Zara, H&M đổ bộ: Bất ngờ cơn khát hàng hiệu dân Hà Thành
Rồng rắn mua đồ hiệu
Đồng loạt hai thương hiệu lớn là Zara và H&M vừa khai trương cửa hàng tại Hà Nội, sau khi được ghi nhận đã thu hái nhiều thành công tại thị trường TP.HCM. Nếu như Zara chọn trung tâm thương mại phố Bà Triệu làm đại bản doanh để bán hàng, thì H&M hướng tới giới trẻ khi đặt địa điểm tại một khu mua sắm mới ở Royal City, quận Thanh Xuân.
Với mặt bằng rộng lên tới hàng nghìn m2, thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, cùng hàng nghìn sản phẩm được bày bán, các thương hiệu này đã làm thỏa mãn cơn thèm khát của không ít dân nghiền thời trang Hà Nội.
Bằng chứng là cảnh tượng xếp hàng thanh toán tại ngày đầu khai trương của hai thương hiệu này. Do chỉ mở cửa hạn chế cho khách mời nên rất nhiều người khác không được vào mua sắm và tỏ ra khá tò mò, hào hức ở bên ngoài.
Mặc dù mang danh "mì ăn liền", nhưng những thương hiệu lớn như Zara hay H&M đều rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu khách hàng. Hiện nay, người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam, chi khá mạnh tay cho thời trang và giải trí. Họ quan tâm đến thời trang, trào lưu nhiều hơn.
Chị Quỳnh Anh, trưởng phòng kinh doanh một công ty du lịch tại Hà Nội, đã mua gần 10 triệu đồng đơn hàng trong buổi đầu khai trương. Chị cho hay, chính sách đổi trả trong 30 ngày của các thương hiệu này đã khiến người tiêu dùng trong nước quan tâm hơn. Đây cũng là điều mà ít các doanh nghiệp bán lẻ thời trang trong nước làm và cạnh tranh được.
Bên cạnh đó, các thương hiệu này thực sự khôn ngoan trong việc thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Cảm giác của khách hàng khi bước vào các cửa hàng này là đôi chút hoa mắt vì la liệt mẫu mã na ná giống nhau cả về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng.
Nhiều bà mẹ bỉm sữa cũng đã khá mạnh tay khi chi tiền triệu mua sắm quần áo, giày dép cho trẻ con. Cách đây không lâu, một tờ báo của Nhật Bản đã có bài viết về cơn sốt thời trang cũng như câu chuyện về bà mẹ chi tới 10 triệu để mua quần áo cho con 5 tuổi nhân dịp khai trương nhãn hiệu thời trang trên. Bấy lâu nay, để mua được những sản phẩm này, chị phải lặn lội sang Bangkok, Singapore hay phải nhờ người ở TP.HCM mua chuyển ra Hà Nội.
Ngoài Zara, H&M, thị trường Hà Nội đang có mặt của Mango, Nine West, Levis,... ở phân khúc cao cấp có các thương hiệu như Salvatore Ferragamo, Versace, Burberry, Bally, Tumi, Paul & Shark, Just Cavalli, Versace Jeans đều tập trung ở Tràng Tiền Plaza.
Mạnh tay mua sắm
Thị trường Việt Nam từ lâu đã được coi là mảnh đất màu mỡ đối với các đại gia bán lẻ. Theo một đánh giá gần đây của Savills, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch kinh tế, với những thay đổi sâu sắc trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Cách đây khoảng 4-5 năm, các khảo sát từ nhiều đơn vị uy tín quốc tế đã nhận định rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam cần 1 thập kỷ để phát triển.
Nhưng đến nay, nhiều chuyên gia đã thật sự bất ngờ với những gì họ đang chứng kiến. Việt Nam luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập, bất kể nền kinh tế đang cộng hay trừ.
Một điểm đáng chú ý trong quý IV/2017 là việc Việt Nam đạt chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở mức 117 - điểm cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, theo báo cáo của Nielsen. Chỉ số đó cho thấy triển vọng của thị trường bán lẻ cũng như sự lạc quan về khả năng tài chính và mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng Việt.
Mức tăng 5 điểm so với cuối năm 2016 này đã đưa Việt Nam lên đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan. So sánh với khu vực, người tiêu dùng Đông Nam Á nhìn chung vào mức cao, trong đó Phillippines là nước dẫn đầu toàn cầu về mức độ lạc quan và Indonesia xếp vị trí thứ 4.
“Thời trang nhanh” với đặc trưng nổi bật là giá cả hợp lý hiện đang là ngành hàng phát triển mạnh. Đại diện Zara cho biết, cửa hàng tại Hà Nội là một trong những cửa hàng lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Sau màn chốt hạ ấn tượng của Zara và H&M chắc sẽ là quyết định của Uniqlo, dù còn đang thăm dò thị trường, chắc chắn sẽ giúp người tiêu dùng trong nước có thêm lựa chọn.
Theo Vietnamnet
TIN CŨ HƠN
- Mua 1 bán 3, quy tắc ngầm khi nhập hàng Trung Quốc về thay mác
- Ai đang thống trị mảng sữa nước ở kênh truyền thống?
- Các nhà bán lẻ online, ai nhanh chân giành được giỏ hàng này, người đó thắng
- Top 10 nhà bán lẻ uy tín: Big C và Co.op Mart so găng quyết liệt, Thế giới di động vượt trội so với Nguyễn Kim và FPT Shop
- Co.op Mart: Đổi mới phương thức bán lẻ để giữ thị phần
- Thị trường thịt gia súc, gia cầm: Tham vọng với "miếng bánh" 18 tỷ USD
- Chuỗi bán lẻ dược phẩm: Thế trận mới
- Vinmart+ đang 'xâm chiếm' khắp ngóc ngách Việt Nam bằng cách thức khiến người Nhật cũng phải nể phục!