Vì sao Bộ Tài chính đề xuất dừng đổi đất lấy hạ tầng?

Từ giữa năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

Mới đây, Bộ Tài chính gửi công văn đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT).

Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công

Theo công văn này, UBND TP Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho năm dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BT, thanh toán bằng quỹ đất hàng trăm hecta cho các nhà đầu tư.

Năm dự án đổi đất lấy hạ tầng gồm dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens; dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông; dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5; dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng; dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3.

Lý do mà Bộ Tài chính nêu ra là Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã nói rõ từ 1-1-2018, không áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015 của Thủ tướng quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao.

Trước đó, vào ngày 28-3, Bộ Tài chính cũng gửi công văn cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và UBND các tỉnh/TP trực thuộc trung ương hướng dẫn một số nội dung liên quan đến chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Vì sao Bộ Tài chính đề xuất dừng đổi đất lấy hạ tầng? - Ảnh 1.

Đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn là một trong những dự án xây dựng theo hình thức BT. Ảnh: L.A

Tại công văn này, ngoài vấn đề xe công, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan nêu trên “tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao có hiệu lực thi hành.

Thật ra từ giữa năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT. Đến nay nghị định này chưa được ban hành.

để xử lý các vấn đề chuyển tiếp trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết chưa được ký ban hành, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi nghị định trên có hiệu lực thi hành.

BT còn nhiều bất cập

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc đã trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Phần về các dự án BT cho thấy một bức tranh không “sáng sủa” lắm.

 Theo báo cáo này, KTNN đã kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT trong năm 2017 và nhận thấy “hầu hết dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu”.

Theo KTNN, có rất nhiều vấn đề trong các dự án BT như: Nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu chưa đầy đủ và đúng hạn như tiến độ đã cam kết trong hợp đồng hoặc ký hợp đồng nhưng không quy định phần vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư; xác định lãi suất vốn vay còn sai sót, thiếu cơ sở; ký kết hình thức hợp đồng không phù hợp, quy định không rõ ràng thời điểm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước làm tăng chi phí lãi vay trong phương án tài chính; xác định tổng vốn đầu tư trong phương án tài chính chưa hợp lý, một số chi phí lập cao so với thực tế và quy định hoặc xác định tổng mức đầu tư không chính xác; lập dự án, phê duyệt thiết kế dự toán của hầu hết dự án còn sai sót về khối lượng, định mức đơn giá.

Các dự án được điểm tên là khá nhiều. Tiêu biểu như đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn; dự án Sân vận động Đồng Văn Hà Nam; dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội (KTNN xác định chi phí lãi vay giảm 131,43 tỉ đồng); dự án xây dựng khu công viên và hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội...

Qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỉ đồng, trong đó có dự án tỉ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.

Tài sản công cũng được dùng trả cho nhà đầu tư

Giữa năm 2017, trong tờ trình dự thảo nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án dùng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư.

Theo tờ trình, Bộ Tài chính đã liệt kê tài sản công có thể được Nhà nước dùng thanh toán các dự án BT bao gồm: Tài sản công tại cơ quan nhà nước; tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập; tài sản phục vụ công tác quản lý tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; tài sản công tại tổ chức chính trị-xã hội; tài sản kết cấu hạ tầng; giá trị quyền sử dụng đất.

Tờ trình này nói rõ: "Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định của pháp luật". Dự thảo nghị định về cơ chế nhà nước thanh toán các dự án BT còn mở rộng sang cả tài sản kết cấu hạ tầng mà cốt lõi là giá trị quyền khai thác kết cấu hạ tầng.

Nhưng quan trọng hơn, trong khi căn cứ pháp lý đối với Quyết định 23/2015 của Thủ tướng chỉ là sáu luật thì dự thảo nghị định nói trên gồm tám luật. Trong đó có những luật rất chặt chẽ như Luật Đấu thầu 2013, Luật Xây dựng 2014, Luật Đầu tư công 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Ngân sách nhà nước 2015…

Theo: Chân Luận

Pháp Luật TPHCM


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật