Vì sao thị trường cao su thế giới cũng phụ thuộc và khủng hoảng điện ở Trung Quốc
Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) trong báo cáo quý III/2021 cho biết, tương lai của thị trường cao su thiên nhiên phụ thuộc vào việc Trung Quốc giải quyết vấn đề khủng hoảng điện như thế nào. Hay nói cách khác, tốc độ tăng trưởng của thị trường cao su toàn cầu trong ngắn hạn sẽ được quyết định bởi thời gian mà Trung Quốc khôi phục nguồn cung cấp điện trở về trạng thái bình thường.
Cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc được kỳ vọng có thể sẽ giảm bớt vào quý IV (tháng 10-tháng 12) do chính phủ nước này đã bắt đầu thực hiện nhiều động thái mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu thời gian khủng hoảng kéo dài hơn thì sẽ gây bất lợi đáng kể đến tiêu thụ cao su thiên nhiên ở Trung Quốc – nước nhập khẩu và tiêu thụ cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới.
Thống kê cho thấy, Trung Quốc đã tiêu thụ 507.000 tấn cao su tự nhiên trong tháng 8 và 50.000 tấn trong tháng 9. Để đáp ứng nhu cầu từ khu vực sản xuất, dự kiến Trung Quốc sẽ nhập khẩu 1,267 triệu tấn trong quý IV, đưa tổng lượng nhập khẩu trong năm 2021 lên 4,920 triệu tấn.
ANRPC kỳ vọng hoạt động sản xuất gia tăng ở Nhật Bản khi các hạn chế chống Covid-19 được dỡ bỏ sẽ đẩy nhu cầu cao su thiên nhiên – bị dồn nén bấy lâu nay – tăng mạnh trong ngắn hạn, bù đắp cho ảnh hưởng từ việc thiếu điện ở Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng ngành sản xuất ô tô toàn cầu gây ra bởi sự thiếu hụt chip có thể cũng sẽ giảm bớt trong quý IV. Nguồn cung cấp chip bán dẫn dự kiến sẽ tăng lên khi năng lực sản xuất mặt hàng này đã mở rộng trên toàn cầu. Việc Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế chống Covid-19 cũng góp phần vào kết quả này.
Thực tế là giá cao su thế giới đã đi xuống kể từ tháng Sáu. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu chậm chạp từ Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giá cao su thiên nhiên đã đảo chiều tăng trở lại kể từ cuối tháng 9, do hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tăng trở lại khi số ca nhiễm Covid-19 ở một số tỉnh thành giảm đi, và kỳ vọng Thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ tăng cường các chương trình kích thích kinh tế.
Một yếu tố nữa cũng sẽ góp phần đẩy tăng giá cao su thiên nhiên, đó là sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường dầu thô. Giá dầu đắt đỏ khiến giá cao su tổng hợp cũng đắt theo, khiến các nhà sản xuất chuyển một phần nguyên liệu thay thế sang cao su thiên nhiên. Bên cạnh đó, các mặt hàng thường tăng giá trong thời gian giá dầu thô tăng do tỷ trọng của dầu thô trong chi phí hàng hóa là khá cao.
ANRPC đã điều chỉnh dự báo về triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên trong năm 2021 tăng thêm 9,3% lên 14,166 triệu tấn, so với 13,680 triệu tấn dự báo hồi tháng 5. Theo đó, tiêu thụ dự kiến sẽ tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, những nơi dự đoán nhu cầu hồi phục nhanh khi các hoạt động sản xuất gia tăng trở lại sau giai đoạn đại dịch Covid-19 đỉnh điểm.
Hiệp hội cũng điều chỉnh nhẹ triển vọng sản lượng cao su thiên nhiên năm 2021 lên 13,860 triệu tấn, tăng so với mức 13,782 triệu tấn dự báo trước đó. Con số dự báo mới nhất này cao hơn 2,0% so với 13,594 triệu tấn sản lượng của năm 2020.
Theo ANRPC, các hoạt động sản xuất đang "dần hồi phục" khi số ca nhiễm Covid-19 đang giảm dần ở một số quốc gia sản xuất cao su lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia …
Sản lượng cao su của Ấn Độ dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ so với 715.000 tấn của niên vụ trước. Năm 2013, sản lượng của nước này đạt trên 900.000 tấn, sau đó giảm xuống chỉ khoảng 600.000 – 700.000 tấn mỗi năm.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ nhu cầu cao su hồi phục trên toàn cầu. Theo đó, xuất khẩu cao su thiên nhiên trong tháng 9/2021 ước đạt 195.000 tấn, trị giá 321 triệu USD tăng 2,8% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với tháng 8/2021; so với tháng 9/2020 giảm 5,1% về lượng, nhưng tăng 21,2% về trị giá.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su ước đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 2,17 tỷ USD, tăng 17,1% về lượng và tăng 52,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam bình quân trong tháng 9 ở mức 1.646 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng 8/2021 và tăng 22,7% so với tháng 9/2020.
Trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước không có nhiều biến động. Tại Bình Phước giá thu mua mủ nước dao động ở mức 303-310 đồng/độ TSC. Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động khoảng 323-325 đồng/độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 308-315 đồng/độ TSC.
Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu chủ lực của cao su Việt Nam. Trong tháng 8/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 72% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 778,93 nghìn tấn cao su, trị giá 1,26 tỷ USD, tăng 12,4% về lượng và tăng 45,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam hiện đứng thứ năm trên thế giới về diện tích cao su, chiếm khoảng 5,6% tổng diện tích toàn cầu. Sản lượng cao su của Việt Nam xếp thứ ba thế giới, chiếm khoảng 7,7% tổng lượng cao su tự nhiên thế giới, sau Thái Lan và Indonesia.
Tham khảo: Thehindubusinessline, European-rubber-journal
Theo Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Giá lương thực toàn cầu tháng 9/2021 tăng kỷ lục trong 10 năm qua
- Giải mã chìa khoá tăng trưởng của Uniqlo bất chấp Covid: Xem ĐNÁ là "một hộp đôla", số hoá chuỗi cung ứng, làm sản phẩm "LifeWear" phục vụ WFH
- Vì sao Nhật Bản là nơi khai sinh ra chính sách “lãi suất bằng 0” và “nới lỏng định lượng” nhưng lại gặp cảnh trì trệ kéo dài suốt 2 thập kỉ?
- Amazon đánh bại 'vua bán lẻ' Walmart
- Việt Nam chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu các loại thịt
- Vải thiều Bắc Giang được bày bán tại AEON Việt Nam và Nhật Bản
- Rót hàng tỷ đô vào Masan, Vingroup, chaebol top 3 Hàn Quốc SK Group đặt cược mạnh vào Việt Nam
- Giá lương thực toàn cầu lên mức cao nhất trong một thập kỷ
- Sự trỗi dậy của thế lực nội trong cuộc chiến tỷ USD: Masan đi đầu kênh bán lẻ hiện đại, THACO mua lại Emart, KIDO mở chuỗi đến tham vọng lấy lại thị phần từ tay nước ngoài của MWG
- Các thị trường nước ngoài kinh doanh tốt, lợi nhuận Viettel Global năm 2020 lên cao nhất 5 năm