TP.HCM lên phương án khôi phục kênh phân phối hàng hoá
Chuẩn bị khôi phục kênh phân phối chợ đầu mối và chợ truyền thống
Ngày 13/9, Sở Công Thương đã có công văn gửi các quận, huyện, đơn vị quản lý chợ về việc chuẩn bị mở cửa lại các chợ đầu mối trên địa bàn. Các đơn vị quản lý chợ được yêu cầu cho ý kiến góp ý về dự thảo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trước khi chính quyền Thành phố cho phép mở cửa lại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương, Sở đang làm việc với các quận, huyện để rà soát, sau đó sẽ hướng dẫn các quận, huyện đồng loạt mở lại 3 chợ nói trên. Song song đó, Sở sẽ đánh giá tình hình số chợ truyền thống đang hoạt động, đề xuất phương án mở lại các chợ khác "vào thời điểm phù hợp”.
Trước mắt, Sở phối hợp với ngành y tế đẩy nhanh tiến độ người lao động của các DN được tiêm vaccine đầy đủ, chuẩn bị nguồn “nhân lực xanh” để mở lại hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, Sở phối hợp UBND Q. 7 và huyện Củ Chi lên phương án cho phép mỗi gia đình được đi chợ 1 lần/tuần tại địa bàn.
Bình Điền - một trong 3 chợ đầu mối sẽ được Thành phố cho phép mở cửa lại trong thời gian tới |
TP sẽ gia tăng mạng lưới cung ứng hàng hóa, tăng cường tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa và khả năng dự trữ. Hiện TP.HCM có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống, 2.100 cửa hàng tiện ích còn hoạt động.
Các chợ đang được phép hoạt động chủ yếu nằm ở ngoại thành, số này rất ít nên cần mở thêm.
Tăng cường nhân lực và khôi phục điểm bán có sẵn
Thực hiện chủ trương đưa hàng hóa đến tay người dân của TP, Satra đã mở cửa trở lại nhiều cửa hàng. Hiện Satra đang mở cửa 165 cửa hàng Satrafoods, trong đó có 97 cửa hàng thuộc 8 quận, huyện “vùng đỏ”.
Theo đại diện của Satra, cùng với việc được cấp nhiều hơn số lượng giấy đi đường, Satrafoods đã trở lại hoạt động như thời điểm trước khi siết chặt giãn cách. Tại 3 siêu thị Satramart, số lượng nhân viên thuộc khu vực siêu thị tự chọn cũng tăng từ 10% đến 25% so với hơn hai tuần trước. Nhờ vậy, lượng đơn hàng nhanh chóng được giao đến tay người dân, nhất là khu vực đi chợ hộ. Cụ thể, trong ngày 12/9, chuỗi cửa hàng Satrafoods đã thực hiện hơn 9.800 combo, tổng giá trị gần 3,4 tỷ đồng.
Đặc biệt khi năm học mới bắt đầu, tại Satramart - siêu thị Phạm Hùng, lượng khách hàng đặt dụng cụ học sinh, văn phòng phẩm tăng vọt.
Các nhà bán lẻ tăng cường mở lại các điểm bán mới |
Tiếp cận khách hàng bằng nhiều cách khác nhau
Không chỉ vậy, các siêu thị Satramart, cửa hàng Satrafoods còn đưa thực phẩm lên mục “đi chợ” của ứng dụng Be, G1 Mart, nhận đơn online qua Zalo. Tại các ứng dụng này, khách hàng có thể đặt mua theo combo sẵn, giá từ 55.000 - 560.000 đồng hoặc có thể mua lẻ thực phẩm tươi sống và các loại hàng thiết yếu khác.
Tương tự, siêu thị Aeon Tân Phú đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cho các kênh mua sắm online, shipper đi chợ hộ, người dân đi chợ trực tiếp và chỉ chờ các địa phương cho phép mô hình nào siêu thị sẽ đáp ứng ngay.
Đại diện Aeon Tân Phú nhận định đề xuất của Sở Công Thương cho phép người dân mua sắm theo hình thức phiếu đi chợ hằng tuần sẽ giúp giảm bớt những bất tiện trong việc mua hàng.
Tại một số khu vực, Saigon Co.op tổ chức hình thức mua chung giao hàng tận nơi bằng xe buýt thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food. Với những khu vực người dân được đi mua hàng, siêu thị sẽ áp dụng song song kênh mua chung qua các đầu mối và bán hàng online. Hiện các siêu thị Co.opmart và Co.opXtra đang giải cứu nông sản của các địa phương như chôm chôm giống Java (Bến Tre), bơ booth (huyện Cư M’gar. tỉnh Dak Lak) với số lượng hơn 150 tấn. Giá bán bình quân 12.000 đồng/kg chôm chôm và 21.900 đồng/kg bơ. Từ nay đến hết ngày 22/9, các siêu thị thuộc Saigon Co.op cũng giảm giá cho 200 mặt hàng, đồng thời trích một khoản ngân sách từ doanh thu bán bánh trung thu để mua vật phẩm y tế tặng tuyến đầu chống dịch.
Theo: Doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- Sức mua hàng hóa tại Việt Nam có giống 'lò xo bị nén chờ ngày bung ra', hay sẽ giảm luôn?
- Siêu thị AEON, Vinmart/Vinmart+… những ngày siết chặt giãn cách tại Tp.HCM: Tăng gấp 4-5 lần nguồn cung, chuẩn bị hàng theo combo và tiếp tục chờ hướng dẫn mới
- Hà Nội đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân
- Hà Nội: Rau xanh, thực phẩm giá tăng vọt khi nhiều chợ đầu mối, siêu thị đóng cửa
- Nhà bán lẻ xoay trở trong điều kiện kinh doanh mới
- Hà Nội công bố danh sách hơn 7.800 điểm bán hàng hóa thiết yếu
- Các siêu thị Hà Nội dự trữ hàng thiết yếu phòng dịch nhiều cỡ nào?
- Hà Nội đề nghị lập 'luồng xanh' chuyển hàng mùa dịch
- Nóng chuyện giá cả thực phẩm giữa tâm dịch Tp.HCM: Hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market Co.op Food cam kết giữ vững bình ổn giá
- Doanh nghiệp Việt đua nhau tham gia thị trường bán lẻ