em phụ nữ cũng như cánh đàn ông là nhu cầu tất yếu trong xã hội hiện đại.


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật