Trước các đối thủ mạnh như Giao Hàng Nhanh và Ahamove, startup SuperShip giờ ra sao sau hơn 5 năm lên Shark Tank?
Tại thời điểm tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 1 cuối năm 2017, SuperShip là một startup giao hàng và thu tiền về cho các shop bán hàng online, mỗi ngày xử lý khoảng 2.000 đơn hàng, đạt tốc độ tăng trưởng mỗi tháng từ 10-20%, doanh thu tháng gần nhất khoảng 1 tỷ đồng.
Ngay lập tức, Shark Lê Đăng Khoa chỉ ra rằng trong lĩnh vực của SuperShip hiện có những tên tuổi lớn như Giao Hàng Nhanh hay Ahamove, cung cấp dịch vụ tiện lợi và dễ sử dụng, dẫn đến câu hỏi điểm nổi bật của SuperShip trước các đối thủ là gì.
“ Thứ nhất, em sẽ hợp tác với các đơn vị cung cấp giải pháp bán hàng cho các shop để kết nối với rất nhiều shop cùng lúc. Thứ hai, em sẽ nhân rộng mô hình này, cung cấp giải pháp cho những đơn vị chuyển phát truyền thống và đơn vị nội thành ở các tỉnh mà chưa có giải pháp công nghệ hoặc mô hình hoàn thiện, tạo thành một mạng lưới giao hàng cùng các đối tác ”, CEO SuperShip Lê Thanh Hoài trình bày.
Trước lời đề nghị đầu tư của 4/5 “vị cá mập”, Thanh Hoài quyết định bắt tay với Shark Trần Anh Vương – người đồng ý rót 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần.
Bước nhảy vọt hậu Shark Tank
Dưới sự đồng hành và tư vấn của Shark Vương sau chương trình, CEO Lê Thanh Hoài đã thay đổi chiến lược kinh doanh, từ chỗ xác định tự bỏ vốn mở bưu cục để gây dựng mạng lưới sang mô hình nhượng quyền.
Tại mỗi tỉnh, SuperShip chỉ cần chọn một hoặc vài người đại diện, sau đó chuyển giao công nghệ phía sau cho họ. Về bản chất, đơn hàng vẫn đi hệ thống của SuperShip, nhưng công việc giao hàng sẽ do bưu cục nhượng quyền thực hiện.
Như vậy, SuperShip có hai nguồn thu là phí nhượng quyền và % doanh thu trên mỗi đơn ship. Ngoài ra, do phải bỏ vốn hợp tác nên tinh thần làm chủ của đối tác cũng cao, giúp đảm bảo chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.
Thanh Hoài từng chia sẻ với truyền thông rằng mô hình nhượng quyền giúp SuperShip có thể chạy đua trong cuộc chơi giao hàng. Không chỉ tận dụng được năng lực tài chính của cả hệ thống, sự am hiểu thị trường của đối tác tại các địa phương, mô hình này còn tạo ra lợi thế cạnh tranh về chi phí, thời gian giao hàng.
SuperShip bắt đầu triển khai mô hình nhượng quyền giao hàng từ năm 2018 với 32 đối tác đầu tiên. Một năm sau, số đối tác đã được nâng lên 170 với mạng lưới phủ rộng toàn quốc.
Năm 2020, doanh thu của công ty đạt 60 tỷ đồng, gấp đôi năm 2019 và gấp khoảng 10 lần so với con số 7,4 tỷ đồng năm 2017 – thời điểm tham gia Shark Tank. “Thừa thắng xông lên”, startup giao hàng này đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 lên tới 120 tỷ đồng, tức là gấp đôi năm trước đó.
Tuy nhiên, năm 2020 cũng là thời điểm đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội và hoạt động của các doanh nghiệp, không ngoại trừ SuperShip. Nhiều đối tác của công ty ngưng hoạt động bởi nhu cầu tiêu dùng, sắm sửa giảm dẫn đến số lượng đơn hàng giảm.
" Đại dịch Covid-19 cũng làm trì hoãn quá trình gọi vốn với các quỹ nước ngoài, ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng đột phá, buộc công ty phải chuyển sang phương án dự phòng ", Thanh Hoài chia sẻ với truyền thông hồi tháng 8/2020.
Vượt qua đại dịch, nhận vốn từ nhà đầu tư mới
Theo CEO của SuperShip, từ hồi tháng 3/2021, doanh số công ty giảm trung bình mỗi tháng từ 5% đến 10%. Lượng đơn hàng giảm, chi phí trung chuyển hàng hóa tăng, nên đến tháng 8/2021, SuperShip tạm ngừng hoạt động giao hàng liên tỉnh nội bộ để bảo vệ dòng tiền, nhiều bưu cục cũng phải tạm ngưng hoạt động.
Nhằm duy trì hoạt động xuyên suốt dịch, tại các khu vực bị giãn cách, SuperShip chuyển sang giao lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu và thiết bị y tế. Tới tháng 10/2021, startup này phục hồi được 92,87% so với tháng 3 đầu năm.
“ Trong thời gian này, SuperShip cũng đã tối ưu được mô hình kinh doanh, trở thành đơn vị giao hàng duy nhất có kết nối khách hàng từ đa phần mềm đầu vào (quản lý bán hàng, website, livestream, chatbox…) với đa nhà vận chuyển đầu ra, trong đó vẫn lấy SuperShip là đơn vị giao hàng trọng tâm ”, Thanh Hoài chia sẻ.
Khoảng cuối tháng 12/2021, SuperShip triển khai kế hoạch huy động vốn lần 2 sau thành công trên Shark Tank, kêu gọi 25 tỷ đồng cho 25% cổ phần nhằm chinh phục những cột mốc tham vọng hơn. Theo thông tin trên website công ty, mục tiêu giai đoạn 2023-2024 của SuperShip là chuẩn hóa và tối ưu doanh số trên 170 tỷ đồng, hướng đến nhượng quyền chuyển phát đa quốc gia.
Hôm 30/6 vừa qua, CEO Lê Thanh Hoài thông báo trên trang Facebook cá nhân rằng SuperShip nhận 4,5 tỷ đồng từ Headway Holding - một công ty chuyên về đầu tư, logistics và công nghệ với hơn 20 năm kinh nghiệm trên thương trường. Không có thông tin chi tiết nào khác được tiết lộ.
Theo những thông tin gần đây trên fanpage Facebook của SuperShip, công ty đã phủ sóng trên toàn quốc với hơn 300 bưu cục và đại lý, hơn 150.000 người dùng đã đăng ký cùng hàng triệu đơn hàng đã được chuyển giao trên toàn quốc.
Nhịp sống thị trường
TIN CŨ HƠN
- Từ chuyện Nova F&B "rũ áo", Manwah giảm nửa giá đến "trend" cà phê muối, trà mãng cầu 20.000 đồng/ly: Phân khúc giá rẻ ngày càng chật chội, thị trường sẽ chạm đáy?
- 7 cơ hội định hình ngân hàng bán lẻ trong năm 2024
- Các ngân hàng TMCP Nhà nước tiếp tục mong muốn được tăng vốn điều lệ
- Lãi suất cho vay liên tục giảm: Tăng trưởng tín dụng có thoát đáy?
- Ngân hàng Nhà nước ‘lệnh’ giảm lãi suất cho vay
- Lãi suất giảm, doanh nghiệp có dễ tiếp cận?
- Lãi suất ngày 16/6: Thêm 2 ngân hàng điều chỉnh giảm
- Lãi suất huy động cao nhất ngày 12/6 tại ngân hàng nào?
- Nhiều ngân hàng tư nhân lớn tiếp tục hạ lãi suất huy động, xu hướng giảm sẽ chưa dừng lại?
- Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động lần thứ 2 trong chưa đầy nửa tháng