Việt Nam đang có 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ

Được đánh giá là kênh tiêu dùng chính với lượng cửa hàng lớn phủ kín khắp đô thị và nông thôn, nhưng cửa hàng tạp hóa truyền thống đang e ngại sự bùng nổ của kênh bán lẻ hiện đại.
Việt Nam đang có 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ

Báo cáo Chỉ số niềm tin nhà bán lẻ do Nielsen Việt Nam vừa công bố cho biết Việt Nam đang có hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ. Kênh truyền thống vẫn lớn nhất cả về số lượng cửa hàng và đóng góp doanh thu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Ở khu vực thành thị, kênh thương mại truyền thống đóng góp khoảng 83% tổng doanh thu, tương đương gần 10 tỷ USD trong ngành hàng này.

Khảo sát từ báo cáo của Nielsen Việt Nam cho thấy mức độ tự tin của các cửa hàng tạp hóa truyền thống vào tình trạng kinh doanh của họ đang ở mức thấp trong 2 năm qua, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Cửa hàng tạp hóa đang thiếu tự tin vào tình hình kinh doanh của mình.

Các nhà bán lẻ truyền thống bày tỏ mối quan tâm lớn về sức mua hàng, lưu lượng khách đến cửa tiệm và sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ khác.

Cụ thể, khảo sát cho thấy có 45% nhà bán lẻ truyền thống thể hiện sự lo ngại về sức mua của người tiêu dùng, tăng 6% so với khảo sát tương tự ở cùng kỳ năm ngoái. Có 28% nhà bán lẻ lo ngại về số lượng người đến mua hàng giảm so với trước đây; 14% lo lắng về sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ khác.

Đặc biệt, khi hỏi các cửa hàng bán lẻ có đồng ý việc người tiêu dùng đang chuyển dần sang mua sắm ở cửa hàng tiện ích, siêu thị mini hay siêu thị trong Tết vừa rồi hay không, đến 70% trong số người được hỏi đồng ý. Điều này cho thấy các chủ cửa hàng bán lẻ truyền thống đã cảm nhận rõ ràng hành vi thay đổi mua sắm của người dùng.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, giải thích: “Chỉ số niềm tin nhà bán lẻ (RCI) trung bình ở mức 100. Nếu chỉ số trên mức 100, các nhà bán lẻ tự tin. Nếu chỉ số dưới mức 100, các nhà bán lẻ không tự tin.

Dựa trên mức đo lường này, chỉ số niềm tin các nhà bán lẻ kênh thương mại truyền thống của Việt Nam thấp dưới mức 100 thì chứng tỏ họ chưa có sự lạc quan về tiềm năng của thị trường bán lẻ”.

Báo cáo Chỉ số niềm tin nhà bán lẻ dựa trên kết quả phỏng vấn trực tiếp với hơn 800 cửa hàng tạp hóa truyền thống (có ít nhất 30 loại hàng hóa) trên khắp Việt Nam, để hiểu mức độ lạc quan của nhà bán lẻ và mối quan tâm hàng đầu của họ, cũng như các thương hiệu hàng đầu.

Trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong quý đầu tiên, chỉ số niềm tin nhà bán lẻ khá trì trệ. Điều này có nghĩa là sự lạc quan mà người tiêu dùng đã có về tình trạng tài chính của họ không dẫn đến sự gia tăng về sức mua ở kênh thương mại truyền thống. Chi tiêu của người tiêu dùng đang ưu tiên rót vào những khoản lớn hơn, như du lịch, xe máy, điện thoại, đồ gia dụng…

(Theo: Zing)


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật