Trái cây ngoại tràn ngập
Sáng 13-9, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), khu vực trái cây nhập khẩu hết sức đa dạng với nhiều loại như: táo, nho, lê, lựu, đào...
Nhập khẩu tăng vọt
Khu trái cây Trung Quốc đến giờ xả hàng nên giá rẻ bất ngờ: nho mẫu đơn 320.000 đồng/rổ (4 kg, tương đương 80.000 đồng/kg), lựu đỏ 180.000 đồng/thùng (8 kg, 22.000 đồng/kg), nho xanh không hạt 200.000 đồng/rổ (6 kg, hơn 33.000 đồng/kg)... Nhiều xe bán hàng rong đua nhau gom hàng, sau đó ra ngoài bỏ bao bì rồi chở đi bán lẻ khắp TP HCM.
Theo quan sát, các thùng đựng trái cây Trung Quốc không còn ghi toàn tiếng Hoa như trước đây mà có tiếng Việt được in thẳng trên bao bì. Bên trong, trái cây được phân loại và đóng gói khá cẩn thận, như quả lựu có đến 3 lớp bao bì để chống dập.
Đại diện Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết hiện trái cây Trung Quốc về chợ khoảng 200 tấn/ngày, chiếm khoảng 26%. "Trái cây Trung Quốc vào mùa nên lượng hàng về chợ nhiều hơn, còn bình thường chỉ dưới 20%. Giao thương ở các cửa khẩu phía Bắc cũng gần như bình thường trở lại nên lượng hàng về nhiều hơn các tháng đầu năm" - đại diện công ty này lý giải.
Trái cây nhập khẩu bày bán tại một cửa hàng ở TP HCM. Ảnh: AN NA
Không chỉ trái cây Trung Quốc, hàng từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand… cũng được tập kết về các điểm bán sỉ cạnh chợ đầu mối để phân phối ra thị trường.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2022, ước tính Việt Nam đã chi hơn 1,2 tỉ USD để nhập rau quả các loại, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả lại giảm 14,6%, giá trị kim ngạch còn 2,15 tỉ USD. Đáng chú ý là giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng đến 64% trong 7 tháng đầu năm với giá trị gần 388 triệu USD. Các thị trường khác cũng có mức tăng trưởng cao, như: Úc tăng 28%, Nam Phi tăng 27%, Hàn Quốc tăng 50%.
Giá giảm rất mạnh
Trên thị trường bán lẻ, các cửa hàng đơn lẻ hoặc thuộc chuỗi cửa hàng chuyên doanh trái cây cao cấp như Klever Fruit, Farmer Market, Trái cây 141… trước đây thường bán các loại trái cây nhập khẩu gồm nho, cherry, táo… với giá rất cao, từ vài trăm ngàn đồng đến một vài triệu đồng/kg. Tuy nhiên, gần đây, các cửa hàng này thường xuyên có chương trình ưu đãi giảm giá với trái cây ngoại, chẳng hạn táo châu Âu một số thời điểm giá chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Ở kênh bán hàng truyền thống, nhiều loại trái cây nhập (táo, lê, nho) cũng chỉ còn 20.000 - 30.000 đồng/kg, nếu mua sỉ, giá còn rẻ hơn rất nhiều.
Đại diện chuỗi cửa hàng Grove Fresh cho hay táo Envy và kiwi vàng New Zealand có chương trình khuyến mãi nên tiêu thụ rất tốt. "Năm nay, nhà phân phối táo Envy tại Việt Nam đang tái đầu tư hình ảnh, nhận diện thương hiệu nên có chính sách giá tốt. Với mặt hàng nho và cherry thì đang có thêm một số nhà nhập khẩu mới tham gia, bước đầu có trợ giá để tìm thị trường" - Grove Fresh giải thích.
Ông Phạm Văn Băng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tiên Thảo (chuyên phân phối các loại trái cây ngoại), cho biết bộ phận người tiêu dùng có thu nhập khá trở lên tại Việt Nam đang gia tăng và là đối tượng chính tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu. Trái cây nhập từ Mỹ, Hàn Quốc rất được ưa chuộng. Trái cây nhập về Việt Nam theo 2 hình thức: đường biển, nhập theo container đối với những loại sử dụng lâu ngày; đường hàng không, nhập theo thùng gỗ đối với những loại có thời hạn sử dụng ngắn.
"Chúng tôi đang xin giấy phép nhập khẩu và làm việc với đầu mối bán hàng tại Mỹ, Hàn Quốc, sắp tới sẽ trực tiếp nhập về bán số lượng lớn để tăng khả năng cạnh tranh" - ông Băng thông tin.
Xuất khẩu gặp khó
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng trái cây nhập khẩu tăng mạnh là do nước ta đã mở cửa thị trường. Các hiệp định thương mại tự do giúp trái cây Việt Nam xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% thì nhập khẩu cũng giảm thuế tương ứng.
"Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp rau quả số 1 của Việt Nam vì có lợi thế thị trường gần, chi phí thấp và giá rẻ. Những năm gần đây, ngành trái cây Trung Quốc nâng cao được chất lượng, mẫu mã nên khả năng cạnh tranh cũng cao hơn. Trong khi đó, trái cây Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc lại bị ách tắc do chính sách "Zero Covid" của nước này" - ông Nguyên nhìn nhận.
NLĐ
TIN CŨ HƠN
- Ngành bán lẻ Việt thu hút nhà đầu tư Nhật
- Tăng khuyến mãi, siêu thị 'siết' lượng mua để tránh đầu cơ
- Bán lẻ dược phẩm: 'Gà đẻ trứng vàng' cho tương lai của Thế giới di động, FPT Retail
- Siêu thị hạn chế số lượng trứng, bia được mua để tránh đầu cơ
- Lợi nhuận doanh nghiệp bán lẻ quý II giảm tốc, triển vọng quý III tăng trưởng do nền thấp cùng kỳ
- Rất ít hàng hóa giảm giá theo giá xăng
- Chuỗi cà phê bùng nổ trở lại
- Giá thịt, rau củ siêu thị hạ nhiệt
- Giá bánh Trung thu năm nay tăng cao chưa từng có
- Tham vọng của đại gia bán lẻ Thái Lan trên đất Việt: Rót 20.000 tỷ đồng để thực hiện hoá doanh số 65.000 tỷ, dẫn đầu về thực phẩm và trung tâm thương mại sau 5 năm