Vì sao sàn giao dịch hàng hóa tại Việt Nam èo uột?

Thời gian qua, hoạt động của các sở Giao dịch hàng hóa nhìn chung chưa thực sự sôi động và chưa tương xứng với tiềm năng nền kinh tế nước ta.

Đây là đánh giá của đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại hội nghị phổ biến Nghị định 51 /2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2006 về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, diễn ra ngày 9-5 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết Luật Thương mại năm 2005 đã đặt nền móng đầu tiên về các quy định quản lý nhà nước đối với Sở Giao dịch hàng hóa.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 158, trên cơ sở Nghị định 158 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, Bộ Công Thương đã cấp phép thành lập hai sở Giao dịch hàng hóa (Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam và Sở Giao dịch hàng hóa Info). Bên cạnh đó, cho phép Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột được hoạt động theo hình thức sở giao dịch hàng hóa trong vòng một năm.

Tuy nhiên, ông An nhìn nhận thời gian qua, hoạt động của các sở Giao dịch hàng hóa chưa thực sự sôi động và chưa tương xứng với tiềm năng nền kinh tế nước ta. Kể từ khi đi vào hoạt động, tổng giá trị giao dịch các hợp đồng qua các sở Giao dịch hàng hóa là 7.991,03 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là giao dịch mặt hàng cà phê .

Hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam còn kém phát triển có nguyên nhân chủ yếu từ những hạn chế của hành lang pháp lý.

Cụ thể, quy định trước đây chưa phù hợp với thực tiễn như: quy định về vốn pháp định, bằng cấp của giám đốc, tổng giám đốc, cơ sở vật chất. Chưa có quy định về mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại nước ngoài. Chưa có quy định về nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam…

Do vậy, ông Nguyễn Lộc An khẳng định việc sửa đổi này đã đảm bảo tính kế thừa, phát huy những quy định đã đi vào ổn định và phù hợp với thực tế của các văn bản đã ban hành. Đồng thời tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) tham gia loại hình kinh doanh này.

Theo đó, nghị định này cho phép các sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam liên thông với những sở Giao dịch hàng hóa thế giới cũng như thành viên các sở Giao dịch hàng hóa thế giới sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hội nhập của các sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nhanh hơn, theo kịp sự phát triển của thị trường thế giới.

 Tiếp đến, quy định cho phép các sở Giao dịch hàng hóa được niêm yết giao dịch tất cả mặt hàng mà Nhà nước không cấm và những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Với sự thay đổi này, hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam với những công cụ chống biến động giá sẽ giúp DN thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp DN nâng cao vị thế ở thị trường trong nước và thế giới.

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

 
 

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật